Tròn một năm rưỡi cùng chồng và đứa con gần 4 tuổi sống ở Canada, chị Thùy Chi (tên thân mật là mẹ Tee) từ một người không có quá nhiều kinh nghiệm chăm con, giờ đây đến vùng đất mới chị đã có cho mình tất cả những trải nghiệm về cách nuôi dạy con tích cực. Nhất là việc dành trọn thời gian để yêu thương, quan tâm bé yêu.
Chị Thùy Chi bên cậu con trai gần 4 tuổi.
Khác với nhiều gia đình thường để mặc con một mình ăn chơi, sinh hoạt, người mẹ gốc Việt đang sinh sống ở Canada lại làm điều hoàn toàn ngược lại. Có thể nói quan điểm nuôi con của chị Thùy Chi rất đơn giản, đem lại những tiến bộ rõ rệt trong quá trình phát triển của bé, song phương pháp lại chưa được nhiều bố mẹ Việt Nam áp dụng.
Mẹ Tee chia sẻ, sau hơn 1 năm đến trời Tây cả nhà chị đã kịp thích nghi và làm quen được với cuộc sống nơi đây. Hằng ngày, chồng đi làm hành chính, bé Tee đi học, còn bản thân chị thì đảm nhận công việc nội trợ, viết và dịch sách tại nhà.
Bé Tee đã đi học ngay sau khi sang Canada 1 tháng. Làm quen với môi trường mới, cô mới, bạn mới, đặc biệt là ngôn ngữ mới, chị hiểu là con đã rất bỡ ngỡ và khó khăn. Tuy nhiên, sau 6 tháng trong buổi trình diễn trên sân khấu đầu tiên của con, nhìn Tee tự tin, hoạt bát, vui vẻ hát, nhảy cùng các bạn, người mẹ ấy cảm thấy khá nhẹ lòng và tự hào vì con đã bắt nhịp rất tốt.
Hiện tại Tee có thể nói tốt cả hai ngôn ngữ Anh - Việt và giao tiếp một chút tiếng Pháp vì ở trường con học song ngữ.
Ngay khi vừa mới đến trời Tây, các thành viên đã bắt kịp với lối sống và thời tiết nơi đây.
Chị Chi cũng thừa nhận chuyện làm mẹ nơi xứ người có rất nhiều khó khăn khi không nhận được sự hỗ trợ từ phía ông bà nội ngoại, chồng phải lo đi học. Song chị cũng cảm thấy khá may mắn khi chồng luôn ủng hộ các quan điểm và phương pháp nuôi dạy con của vợ. Từ luyện con ngủ đến ăn dặm tự chỉ huy, rồi khi con lớn lên chút là các phương pháp rèn kỷ luật cho bé.
Bà mẹ trẻ cho rằng, việc dạy và dành thời gian cho con là nhiệm vụ chung của cả hai. Mặc dù có ít thời gian hơn, nhưng anh xã của chị luôn cố gắng những khoảng thời gian bên con phải thật chất lượng. Buổi tối hoặc cuối tuần, anh rất ít khi cầm vào điện thoại và hạn chế làm việc để chơi cùng con.
Họ thường có những chuyến trải nghiệm cùng nhau.
“Cả mình và chồng luôn cố gắng hạn chế điện thoại khi ở bên cạnh con. Nếu bắt buộc phải làm việc, chúng mình sẽ nói rõ với bé trước, hẹn với con thời gian bố mẹ sẽ làm xong việc, đặt đồng hồ để con tự chơi. Khi đồng hồ kêu, dù chưa làm xong công việc, mình cũng sẽ quay trở lại cùng con và sẽ hoàn thành nốt việc sau khi con đi ngủ buổi tối.
Chúng mình thống nhất cố gắng không cướp mất quỹ thời gian của bé với bố mẹ. Những khi con tự chơi hoặc chúng mình rảnh rỗi, cả hai thường sẽ đọc sách, cũng là một cách phát huy tình yêu sách và thói quen đọc cho con” – mẹ Tee cho hay.
Cũng nhờ những nguyên tắc trên, nên gần như trọn vẹn các buổi tối ngày thường và cuối tuần là hai vợ chồng chị Chi dành cho gia đình. Dù có bận đến mấy, cả nhà cũng không phá vỡ khoảng thời gian đó. Ti vi, điện thoại, ipad là những thứ được nói không ở nhà Tee, đặc biệt vào buổi tối. Thậm chí, nhà chị còn không có ti vi.
