Mấy cô bạn cũ của tôi lâu ngày không gặp mặt, đến ngày cuối năm mới có buổi hội ngộ. Quanh đi quẩn lại nội dung câu chuyện vẫn là hỏi thăm nhau chuyện công việc, tiền thưởng tết ít nhiều ra sao rồi lại quay về chuyện sắm sửa chuẩn bị Tết cho gia đình như thế nào.
Thấy cái Minh bạn tôi đi gặp bạn bè mà vẫn tranh thủ sắm được cho con trai một đống đồ chơi. Tôi mới hỏi: “Sao cậu không dẫn cu Bin đi cùng mua đồ chơi cho nó vui”. Cô bạn tôi mới cười lớn bảo: “ Nhà mình thì không có chuyện đó được, bố mẹ mua gì thì con chơi nấy hoặc nó có nhu cầu gì thì mình tự đi mua thôi. Dẫn con theo nó hết đòi cái nọ rồi lại cái kia bao nhiêu tiền mà đáp ứng cho đủ”.
Chị Tính, người chị lớn tuổi nhất hội và đã có kinh nghiệm nuôi 2 cô con gái cũng đồng tình bảo: “ Đúng đấy, giờ tiền tiêu của bố mẹ cũng khó khăn nên để đáp ứng nhu cầu mua đồ chơi cho các con mình phải đắn đo, tính toán chứ sao thoải mái được”
Thế là mỗi người một chuyện chuyển đổi chủ đề buổi gặp mặt thành chia sẻ kinh nghiệm mua đồ chơi cho con.
Để bé xác định giữa ranh giới mong muốn và được phép
Chị Tính chia sẻ tiếp với hội tôi. Nếu ở nhà bố mẹ và bé đã xác định được danh sách những đồ chơi cần mua thì chỉ hướng bé tập trung đến mục tiêu cần mua. “Hôm nay, mẹ và con sẽ đi mua bộ xếp hình bằng nhựa và một con lật đật có nhạc và chúng ta chỉ mua 2 thứ đó thôi rồi sẽ về”.
Việc xác định ngay từ đầu món đồ định mua giúp bố mẹ và trẻ tiết kiệm thời gian trong việc tìm kiếm, lựa chọn trước cả một thế giới sắc màu với đầy đủ chủng loại đồ chơi đa dạng.
Bố mẹ hãy để ý rằng, khi đến cửa hàng đồ chơi các bé thường quên mất nhiệm vụ ban đầu và dễ bị mê hoặc bởi một thứ đồ hấp dẫn hơn như chiếc máy bay từ xa, bộ câu cá nhiều màu hoặc đoàn tàu hỏa phát ra tiếng tu tu…. Lúc này chính bố mẹ phải là người nghiêm khắc và nhắc nhở bé mục tiêu ban đầu mà mẹ và con định làm là gì.
Đồng thời bố mẹ cũng phải nói chuyện rõ ràng với con rằng con có mong muốn được mua đồ chơi này nọ nhưng ngày hôm nay con được phép mua cái gì. Khi trẻ hiểu rằng, chúng cần phải chọn lựa và sắp xếp thứ tự ưu tiên món đồ nào cần mua trước, món đồ nào nên mua sau thì chúng cũng có ý thức giữ gìn tài sản thay vì đạp phá, ném hỏng đồ chơi.
Khi đến cửa hàng đồ chơi các bé thường quên mất nhiệm vụ ban đầu và dễ bị mê hoặc bởi một thứ đồ hấp dẫn hơn. (ảnh minh hoạ)
Đi xem và đi mua hoàn toàn khác nhau
Bố mẹ cần thảo luận và vạch rõ ranh giới giữa việc “Hôm nay mình chỉ đi xem, tham khảo các loại đồ chơi” và “Hôm nay mình đi mua đồ chơi” với bé.
Nhiều ông bố bà mẹ chỉ vì đáp ứng những đòi hỏi không chính đáng của con, thấy chúng mè nheo khóc ầm trong cửa hàng sẽ khiến mọi người xung quanh cho rằng: “Nhà đấy sao lại ki bo với con, không mua cho nó được món đồ chơi nó thích”. Vậy là với mục đích để con “ trật tự” và không mất mặt với mọi người xung quanh, các bậc phụ huynh đành rút bầu bao trong tình trạng bực bội nhưng vẫn phải “cố chiều”.
Thực tế khi bố mẹ nuông chiều và sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của con sẽ khiến bé “được voi đòi tiên”, “cả thèm chóng chán” món đồ chơi đấy.
Hãy nói với con về giá trị của món đồ chơi
Bản thân tôi thì rất băn khoăn với giá tiền đồ chơi của trẻ con bây giờ. Nếu mua đồ giá rẻ thì chất lượng kém, đa số là sản phẩm của Trung Quốc làm từ nhựa tái chế với đủ các chất độc hại nguy hiểm. Mà mua đồ của các thương hiệu nổi tiếng thì đúng là giá…chát quá. Thấy tôi băn khoăn như vậy mấy cô bạn cũng gật đầu đồng ý. Vì vậy mấy chị em mới mách nhau một số địa chỉ cho thuê đồ chơi, hoặc các hãng sản xuất đồ chơi trẻ em trong nước có uy tín.
Tuy nhiên, chị em nào cũng đồng ý rằng khi mua một món đồ cho trẻ, bố mẹ cũng cần đề cập với bé về vấn đề giá cả như: “Món đồ này, mẹ mua cho con có giá trị bằng một ngày công đi làm của mẹ vì vậy cho hãy chơi thật vui và giữ gìn để cho em sau này nữa nhé!”.
Hoặc đưa trẻ đi mua đồ bố mẹ thấy giá tiền quá cao thì cần kiên quyết nói với con: “Mẹ không đủ tiền mua món đồ chơi này, giá tiền của nó vượt quá khả năng mẹ có thể trả cho cô bán hàng. Tuy nhiên, mẹ sẽ xem xét và có thể dành tặng con vào một thời điểm thích hợp khác”.
Ở đây, giữa bố mẹ và con cũng cần sự thỏa thuận về việc có cái mua được hoặc không mua được vì khả năng chi tiêu của bố mẹ có giới hạn. Đồng thời chúng ta có thể có những lời hứa hoặc kế hoạch mua một thứ khác phù hợp với ngân sách của gia đình.
Góp đồ chơi chung
Thấy mọi người đóng góp ý kiến, cô Minh bạn tôi cũng hào hứng kể tiếp: Nhà mình ở khu tập thể 5 tầng, hầu như tầng nào cũng có trẻ nhỏ. Bố mẹ các cháu đều là viên chức nhà nước, kinh tế đâu phải khá giả gì. Có một lần các gia đình họp bàn nhau về việc tổ chức Trung thu cho các cháu, rồi tự dưng có chị đề xuất ý kiến là các nhà góp đồ chơi hoặc cho các con đổi đồ chơi theo tuần, theo tháng cho nhau để tiết kiệm chi phí cho bố mẹ, trong khi đó các con lại được chơi nhiều đồ chơi khác nhau liên tục mà không bị chán. Đề nghị này được các gia đình ủng hộ nhiệt tình. Mọi người biết không, sau một thời gian, các bố mẹ trong khu nhà mình còn nhận thấy rằng, các con dần dần hình thành ý thức biết bảo quản đồ chơi để giữ cho chính mình và bạn khác còn sử dụng. Đấy cũng là một mẹo hay và hiệu quả cho các bố mẹ.