Tôi năm nay đã ngoài 30, làm nhân viên kế toán cho một công ty nội thất, đã cưới chồng được hơn 10 năm và hiện tại mới chỉ là bà mẹ 1 con. Con trai tôi học cấp 2, đứa trẻ từ nhỏ đã ngoan ngoãn, hiểu chuyện và thành tích học tập cũng rất tốt. Gia đình không quá giàu có, nhưng cũng có của ăn của để nhờ làm lụm tích góp hơn chục năm nay. Cuối cùng cũng mua được một miếng đất nhỏ trên phố và xây dựng tổ ấm của riêng mình.
Rời quê lên phố sống, con trai tôi cũng chuyển trường theo bố mẹ, tuy có chút lo lắng nhưng vì từ trước đến nay thằng bé vốn chăm chỉ nên tôi không sợ con sẽ khó theo kịp bạn bè. Vượt qua khoảng thời gian đầu, mọi thứ sẽ lại ổn định đâu vào đấy.
Tuy nhiên có một chuyện xảy ra khiến tôi hối hận vô cùng, cũng chưa bao giờ nghĩ nó sẽ xảy ra với gia đình mình. Cụ thể là dạo gần đây, tôi phát hiện bản thân thỉnh thoảng lại mất một số tiền được cất cẩn thận ở tủ đầu giường. Mặc dù không nhiều, khi thì vài trăm, có khi lên đến tiền triệu, đó là số tiền tôi trích ra để chi tiêu cho việc đi chợ ăn uống của gia đình hàng ngày.
Ảnh minh hoạ.
Ban đầu người tôi nghi ngờ nhất là chồng mình, bởi tiền của anh đều do tôi quản lý. Dạo này thấy anh hay đi sớm về khuya, số lần say xỉn nhậu nhẹt trong tuần cũng tăng lên đáng kể. Để xác định xem anh có làm chuyện gì mờ ám sau lưng tôi hay không, tôi đã quyết định tự mình điều tra trong âm thầm.
Một ngày tôi giả vờ bảo chồng rằng bản thân sẽ tăng ca đến tối muộn mới về, nhưng sự thật là tôi sẽ trốn vào tủ quần áo trong phòng ngủ để kiểm tra, quyết bắt tại trận việc làm sai trái của chồng. Nào ngờ cái kết lại không như tôi dự đoán. Sau khi nghe tiếng động mở cửa phòng, tôi hé cửa nhìn trộm ra bên ngoài, người lén la lén lút đi vào không phải là chồng tôi mà là một bóng dáng quen thuộc khác.
Ảnh minh hoạ
Tôi thực sự sốc và không tin vào mắt mình, vì sao một đứa trẻ vốn ngoan ngoãn, chưa bao giờ khiến bố mẹ thất vọng thì nay con trai tôi lại làm ra hành động rất đáng bị trách phạt này. Không nén được sự tức giận, tôi đẩy tung cửa tủ bước ra ngoài. Khoảnh khắc con trai nhìn thấy mẹ, thằng bé đã rất bàng hoàng và sợ hãi. Không đợi tôi lên tiếng, đứa trẻ đã liên tục nhận lỗi:
- Mẹ ơi! Con sai rồi, con xin lỗi mẹ, mẹ đừng buồn con, con sẽ nhận lỗi và hình phạt ạ!
- Tại sao con lại làm ra chuyện này hả, mẹ dạy con như thế nào, sao con lại ăn cắp tiền của mẹ?
Giọng tôi rất dứt khoát và mạnh mẽ vì đang trong cơn nóng giận, quan trọng hơn là nỗi thất vọng xâm chiếm khiến tôi không thể nào khống chế được cảm xúc của mình. Thấy mẹ tức giận như thế, con trai tôi chỉ biết cúi đầu tỏ vẻ ăn năn. Là một người mẹ, dường như tôi cảm nhận được đứa trẻ đang kìm nén một nỗi uất ức nào đấy mà giấu, không dám nói ra. Để biết được ngọn ngành mọi sự, tôi bắt đầu ổn định lại thái độ và nhẹ nhàng hỏi chuyện con.
- Con à, mẹ biết con từ trước đến nay luôn là một đứa trẻ rất ngoan, luôn nghe lời bố mẹ. Có phải đang có chuyện gì xảy ra nên con mới hành động thiếu suy nghĩ như thế phải không? Hãy thành thật kể cho mẹ nghe, mẹ sẽ không la mắng và 2 mẹ con chúng ta sẽ cùng nhau tìm cách giải quyết, có được không con trai?
Trước lời động viên của tôi, đứa trẻ lúc này mới bật khóc nức nở.
- Mẹ ơi! Con buồn lắm! Ở trường mới các bạn đều trêu con là đồ nhà quê, không xứng đáng học chung lớp với họ. Các bạn đều xem thường, xa lánh, không ai chơi với con cả. Có một số bạn còn ăn hiếp con. Để làm các bạn vui, lấy lòng các bạn nên con mới cần tiền để mua quà và bánh kẹo lên lớp mỗi ngày tặng các bạn ạ! Con biết đây là việc làm sai trái và sẽ khiến bố mẹ buồn, thất vọng về con. Nhưng mẹ ơi, học ở trường mới không vui chút nào đâu ạ, giá như có thể về lại trường cũ ở quê thì tốt biết mấy!
