Đọc xong tâm sự Phát ức với mẹ chồng vì sự “ục ịch” của conmà em lại ước giá như mình có một bà mẹ chồng như vậy. Em cũng đang gặp rắc rối với bà nội cu Chít về chuyện cho con ăn, nhưng thay vì muốn mẹ chồng cho cháu ăn ít đi như chị, thì em đang tha thiết mong mỏi được nhìn thấy bà chuẩn bị một bữa ăn đầy đủ cho con.
Cả gia đình hai bên nội ngoại đều xuất phát từ nghề nông nên vốn liếng cũng không có nhiều. Với mong muốn được “đổi đời” để có thể cho con cái một cuộc sống đầy đủ hơn, nên vợ chồng em quyết định lên thành phố lập nghiệp. Hai vợ chồng “nhà quê lên tỉnh” vẫn còn nhiều thứ lạ lẫm, nghề nghiệp chưa ổn định nên không muốn dắt theo con nhỏ. Do đó, chúng em đành phải để con ở nhà với ông bà nội một thời gian rồi sẽ đón con xuống cùng.
Sau một thời gian vất vả tìm việc, hai vợ chồng cũng xin được vào làm công nhân tại một xưởng may, thu nhập hai đứa cộng lại cũng không đến nỗi nào. Tiền hàng tháng kiếm được, em đểu gửi một phần về cho ông bà nội, nhờ ông bà chăm cháu. Trước đây khi ở nhà, dù điều kiện kinh tế không nhiều, nhưng em luôn cố gắng chu toàn mọi thứ cho con từ chuyện ăn mặc, học hành đến vấn đề ăn uống. Giờ đã có thu nhập, em cứ ngỡ con sẽ được ăn ngon, mặc đẹp hơn nhưng không ngờ mẹ chồng em lại dập tắt mất niềm tin và hi vọng đó của mình.
Vì hoàn cảnh công việc, em đành để con ở nhà nhờ ông bà nội trông (Ảnh minh họa)
Vợ chồng đi làm xa không có điều kiện ở gần để trực tiếp chăm lo cho con, nên chỉ biết gửi tiền về trông cậy ông bà nội. Biết tính mẹ chồng tiết kiệm, nên em vẫn thường xuyên gọi điện về nhắc nhở bà cho cháu ăn uống đầy đủ, dặn bà không phải lo chuyện tiền nong. Nghe lời dặn của con dâu, bà cũng chỉ ậm ừ rồi nói chắc như đinh đóng cột rằng “cô yên tâm tôi không để cháu tôi chết đói đâu mà sợ”. Em cũng không muốn làm bà phật ý, nhưng vì lo cho con nên em vẫn không thể không nhắc bà chăm cháu cẩn thận.
Chỉ dạo gần đây, gọi điện hỏi han trực tiếp Chít em mới biết rõ tình hình của con ở nhà. Như thể sợ bà nghe thấy, cu Chít lí nhí kể với mẹ ở nhà chỉ được ăn rau, đậu, lạc và trứng mà em thương. Em không hiểu tiền vợ chồng gửi về bà dùng vào việc gì mà không chịu mua đồ ăn ngon cho cháu, để nó phải khóc lóc kêu mẹ “con thèm ăn thịt lắm”. Vẫn biết là tính bà “chắt bóp” trong khoản tiền nong, nhưng không nghĩ bà lại để đứa cháu nội duy nhất chịu sự thiếu thốn như vậy.
Nghe con khóc tội quá, em bắt chuyển máy cho bà, ngay sau đó mẹ chồng nàng dâu bắt đầu to tiếng với nhau. Bà trách em không chịu biết ơn bà ở nhà chăm con cho thì chớ, lại đi nghe Chít nói linh tinh rồi quay ra mắng mỏ, oán trách bà. Sau cuộc điện thoại đó, vì quá lo cho con nên em xin nghỉ mấy hôm để về quê xem tình hình như thế nào.
Lúc về đến nhà, nhìn thấy con mà em muốn ứa nước mắt. Thằng bé nhay nhảu chạy ra đón mẹ, rồi cứ ôm mẹ mà khóc thôi. Em lặng mình một lúc đứng ngắm con, thằng bé nhìn gầy đi trông thấy, quần áo thì nhem nhuốc. Hai mẹ con mới xa nhau mấy tháng mà cứ ngỡ như mấy năm. Chỉ qua điện thoại nghe con kể "khổ", nhưng em không dám nghĩ là Chít lại khác như vậy. 5 tuổi mà chiều cao và cân nặng không bằng thằng bé 3 tuổi bên nhà hàng xóm.
