Mẹ Mỹ: Trẻ không ăn, hãy mặc kệ!
Bàn chuyện mẹ Mỹ dạy con, tôi cũng muốn chia sẻ một ‘bí kíp’ (theo tôi là rất hay và hữu dụng) để ‘uốn nắn’ trẻ bướng biết nghe lời.
Tôi hiện làm mẹ đơn thân và con trai tôi năm nay hơn 4 tuổi. Luôn nghĩ mình có lỗi đã để con sinh ra không có bố nên tôi cố gắng bù trừ cho con. Không biết có phải vì được nuông chiều nên con trai tôi rất bướng? Gần như không bao giờ mẹ nói mà bé nghe và làm theo luôn. Tôi lúc nào cũng phờ phạc cả người vì chạy theo con nhắc việc này không được làm, việc kia nguy hiểm. Đôi lúc tôi bực mình lên la hét, cả đánh đòn con nhưng chẳng cải thiện được tình hình, còn làm mọi thứ tồi tệ hơn.
Chị dâu tôi, một người Mỹ chính hiệu nhìn cách tôi dạy con thì lắc đầu ngao ngán. Chị bảo, giải phóng mình đi, đừng có suốt ngày vật vã với con cái như thế. Khổ mình mà cũng khổ con. Con trẻ, không phải lúc nào cũng buộc chúng nghe lời được nhưng nếu muốn chúng ngoan thì bản thân mẹ phải có ‘luật’. Tôi nghe chị nói nhưng thú thực cũng chưa hiểu ‘luật’ là gì.
Tôi phờ phạc vì con trai không chịu nghe lời (Ảnh minh họa).
Một lần đến nhà anh chị chơi, cháu trai tôi (gần 5 tuổi) hào hứng chạy chơi, la hét. Trong khi người giúp việc lau nhà, cháu cứ luẩn quẩn quanh chân đòi giúp và nghịch nước văng tung tóe. Chị dâu tôi lừ mắt: "Không làm nước văng nhà, dơ lắm. Để yên cho bác làm việc". Cháu trai tôi lờ đi lời mẹ nói, tiếp tục nghịch.
Được vài phút, khi người giúp việc đang lau cầu thang, cháu dùng 2 tay vốc nước rồi té tung tóe ra sàn nhà, cười thích thú. Trong khi người giúp việc lấy giẻ lau, tôi gắt cháu vì nghịch bẩn thì chị dâu tôi mặt nghiêm lại nhìn con với ánh mắt khó chịu: “Tự lau sàn cho khô, cởi đồ ướt ra và cho vào máy giặt”. Cháu tôi thấy mặt mẹ biến sắc thì nép vào người cô như cầu cứu. Chị dâu tôi nhìn con không nói một lời, lẳng lặng kéo con vào căn phòng trống mà gia đình chị vẫn dùng trữ đồ cũ và khóa trái cửa.
"Không, thả con ra", cháu tôi kêu khóc thảm thiết nhưng chị dâu lạnh lùng quay đi.
Cũng là mẹ nên nghe tiếng kêu khóc của cháu, ruột gan tôi thắt lại, chỉ muốn giằng chiếc chìa khóa ở tay chị mở cửa ‘giải cứu’ cháu nhưng nhìn thái độ kiên quyết của chị, tôi chỉ dám nhẹ nhàng khuyên can: “Chị phạt cháu thế tội nghiệp” – “Không, trẻ con không nghe lời phải phạt thích đáng”, chị dâu tôi xua tay và ra hiệu cho tôi uống tiếp tách café chị đã pha. Ngồi nói chuyện với chị mà tôi nhấp nhổm không yên vì sau một hồi khóc lóc thảm thiết thấy cháu tôi im bặt, không còn cả tiếng thút thít. Tôi chỉ tay về phía cửa phòng trữ đồ hỏi chị dâu “Liệu… David (tên cháu tôi) có sao không?” – “Không sao, chị bình thản”.
Một lúc sau, David gọi lớn: “Mẹ ơi, thả con ra” – “Thế giờ con sẽ lau sàn, cởi quần ướt ra cho vào máy giặt chứ?”, chị dâu tôi điềm tĩnh hỏi. “Vâng”, David trả lời. “Lần sau con sẽ nghe lời mẹ chứ?” – “Vâng ạ”.
'Thương lượng’ xong, chị dâu tôi lấy khóa mở cửa phòng cho David. Cậu bé mặt đầy nước mắt nhưng ngoan ngoãn cầm giẻ lau nhà.
Một lần khác, về nhà ông nội chơi. Sau 1 hồi chạy nhảy, David nóng và cởi quần, áo khoác ngoài ra vứt bừa bãi trên sàn nhà. Ông nội nhìn thấy lắc đầu cười, định nhặt đồ của cháu bỏ gọn vào. Nhưng chị dâu tôi nằng nặc "Không, để David tự dọn". Chị quay sang nói: "David, nhặt quần áo bỏ gọn lên sofa" - "Tại sao?", cháu bướng bỉnh hỏi lại. "Thế là bừa bộn. Cách cư xử đó không được hoan nghênh" - "10 phút nữa con dọn", David 'mặc cả'. Và chị dâu tôi đồng ý với ý kiến của con. Một lúc sau, khi chị quay lên vẫn chưa thấy con dọn quần áo, chị 'ra lệnh': "Hoặc là con dọn đồ, hoặc là con không được ăn tối"...
Như cảm nhận sự nghiêm nghị trong lời nói của mẹ, David ngoan ngoãn nhặt quần áo bỏ gọn lên ghế sofa.
... Tôi hỏi chị, sao phạt con nặng thế? Chị cười nói trẻ con bản tính nghịch ngợm, nếu muốn dạy thì lời nói của mẹ phải có sức nặng. Và chúng phải biết rõ cái gì được phép cái gì không và nếu vi phạm, chúng sẽ bị phạt.
Tôi học cách 'kỷ luật' con của chị áp dụng với con trai tôi và thấy con trai ngoan hơn hẳn. Khi con tôi chơi đồ chơi xong không chịu dọn gọn, tôi ra 'luật': "Nếu con không dọn đồ, con không được ăn tối". Lần đầu tiên, con tôi tưởng mẹ đùa nên nhơn nhơn không nghe và tôi hạ quyết tâm thực hiện 'luật' của mình. Con tôi thấm thía ngay, lần sau mẹ nhắc dọn gọn đồ chơi là làm răm rắp.
Hết giờ chơi điện tử, con vẫn chưa chịu ngồi vào bàn học cùng gia sư, tôi cảnh báo: "Con không học, ngày mai không được sang chơi với ông ngoại" (con tôi dành một tình yêu đặc biệt cho ông ngoại). Đến ngày hôm sau, đợi mãi mà mẹ không đưa về nhà ông, con tôi phụng phịu hỏi: "Sao hôm nay không về ông ngoại, mẹ?" - "Vì hôm qua con không học bài", tôi trả lời con ngắn gọn. Con níu tay mẹ nài nỉ nhưng mẹ kiên quyết "Không, mai chúng ta mới về ông. Hôm nay thì không vì con đã không nghe lời mẹ". Nghe giọng mẹ chắc nịch, con không dám mè nheo thêm nữa, mặt buồn so đi vào nhà ngồi ủ rũ...Nhìn con rất đáng thương nhưng mẹ đành phải kìm lòng...
Chia sẻ của mẹ bé Hải Đăng (Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội)