Có một thuật ngữ dành để gọi những đứa trẻ lớn lên với internet là: "cư dân số". Chúng thường mất đi sự tỉnh táo để nhìn nhận những gì chúng thấy là sự thật hay là không. Theo một nghiên cứu của Ofcom, con số đó hiện đã tăng gấp đôi. "Những cư dân số" gần như tin tưởng tuyệt đối vào những thông tin được đăng tải trên Internet.
Một bản báo cáo của Ofcom về thái độ ứng xử với truyền thông giữa trẻ em và các bậc phụ huynh cho thấy: những đứa trẻ trong độ tuổi từ 8 đến 15 đang tiêu tốn quá nhiều thời gian cho Internet so với 10 năm trước.
Ảnh: Telegraph. |
Cứ 10 trẻ lên mạng thì có một trẻ tin rằng những thông tin trên các mạng xã hội, các trang web "hoàn toàn là sự thật" – con số cao gấp đôi so với năm ngoái. Hầu hết những trẻ 12-15 tuổi đều không biết rằng những người làm "vlog" (một dạng nhật ký bằng video ngắn) có thể được trả tiền để quảng bá cho những nhãn hàng, sản phẩm xuất hiện đi cùng.
Khoảng 1/5 trẻ em trong độ tuổi 12-15 tin rằng những thông tin đem đến từ các công cụ tìm kiếm như Google hay Bing đều phản ánh sự thật. Nhưng chỉ có khoảng 1/3 trong số đó nhận ra được đâu là những mẩu quảng cáo phải trả tiền.
Nghiên cứu còn nhận thấy số lượng trẻ em chuyển sang tìm kiếm những thông tin "xác thực và chính xác" trên YouTube ngày càng gia tăng. Có khoảng 8% "cư dân mạng" trẻ tuổi coi trang chia sẻ video này chính là lựa chọn ưu tiên của họ trong việc tìm kiếm những thông tin về thế giới xung quanh – tăng mạnh so với mức 3% cách đây một năm.
Các cuộc khảo sát cũng cho thấy rất nhiều trẻ bày tỏ lo ngại về việc mình đã dành quá nhiều thời gian để "online".
Chỉ khoảng 1/10 trẻ nói rằng chúng không thích việc tiêu tốn quá nhiều thời gian trên mạng.
Đa phần, trẻ sẽ kể lại với cha mẹ, thành viên khác trong gia đình hoặc giáo viên của mình nếu chúng gặp bất cứ một lo ngại nào trên mạng như bị làm phiền hoặc thậm chí là tấn công. Chỉ có khoảng 6% trẻ sẽ không kể ra điều này với bất kỳ ai.
Phan Dương (Theo Telegraph)