Điều hạnh phúc nhất của bố mẹ, là được nhìn thấy con cái trưởng thành mạnh khỏe, giỏi giang và đặc biệt là ngoan ngoãn, lễ phép. Nếu dạy trẻ thành tài nhưng tích cách vô lễ, ngang ngược thì rất khó để người khác tôn trọng. Ngược lại nếu chỉ dạy trẻ đạo đức tốt nhưng học tập dở, thì cũng rất khó để giúp trẻ tạo dựng được một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai.
“Dạy con từ thuở còn non”, đối với những đứa trẻ ngoan, bố mẹ sẽ dễ dàng hơn trong cách giáo dục. Tuy nhiên, đối với những đứa trẻ bướng bỉnh và lì lợm, bố mẹ buộc phải uốn nắn trẻ càng sớm càng tốt. Bởi vì, trẻ càng lớn sẽ càng khó dạy hơn.
Vì vây, bố mẹ nên dành nhiều thời gian để quan sát và phát hiện kịp thời. Khi trẻ có những biểu hiện của sự bướng bỉnh, không vâng lời thì bố mẹ nên áp dụng các phương pháp giáo dục phù hợp.
Trẻ bướng bỉnh thường có những biểu hiện gì?
Nổi giận khi không được đáp ứng nhu cầu
Trẻ từ 3 tuổi trở lên, khi nhận thức đã dần hoàn thiện thì trẻ sẽ có những đòi hỏi đối với bố mẹ, để thỏa mãn mong muốn của bản thân. Trong trường hợp bố mẹ từ chối, trẻ sẽ lập tức không kiểm soát được cảm xúc mà bộc lộ sự tức giận. Đây là một biểu hiện dễ nhận biết nhất ở trẻ có tính cách bướng bỉnh.
Sự tức giận của trẻ, không những thông qua biểu cảm trên gương mặt mà thậm chí còn thông qua hành vi, chẳng hạn như đập phá đồ chơi, ném đồ lung tung hay đập tay đập chân trên giường, ghế, sàn nhà…
Nếu bố mẹ không chấn chỉnh ngay, trẻ sẽ được đà lấn tới và lâu dần sẽ trở thành một đứa trẻ “khó ưa” trong mắt mọi người xung quanh. Với tính cách nóng nảy này, tương lai trẻ chắc chắn sẽ không dễ dàng.
Khi bố mẹ không thuận theo mong muốn của trẻ, trẻ bướng bỉnh thường sẽ có xu hướng giận dỗi.
Thích ra lệnh cho người khác
Sai lầm lớn nhất của hầu hết bố mẹ có con bướng bỉnh, đó là không cho trẻ thấy được “vị thế” của mình. Chính vì trẻ không cảm nhận được quyền lực của bố mẹ trong gia đình, nên trẻ mới tự tin cho phép bản thân được ra lệnh cho người khác một cách vô tội vạ.
Ngay từ đầu, bố mẹ đã thất bại trong việc xây dựng những giới hạn cho trẻ bằng những quy tắc nghiêm ngặt. Khi trẻ tỏ thái độ hay hành động sai, bố mẹ cũng không thiết lập cho trẻ hệ thống thưởng phạt rõ ràng.
Và kết quả là trẻ đã nghĩ rằng, bố mẹ luôn đồng tình với bất kỳ việc làm của mình. Lâu dần, trẻ sẽ tự cho vị trí của bản thân ngang bằng với mọi người và thậm chí là cao hơn. Đó là lý do mà trẻ không có sự tôn trọng, tự tin ra lệnh cho người khác mọi lúc mọi nơi mà không hề phân biệt vai vế cao thấp.
Trẻ bướng bỉnh sẽ mang tư tưởng "bản thân là vũ trụ", và mọi người đều phải "phục tùng" mình.
Thường xuyên tranh cãi với người lớn
Bố mẹ đừng lầm tưởng, tất cả trẻ em có khả năng tranh cãi thì đều là biểu hiện của IQ cao. Sai lầm trầm trọng này, có thể vô tình khiến bố mẹ tự “hủy” đi tương lai tốt đẹp của trẻ.
Mặc dù, ở một mức độ nhất định thì tư tưởng này là đúng và đã được thực tế chứng minh. Trẻ khi có đủ nhận thức, thường sẽ có tư duy độc lập và chứng kiến riêng. Tuy nhiên, không phải cứ dùng sự tranh cãi để giải quyết vấn đề là tốt.
Khi tranh cãi không có giới hạn và diễn ra trong mọi tình huống, bố mẹ cần kịp thời suy xét và giáo dục lại trẻ. Bởi vì, đây cũng là một biểu hiện trẻ có tính cách bướng bỉnh.
Nếu bố mẹ để trẻ thường xuyên cãi chem chẻm người lớn, luôn không nghe theo những lời dạy bảo của người lớn, dù nó là hoàn toàn đúng thì trẻ sẽ hình thành sự “ảo tưởng sức mạnh” vào chính bản thân. Cách giáo dục này, sẽ không bao giờ uốn nắn ra được một đứa trẻ toàn diện như trong mong đợi của tất cả ông bố bà mẹ.
