Malaysia là 1 đất nước đa ngôn ngữ, đa sắc tộc và đa tôn giáo, trong đó riêng Mã - Hoa - Ấn là 3 sắc tộc chính thì đã có 3 ngôn ngữ riêng, 3 tôn giáo khác nhau. Chính vì vậy, ngay từ khi từ lọt lòng mẹ, đến mẫu giáo, các bé đã được tiếp xúc, va chạm, làm quen vài ngôn ngữ cùng 1 lúc.
Là một mẹ Việt hiện đang sinh sống ở Malaysia và có hai cô con gái trạc 3, 4 tuổi, chị Bích Tuyền (người gốc Cần Thơ) cảm nhận rất rõ về hệ thống mẫu giáo tại đất nước này.
Bà mẹ trẻ chia sẻ những điểm đặc trưng về mẫu giáo ở Malaysia, mang lại cho các chị em bỉm sữa Việt những cái nhìn mới lạ và sự so sánh thú vị.
Chị Bích Tuyền theo chồng sang Malaysia sinh sống. Hiện công việc chính của chị là chăm sóc 2 bé gái hơn 3 và 4 tuổi.
Chuyện tìm trường và đăng ký học mẫu giáo ở Malaysia
Các trường mẫu giáo chính thống ở Malaysia nhận trẻ từ 3 tuổi trở lên. Thấp nhất cũng phải 2,5 tuổi. Chỉ nhận khi bé đã biết nói, đã biết kêu khi muốn đi vệ sinh. Mình thấy đây là một vấn đề cần thiết. Vì khi đó con có thể giao tiếp và nói lên mong muốn, con có thể kể lại các sự việc cho mẹ nghe, nếu có bị bắt nạt, bạo hành mẹ biết ngay.
Nhớ những ngày đầu đi đăng ký cho con vào học, mình tự vẽ ra 1 viễn cảnh khó khăn, căng thẳng, nhưng đến trường mình thật sự bất ngờ. Tất cả rất êm đềm, cô hiệu trưởng tiếp phụ huynh tận tình, giải đáp mọi thắc mắc và nghi vấn.
Cô cho phép con học thử 1 tuần miễn phí, cho phép mẹ ở trường với con 1 tuần, cho phép con học chỉ 2 hay 3 giờ 1 ngày tùy ý con. Cho phép con làm hay chơi bất cứ thứ gì con thấy trên trường, không ngăn cấm, không khuôn phép và không bắt buộc.
Sau 1 tuần con bắt đầu muốn làm theo các anh chị, kiểu như: để giầy dép đúng ô của mình, để cặp sách và chai nước nơi quy định, tự động muốn xếp hàng theo mọi người và tự nhiên không muốn mẹ nữa, bảo mẹ về đi.
Con mình đi học mẫu giáo ở Malaysia bắt đầu như thế, rất êm đềm, không gào thét, không nước mắt và không ức chế.
Các chương trình học trong ngày
Không phải tất cả các trường mẫu giáo ở Malaysia đều như nhau. Trường của bé nhà mình là trường Hoa, trường dành cho các bé có gia đình là người Hoa vì trường ưu tiên nói tiếng Hoa. Tuy nhiên gia đình không nói tiếng Hoa vẫn được chào đón. Như con nhà mình là một sự đặc biệt. Ở trường con mỗi lớp có 3 cô giáo, dạy 3 ngôn ngữ cùng lúc Anh, Hoa, Mã dạy kèm với việc chơi và học.
Cách dạy của các cô cũng rất thú vị. Ví dụ như để học chữ Apple đầu tiên cô sẽ cho con đọc chữ Apple, sau đó cho con coi hình trái táo, sau đó cho con ghép chữ Apple vô hình tương ứng, và con tự biết chữ Apple là cái gì. Con dần biết và hiểu ngôn ngữ mới một cách thú vị, ấn tượng và sâu sắc.
Con cũng có bài tập về nhà để viết, mỗi ngày 1 trang giấy. Nhưng lạ một điều là cứ đến dịp lễ, tết, cuối tuần là tất cả sách và tập bài tập về nhà bị các cô thu lại hết, cất ở trường, không bài tập, không học thêm, không phải làm gì trong các ngày nghỉ dù ngắn hay dài. Để sau đó con nhớ trường, nhớ lớp, nhớ cây viết cuốn tập, con lao vào học 1 cách hăng say và nhiệt huyết.