Ảnh minh hoạ
Nghe con trai thành thật chia sẻ lý do về hành động ăn cắp tiền của mình, tôi vừa tức giận vừa thương, cũng vừa cảm thấy hối hận, tự trách bản thân đã chủ quan, cứ nghĩ rằng với tính cách hiền lành và ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành của thằng bé thì con sẽ thích ứng với môi trường mới nhanh thôi. Nào ngờ chuyện như thế này lại xảy ra với con. Tôi nhất định phải xử lý nó trước khi quá muộn.
Tâm sự từ độc giả ngoclinh...@gmail.com
Trên thực tế, việc trẻ thích nghi với môi trường học tập mới là cả một quá trình cần có sự theo dõi và hỗ trợ từ bố mẹ. Bởi những tình huống giống như trên vốn không hiếm gặp trong cuộc sống hàng ngày. Đó là lý do mà các bậc bố mẹ cần lưu ý những điều sau khi con trẻ có sự chuyển đổi từ môi trường học tập cũ sang môi trường học tập mới:
- Lắng nghe con: Lắng nghe những cảm xúc và suy nghĩ của con trẻ về việc chuyển đổi môi trường học tập. Hiểu và chia sẻ cùng con những lo lắng, hứng thú và thay đổi mà trẻ có thể trải qua. Điều này giúp con cảm thấy được quan tâm và xây dựng một môi trường hỗ trợ kịp thời từ gia đình.
- Tạo cơ hội làm quen: Tạo cơ hội cho con trẻ làm quen với môi trường học tập mới trước khi bắt đầu là điều rất quan trọng. Thăm trường, gặp gỡ giáo viên và bạn bè mới, tham gia vào các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp trẻ cảm thấy tự tin và gần gũi hơn khi bước vào môi trường mới.
- Hỗ trợ kết bạn: Khuyến khích con tham gia vào các câu lạc bộ, đội nhóm hoặc các hoạt động xã hội, tạo cơ hội để con kết bạn với những đứa trẻ cùng trang lứa. Bạn bè mới sẽ giúp trẻ dễ hòa nhập, và tạo ra một mạng lưới xã hội trong môi trường học tập mới.
- Giữ liên lạc với trường: Liên lạc với trường và giáo viên để được cập nhật về quá trình học tập, cũng như tình hình của con tại môi trường học tập mới. Hãy tham gia các cuộc họp phụ huynh, gặp gỡ giáo viên, và theo dõi thông tin từ trường. Điều này giúp bố mẹ hiểu rõ hơn về môi trường học tập mới, và có thể cung cấp sự hỗ trợ phù hợp cho trẻ kịp thời nhất.
Có một số biểu hiện cho thấy con trẻ đang gặp vấn đề ở trường mà bố mẹ không nên lơ là bỏ qua.
- Thay đổi trong hành vi và tâm trạng: Nếu bố mẹ quan sát thấy trẻ đột ngột buồn bã, tức giận, có những biểu hiện khác thường về tâm trạng, thậm chí con còn hay mất ngủ, ít năng động hơn, hay ngại đi học thì cần phải chú ý. Sự thay đổi đột ngột trong hành vi và tâm trạng này có thể là dấu hiệu của sự căng thẳng hoặc xảy ra sự xáo trộn trong môi trường học tập mới.
- Thay đổi trong hiệu suất học tập: Nếu trẻ trước đây có thành tích học tập tốt mà bất ngờ trở nên kém hơn, hoặc nếu con thể hiện sự mất tập trung, lơ là hay chán nản việc học, đây có thể là một dấu hiệu con đang gặp vấn đề ở trường. Sự suy giảm hiệu suất học tập có thể phản ánh trẻ đang khó khăn trong việc thích nghi với môi trường mới, hoặc áp lực từ tình huống trở thành nạn nhân bị bắt nạt.
- Thay đổi trong hành vi xã hội: Nếu trẻ trở nên khép mình lại, tránh xa bạn bè hoặc có sự thay đổi trong mối quan hệ xã hội, đây cũng có thể là một tín hiệu rằng con đang gặp vấn đề ở trường. Con có thể trở nên cảnh giác, sợ hãi hoặc không tự tin trong việc giao tiếp và tạo kết nối với người khác.
- Thay đổi trong hành vi ăn uống và sức khỏe: Một số trẻ có thể thay đổi thói quen ăn uống, như ăn ít hơn hoặc nhiều hơn bình thường. Cũng có thể trẻ tỏ ra hay mệt mỏi hoặc thường xuyên bị đau đầu, đau bụng. Những thay đổi này phản ánh sự căng thẳng và áp lực tâm lý mà con trẻ đang phải đối mặt.
- Không muốn đến trường: Nếu trẻ thường xuyên tỏ ra không muốn đến trường, tìm cách trốn tránh hoặc viện mọi lý do để nghỉ học, đây là một dấu hiệu phổ biến cho thấy con gặp vấn đề ở trường. Bố mẹ hãy lắng nghe và xem xét nguyên nhân con trẻ có thể gặp phải, bao gồm cả khả năng bị bắt nạt hoặc không thích nghi kịp với môi trường học tập mới.