Bữa cơm hôm đấy, em mới biết hằng ngày cu Chít phải ăn những gì. Đúng như lời con nói, chỉ vỏn vẹn đĩa rau, mỗi người một quả trứng và ít muối lạc. Nhìn thằng bé mặt buồn thiu cũng phải cố ăn mà xót ruột. Chính vì vậy để kéo cân nặng và sức khỏe của con lên, nhân mấy ngày nghỉ này, em chỉ biết cách mua nhiều đồ ăn tẩm bổ về cho con. Con nhìn thấy thịt, cá trên bàn ăn mà nó cười sung sướng, nhìn con ăn ngon miệng mà tôi cũng thấy vui lây. Nhưng khổ nỗi, mẹ chồng thấy em mua nhiều thứ như vậy thì lại kêu là lãng phí, mỗi bữa còn cố cắt giảm thức ăn.
Bữa cơm hôm đấy, em mới biết hằng ngày cu Chít phải ăn những gì (Ảnh minh họa)
Rồi cao trào về chuyện ăn uống của Chít xảy ra khi em đi chợ mua về một con gà, định nấu cháo gà cho cả nhà ăn. Mẹ chồng nhìn thấy thế như kiểu "ngứa mắt" lại quay ra nói cạnh khóe em "kiếm được tí tiền bắt đầu ăn hoang", rồi đến bữa bà nhất quyết không động đũa vào một chút nào. Bà không ăn thì chớ, nhưng cứ thỉnh thoảng lại chen vào vài câu "ăn nhiều không có lợi", "ngày xưa ăn uống khổ sở vẫn sống khỏe", "bố nó ngày xưa làm gì có thịt mà ăn",...
Em nghe thấy vậy mà tức trong lòng, quay ra nói với bà "mẹ cứ để cháu ăn, lâu rồi con không được ăn, thằng bé đang tuổi lớn nên cần ăn uống đầy đủ một chút". Bà nghe thấy vậy, tự nhiên lại đứng bật lên, nổi giận đùng đùng với em và nói "Lâu không được ăn là sao? Cô nói thế không bằng bảo tôi không chăm cháu tôi không tốt à? Cô đừng tưởng bây giờ kiếm ra tiền rồi thì có thể quay ra chỉ trích, nói tôi thế này thế nọ".
Tự nhiên không đâu bị mắng, em cũng không giữ được bình tĩnh nữa mà cãi lại bà:"Con không hiểu tháng nào vợ chồng chúng con cũng gửi tiền đầy đủ về cho bố mẹ, rồi lúc nào cũng gọi điện dặn dò nhờ mẹ cho cháu ăn uống đầy đủ, vậy mà mẹ nhìn xem giờ thằng bé nó gầy cỡ nào, gió thổi qua cũng ngã".
Nghe thấy em nhắc đến tiền, bà vội chạy vào trong nhà, sau đó quay trở ra với một món tiền trong tay. Bà ném ngay trước mặt em và nói "Cô nghĩ là tôi dùng tiền của vợ chồng cô để tiêu lung tung à. Tôi đang giúp cô cậu tiết kiệm để mà sau này có tí vốn mà xây nhà đấy. Giờ cô lại quay ra nghi vấn hỏi tôi để tiền ở đâu, nó ở tất đây này".
Nhìn số tiền trước mặt mà em xót xa, ý tốt của mẹ chồng thì em nhận, nhưng có tiết kiệm tiền xây nhà để mà làm gì khi con thì cứ ngày một gầy yếu. "Bố mẹ không phải lo chuyện đó, tiền này bố mẹ cứ dùng vào việc ăn uống và sinh hoạt phí cho cả nhà. Giờ mẹ tiết kiệm quá thằng bé ốm thì lúc đấy còn tốn tiền thuốc thang hơn ý".
Cứ mẹ chồng một câu, em một câu, cu Chít chỉ biết ngồi khóc. Lúc đó đầu em đau như búa bổ, vừa thương con khóc vừa giận mẹ chồng. Để tránh to tiếng hơn, em bế Chít về phòng. Mẹ chồng lại được thể, một mực kêu sẽ gọi điện cho chồng em về giải quyết, rồi lớn tiếng mắng em là đứa con dâu mất dậy.
Em ôm con ở trong phòng mà cảm thấy tủi thân. Ôm thằng bé nhỏ con trong lòng mà em chỉ muốn đưa con xuống ở cùng với bố mẹ, chứ cứ để bà chăm cháu kiểu này thì em không yên tâm một chút nào. Em cảm thấy rất mệt mỏi, trong phòng con thì khóc, ngoài phòng mẹ chồng lớn tiếng chửi mắng. Đấy là lí do vì sao mà em lại muốn có một người mẹ chồng như chị Thu Minh (tác giả của bài viết Phát ức với mẹ chồng vì sự “ục ịch” của con), đúng là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh.