Tôi làm việc trong phòng Hành chính – Nhân sự của một cơ quan Nhà nước. Phòng tôi có 4 chị em, tôi và một chị nữa chưa lập gia đình, hai chị còn lại: chị Thanh và chị Liên đều đã có gia đình. Điều đáng nói ở đây là cả hai chị đều mang bầu đôi, chị Thanh sinh đôi hai bé trai còn chị Liên sinh đôi hai cô công chúa.
Mọi người trong cơ quan hay đùa “Phòng này có vía sinh đôi rồi, 2 cô kia chuẩn bị tinh thần đi”. Nghe mọi người nói thế tôi nửa thấy vui vui, nửa thấy lo lo. Thỉnh thoảng tôi có hay hỏi han các chị về những khó khăn và những mẹo hay các chị áp dụng để chuẩn bị tinh thần, phòng khi cái “vía” ấy cũng rơi vào tôi như mọi người trêu.
Trong số những kinh nghiệm và chia sẻ các chị “truyền dạy” cho, tôi thấy thú vị và bổ ích nhất là việc cho các bé bú. Bình thường sinh con một thôi, các mẹ cũng đã thấy việc nuôi con bằng sữa mẹ chẳng dễ dàng tẹo nào, nữa là với người cùng lúc “hai nách hai con”. Những kinh nghiệm quý báu này tôi xin chia sẻ ở đây với các mẹ, biết đâu các mẹ cũng có diễm phúc như hai chị phòng tôi.
Liệu mẹ có đủ sữa không?
Có lẽ chúng ta đều biết sữa mẹ chứa rất nhiều dưỡng chất và kháng thể giúp bé phát triển khỏe mạnh, phòng tránh bệnh tật. Do đó, thiếu sữa là điều mà mẹ nào cũng lo, nhất là với mẹ mang bầu song sinh bởi nhu cầu sữa gần như là gấp đôi.
Như chị Thanh chia sẻ rằng khi biết tin mình mang thai song sinh chị cũng rất lo, không biết nguồn sữa có đủ cho hai bé bú không. Thế rồi chị tìm hiểu và được biết sữa mẹ tiết theo quy luật cung-cầu. Sau khi sinh, bé bú ít hay nhiều, cơ thể mẹ sẽ tự điều chỉnh lượng sữa tiết ra. Do đó, quan trọng là phải cho bé bú nhiều trong những ngày đầu, như thế cơ thể mẹ mới biết mà tiết đủ sữa.
Nhọc nhằn nỗi vất vả của mẹ có con sinh đôi (Ảnh minh họa)
Chị cũng chia sẻ thêm điều quan trọng là các mẹ phải ăn uống đủ chất, không nên vội vàng công cuộc giảm cân sau sinh mà ăn uống kiêng khem làm giảm lượng sữa và dưỡng chất có trong sữa. Một số món ăn dân gian lợi sữa có thể được kể đến như canh cá chép đậu đỏ, đu đủ hầm chân giò, giá, canh rau đay...
“Chiến đấu” cặp đôi hay tách riêng?
Nên cho từng bé bú để dễ bế hơn hay cho cả hai bé bú cùng một lúc là điều mà các bà mẹ song sinh hay thắc mắc. Theo như cả hai chị Thanh, Liên mách thì cho hai bé bú cùng một lúc ban đầu có thể khó nhưng lại có nhiều lợi ích lâu dài.
Thứ nhất, khi cho cả hai bé bú, mẹ sẽ tiết kiệm thời gian và tranh thủ nghỉ ngơi; khoảng thời gian mẹ cho con bú cũng chỉ bằng khoảng thời gian các mẹ sinh một cho con bú. Thứ hai, khi bú cùng nhau, hai bé có xu hướng ngủ và thức cũng nhau, mẹ sẽ tránh được cảnh một bé khóc vì đòi ăn, một bé dù đã no nhưng cũng khóc vì anh/chị của chúng “làm ồn”.
Các tư thế khi cho bú
Cũng chỉ có hai tay nhưng mẹ sinh đôi phải cùng lúc cho hai con bú. Liệu có tư thế nào giúp giải phóng bớt gánh nặng lên đôi tay của mẹ khi cho con bú không? Đối với chị Thanh, một cái gối lớn hình chữ V là bí kíp giúp chị “bớt cực” khi cho hai bé bú. Chị hay ngồi khoanh tròn chân ở ghế sofa hoặc trên giường, để hai bé nằm vắt chéo chân vào nhau theo đúng hình chữ V, chiếu gối sẽ có nhiệm vụ đệm và nâng hai bé lên ngang vú, mẹ chỉ cần ôm hai bé vào gần bầu vú là được.
Khác với chị Thanh, hai công chúa nhà chị Liên lại “chuộng” tư thế ôm quả bóng hơn. Khi cho bú, chị giữ hai bé ở tư thế rúc dưới nách mẹ, sau đó đặt hai lòng bàn tay dưới bả vai của bé rồi từ từ nâng bé lên đến vú.
Tuy nhiên, các bé song sinh thường có xu hướng thích vú này hơn vú kia, vì thế mẹ nên thay đổi vị trí các bé ở mỗi lần bú trong những tuần đầu để hai bên ngực được kích thích đều nhau. Điều này đặc biệt quan trọng khi một bé bú mạnh hơn bé kia.
Chiếc gối cứu cánh cho nhiều bà mẹ sinh đôi (Ảnh minh họa)
“Gọi điện thoại cho người thân”
Những khó khăn các mẹ mang bầu đôi phải đối mặt không chỉ dừng lại ở việc tăng nguồn sữa nhiều gấp đôi mà còn là khoảng thời gian chăm sóc nhiều gấp đôi khiến mẹ rất dễ mệt gấp đôi. Do đó, mẹ sinh đôi không nên ôm đồm quá mà hãy ủy quyền hoặc nhờ sự giúp đỡ của người thân. Ba người “trợ thủ đắc lực nhất” của mẹ có lẽ là bố, bà nội và bà ngoại của bé.
Mẹ có thể vắt sữa ra bình trước để bố cho bé bú và tranh thủ nghỉ ngơi. Quần áo, tã bẩn của bé, mẹ hãy nhờ bà ngoại giặt giũ, còn việc cơm nước mẹ hãy gửi gắm bà ngoại hoặc ngược lại.
Trong trường hợp bố và người thân của bé không thể chăm sóc ba mẹ con, các mẹ có thể tin tưởng và thuê những người có chuyên môn chăm sóc trẻ ở các viện điều dưỡng và bệnh viện nhi. Rất nhiều bệnh viện có những chuyên gia hàng đầu sẵn sàng đến tận nhà giúp mẹ chăm sóc con trong thời gian mới sinh vừa từ viện về. Đây cũng chính là lựa chọn của chị Liên khi bố của bé đi công tác, bà nội và bà ngoại lại cùng ở xa.
Trên đây là những khó khăn và kinh nghiệm hai bà mẹ vĩ đại phòng tôi chia sẻ. Hi vọng, các mẹ bầu nói chung và mẹ bầu song sinh nói riêng chuẩn bị tốt kiến thức và tâm lý để vượt cạn và cho con bú thành công.