Chị cho rằng đó là những buổi tối rất bình thường của của gia đình khi đang sinh sống ở trời Tây, nó khiến các thành viên cảm thấy thoải mái khi dành đủ thời gian cho nhau.
Đặc biệt, chị Chi luôn ưu tiên mọi thời gian rảnh rỗi để chơi và dạy con yêu.
Bên cạnh việc ở dành thời gian cho con, chị Thùy Chi còn những “chiêu” dạy con rất hiệu quả. Bản thân làm một người mẹ nên chị biết rất nhiều phụ huynh hằng ngày phải đối diện với những đứa trẻ ăn vạ, khóc lóc. Nhưng nhờ 2 tuyệt chiêu: Đếm ngược và cho con lựa chọn nên nhiều bậc cha mẹ đã giải cứu được tình thế căng thẳng khi con bất hợp tác.
Trẻ con luôn ghét sự thay đổi đột ngột và thích đưa ra sự lựa chọn của riêng mình. Chỉ cần nắm rõ được hai nguyên tắc đó, bố mẹ sẽ dễ dàng kiểm soát được hành động của con mà không cần tới quát tháo, phạt, đòn roi hay nước mắt.
Chị Thùy Chi minh họa: “Ví dụ như trước khi rời khỏi sân chơi, mình sẽ luôn báo với Tee “còn 5 phút nữa”. Sau đó, cứ mỗi phút mình sẽ thông báo cho con một lần để con được chuẩn bị tâm lý trước. Hết giờ con sẽ tự động ra nắm tay mẹ, đi về nhà. Việc đó nhẹ nhàng hơn nhiều so với bắt con đi về ngay tức khắc hay lôi xềnh xệch bé đi trong nước mắt và gào thét, đó là phương pháp đếm ngược.
Hay thỉnh thoảng vì mải chơi, Tee cũng không chịu đi tắm, thay vì lại ép buộc con, mình sẽ cho con lựa chọn: Muốn bố tắm cho con hay mẹ tắm cho con, con muốn mang ô tô hay máy bay đi tắm cùng… Việc được lựa chọn lúc này sẽ khiến bé vô tình quên đi lý do ban đầu không chịu mà hào hứng suy nghĩ và tự đưa ra quyết định của riêng mình, cho con lựa chọn là như thế”.
Những bài dạy tưởng như đơn giản nhưng mang lại tiến bộ rõ rệt cho bé Tee
Chia sẻ về những phương pháp dạy con kể trên, chị Thùy Chi thú nhận bản thân không phân biệt rạch ròi phương pháp dạy con truyền thống hay phương Tây. Vợ chồng chị vẫn sẽ hướng cho Tee những nếp truyền thống của Việt Nam như đến giờ ăn vẫn cần mời bố mẹ, hỏi cũng cần đầu đuôi, không được nói trống không, thưa gửi có vâng, có dạ…
Bên cạnh đó, nếp dạy con phương Tây cũng có rất nhiều điều đáng học hỏi. Bố mẹ Tây thường rất tôn trọng con, khi nói chuyện thường ngồi xuống ngang với bé, không ép con, không đánh con, hỏi ý kiến con trước khi quyết định những vấn đề liên quan tới bé…
Con được mẹ hướng cho những nếp truyền thống của Việt Nam như đến giờ ăn vẫn cần mời bố mẹ, hỏi cũng cần đầu đuôi...
Ngoài ra mẹ cũng rất tôn trọng con khi nói chuyện.
Nói về những dự định gần nhất trên hành trình nuôi dạy con nhỏ, mẹ Tee xin được chia sẻ sau. Trong thời gian tới, chị sẽ phải tăng cường đọc nhiều sách hơn để tìm hiểu các cách mới cũng như tâm sinh lý của con. Tạo tiền đề tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của con hiện tại và sau này.
Nguồn: http://khampha.vn/me-va-be/me-viet-o-canada-tiet-lo-chieu-khien-con-4-tuoi-luon-vang-lo...Nguồn: http://khampha.vn/me-va-be/me-viet-o-canada-tiet-lo-chieu-khien-con-4-tuoi-luon-vang-loi-khong-an-va-khoc-loc-c32a750211.html