Chuyện bữa ăn ở trường
Đồ ăn của các con thì vừa đủ và được chế biết tại trường, nguồn cung cấp cũng được công bố cho phụ huynh biết nếu có thắc mắc, tìm hiểu. Mẹ thấy các cô thật hiền hòa và các con thì thật vui, không có lý do gì để các con khó chịu và không có nguyên nhân nào để các cô phải đánh con.
Thực đơn không báo trước, các bữa ăn như sau:
10h30 ăn dăm: Milo/sữa tươi/sữa đậu nành + bánh mì/mì xào/bánh lọt....
12h30 ăn chính: mì/cơm/cháo/ + tôm + gà +bò + rau + súp + trái cây/sữa chua
3h15 tiệc trà: 1 ít trái cây + bánh ngọt/ bánh + nước bông cúc....
3h30 tự ngủ/về
Các món ăn trường tự thay đổi, các con tự xúc ăn, cô ít bón cho các cháu. Thực đơn phụ huynh trao đổi với cô hiệu trưởng thì biết. Đa số các bé đi học về cảm thấy đói, nên sau khi con về nhà mình sẽ cho ăn dăm trái cây, cháo, súp, bánh nhẹ trước 6h ăn tối.
Bé đi học về không đau bụng, không phàn nàn các bữa ăn, không tăng/giảm cân vô lý nên mình hài lòng về phần ăn ở trường của con.
Các hoạt động ngoại khóa
Một năm học sẽ có vài lần các hoạt động ngoại khóa bao gồm
- Vui chơi ngoại khóa như: Các con sẽ đi sở thú, vườn chim, công viên nước, đi thăm bảo tàng, đi đến các cơ sở, mô hình khoa học: giàn khoan dầu, thí nghiệm về không gian
- Học tập ngoại khóa: Đi đến trạm cứu hỏa, học tập nghiên cứu về nguyên nhân gây hỏa hoạn, cách phòng tránh và cách thoát thân.
- Thể thao: Trường thuê 1 sân vận động nhỏ, cả trường tham gia các trò chơi có tính cá nhân, tập thể, có sự tham gia của cả bố và mẹ. Đây cũng là dịp để các phụ huynh giao lưu với nhau. Sau các trò chơi và thi đấu thì tất cả các bé đều có huy chương đem về.
- Thường cuối năm học sẽ tổ chức ca múa cả trường: Điều đặc biệt là không có chuyện phải chọn bé nào giỏi mới ra biểu diễn mà tất cả các bé sẽ cùng lên sân khấu, múa hát hết mình. Thậm chí chỉ đứng trước đám đông thôi cũng được khen là anh dũng lắm, nên các bé rất tự tin và mạnh mẽ.
Văn hóa "phong bì"
Ở đây mình chưa thấy hay chưa nghe nói bất kỳ ai đưa phòng bì cho giáo viên. Việc đưa phong bì được cho là hạ thấp danh dự và lòng tự trọng của người đưa và người nhận. Ở Malaysia cũng có ngày nhà giáo và thường các phụ huynh sẽ tặng hoa cho cô hoặc đến trường cảm ơn cô giáo.
Chuyện camera trực tuyến và cách phụ huynh "theo dõi" con
Muốn đến trường khác giờ đưa đón, cha mẹ phải hẹn trước và có lý do cụ thể và chỉ được tiếp ở phòng cô hiệu trưởng, quan sát lớp qua camera chứ không được làm phiền các bé. Ở Việt Nam, cha mẹ đòi hỏi camera trực tuyến nhưng ở Malaysia, việc đòi hỏi camera như vậy là thiếu tin tưởng và không tôn trọng nhà giáo. Ở đây trường cũng có camera, nhưng không ai yêu cầu cho coi hay truy xét gì.
Mình nghĩ lý do là:
- Không có bạo hành
- Con không than phiền cô, bạn, đồ ăn, mất cắp...
- Mỗi ngày con vui vẻ đến trường, yêu cô mến bạn, nên phụ huynh không có gì cần phải xoi xét.
- Gia đình và nhà trường liên hệ chặc qua điện thoại, email, nên các mẹ rất yên tâm gửi con cho trường.
Học phí
Thường các trường có học phí khác nhau có trường tầm 2 triệu cho 1 bé cho cả ngày từ 8h sáng tới 5h30 không ăn chiều. Có trường lên đến 10 triệu/tháng/bé học cả ngày. Nhưng các trường thật nhân hậu, phụ huynh chưa kịp đóng tiền con vẫn học và ăn uống đầy đủ, không bị nêu tên, ghi sổ gửi thư gì cả.