3 cách hiệu quả giúp bố mẹ “trị” trẻ bướng bỉnh
Bình tĩnh để lắng nghe và chia sẻ
Bất kể là người lớn hay trẻ nhỏ, thì đều có nhu cầu cần được lắng nghe. Bố mẹ muốn trẻ lắng nghe mình, thì cách hiệu quả nhất là hãy lắng nghe trẻ. Đây là con đường dễ dàng để trẻ mở lòng và chấp nhận chia sẻ với bố mẹ mọi chuyện, giống như một người bạn.
Đặc biệt là trẻ ở độ tuổi lên 5, nhu cầu được phát biểu chính kiến riêng càng trở nên mạnh mẽ, vì vậy mà tranh cãi là cách mà trẻ thường sử dụng. Cuộc tranh cãi sẽ không bao giờ đi đến hồi kết, nếu như cả đôi bên đều mất bình tĩnh, thậm chí là để áp đảo thì trẻ có thể trở nên ngang tàng và dùng những lời lẽ khiếm nhã với người lớn.
Để tránh điều đó xảy ra, trong trường hợp bố mẹ không thể đáp ứng đòi hỏi của trẻ, bố mẹ cần khôn khéo sử dụng những câu từ “ngon ngọt” và hết sức nhẹ nhàng để phân tích cho trẻ hiểu. Hơn thế nữa, bố mẹ còn có thể trực tiếp thể hiện hành động âu yếm, vỗ về để xoa dịu trẻ.
Thay vì đánh mắng trẻ, sự bình tĩnh để trò chuyện cùng trẻ mới là phương pháp giáo dục hiệu quả.
Cho trẻ quyền được lựa chọn
Trẻ nhỏ thường không thích bố mẹ ép buộc phải làm chuyện này, chuyện kia. Bởi vì, đứa trẻ nào cũng có suy nghĩ và sở thích riêng. Việc bố mẹ ra lệnh, thường không mang lại hiệu quả mà ngược lại còn khiến nhiều đứa trẻ có thái độ chống đối kịch liệt.
Thay vì vậy, bố mẹ cho trẻ quyền được lựa chọn thì trẻ sẽ cảm thấy thoải mái và được tôn trọng hơn. Lúc này, trẻ sẽ sẵn sàng làm theo những gì mà bố mẹ yêu cầu.
Chẳng hạn như trẻ không muốn đi ngủ, bố mẹ có thể dỗ trẻ bằng cách đưa ra cho trẻ hai sự lựa chọn về cuốn sách mà trẻ muốn nghe, trước khi đi ngủ. Cách này sẽ có hiệu quả cao hơn việc bố mẹ ép buộc trẻ, và ngay sau đó trẻ có thể vui vẻ leo lên giường giống như mong muốn của bố mẹ.
Tuy nhiên, đừng làm trẻ bối rối và khó quyết định bằng việc đưa ra lựa chọn “không giới hạn”. Bố mẹ nên gợi ý từ 2 hoặc 3 lựa chọn cho trẻ. Ví dụ như “giữa bộ đồ màu xanh và màu trắng, con thích bộ nào?” thay vì để trẻ tự quyết định chọn 1 bộ trong vô số quần áo có trong tủ.
Trẻ bướng bỉnh có chứng kiến riêng, bố mẹ nên thể hiện sự tôn trọng dành cho trẻ bằng cách cho trẻ quyền được lựa chọn.
Thiết lập hệ thống thưởng, phạt rõ ràng
Đối với trẻ có tính khí bướng bỉnh, bố mẹ càng “nhắm mắt cho qua” thì trẻ càng “được nước lấn tới”. Vì vậy, để trẻ có thể kiềm chế được cảm xúc của mình tốt hơn, thì bố mẹ nên thương lượng với trẻ và cùng trẻ xây dựng một hệ thống thưởng phạt cụ thể. Làm tốt sẽ được thưởng và ngược lại, bố mẹ nên dạy cho trẻ hiểu và nắm vững quy tắc này.
Hầu hết trẻ em đều thích được bố mẹ khen ngợi hay thưởng quà, thế nên khi trẻ làm đúng và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì bố mẹ nên khuyến khích và động viên trẻ, có thể bằng lời nói hoặc tặng một món đồ mà trẻ thích. Như vậy, trẻ sẽ lập tức ngoan ngoãn và vâng lời bố mẹ.
Bên cạnh đó, việc làm rõ và thống nhất với trẻ trong tình huống trẻ có những hành vi sai trái, bướng bỉnh thì sẽ có những mức độ hình phạt khác nhau, là rất cần thiết. Dựa trên những quy tắc nhất định, trẻ sẽ hình thành tâm lý “cân nhắc”, trước khi thực hiện bất kỳ việc gì có nguy cơ không đúng đắn.
Phương pháp giáo dục đúng đắn trong nuôi dạy trẻ bướng bỉnh, là bố mẹ xây dựng cho trẻ hệ thống thưởng phạt rõ ràng.