Tính cách của một đứa trẻ, được ảnh hưởng phần lớn từ cách giáo dục của bố mẹ. Ngay từ khi còn nhỏ, bố mẹ hãy uốn nắn để trẻ trở thành một người giàu tình cảm. Bởi vì sự giàu có này là vĩnh hằng và sẽ luôn luôn “có lãi”. Đây là một phẩm chất tốt mà bố mẹ cần ưu tiên giáo dục.
Lòng tốt và sự tử tế sẽ khiến trẻ xây dựng được lòng tin, sự quý mến từ mọi người xung quanh. Mối quan hệ xã hội của trẻ cũng theo đó mà nới rộng ra và bố mẹ sẽ không phải lo lắng về vấn đề giao tiếp, kết bạn của trẻ.
Chị A Vân (sống ở Trung Quốc), có cậu con trai Bảo Bảo đang ở độ tuổi lên 5. Hôm nay, chị đến trường học của Bảo Bảo để đón cậu bé. Đến trước cửa lớp, chị tình cờ nhìn thấy một tình huống vô cùng đáng yêu.
Một bé gái trong lớp đang loay hoay với những chiếc nút áo khoác của mình, dường như cô bé đang gặp chút khó khăn khi gài nó. Lúc này, Bảo Bảo đứng ở bên cạnh đã chủ động tiến lại gần bạn học với lời đề nghị: “Cậu có cần tớ giúp đỡ không?” Vừa dứt lời, cậu bé liền đưa tay ra và cẩn thận giúp bạn học cài lại từng khuy áo.
Toàn bộ quá trình diễn ra một cách rất chân thành và dễ thương. Chị A Vân đứng bên ngoài chứng kiến với một nụ cười hạnh phúc. Chị cảm thấy rất hài lòng và tự hào về hành động biết giúp đỡ người khác này của cậu con trai Bảo Bảo.
Sau khi chị chia sẻ video mà mình quay lại được lên mạng, cậu bé đã nhận được rất nhiều lời khen từ mọi người:
Anh X: “Ôi! Đứa trẻ này đáng yêu thế! Tương lai sẽ trở thành một công dân tốt đây!”
Chị Y: “Nếu tôi có đứa con trai ngoan ngoãn và hiểu chuyện như thế này! Tôi sẽ vô cùng hạnh phúc và tự hào.”
Chị Z: “Tôi sắp sinh em bé, hy vọng con trai tôi sau này cũng sẽ có nét tính cách giống cậu bé trong video. Chắc chắn mẹ cậu bé đã nuôi dạy cậu rất tốt. Nếu được, tôi mong muốn chị ấy có thể chia sẻ cho tôi một vài kinh nghiệm giáo dục con hiệu quả.”
Người xưa từng dạy rằng: “Bàn tay tặng hoa hồng, bao giờ cũng phảng phất hương thơm”. Khi chúng ta cho đi, chúng ta cũng sẽ được nhận lại. Trẻ em nên được rèn luyện kỹ năng giúp đỡ người khác, ngay từ khi trẻ bắt đầu có nhận thức về hành vi của bản thân. Điều này sẽ giúp cho trẻ xây dựng được lối sống lành mạnh, và hoàn thiện nhân cách tốt về sau.
Các chuyên gia khuyên rằng, trẻ cần một quá trình lâu dài để mài dũa và rèn luyện đức tính biết quan tâm, chia sẻ với người khác. Tuy nhiên trẻ cần có sự đồng hành của bố mẹ, bắt đầu từ những hành động và định hướng. 3 phương pháp dưới đây sẽ là đáp án cho câu hỏi: “Làm thế nào để giáo dục trẻ trở thành một người có ích?”
Dạy cho trẻ hiểu ý nghĩa và giá trị của lòng tốt
Trước khi dạy trẻ thể hiện bằng những hành động thực tế về lòng tốt, bố mẹ cần phải bổ sung nhận thức cho trẻ về ý nghĩa và giá trị của phẩm chất này. Khi trẻ “hiểu đủ rộng, cảm nhận đủ sâu” thì quá trình xây dựng lòng tốt của trẻ trong tương lai sẽ dễ dàng hơn.
Bố mẹ hãy thường xuyên nạp vào bộ óc của trẻ, để trẻ ghi nhớ lòng tốt là đức tính quan trọng mà mỗi con người cần phải xây dựng. Người có lòng tốt sẽ được xã hội coi trọng, quý mến. Việc trẻ lựa chọn giúp đỡ người khác trong khả năng mà mình có, trẻ sẽ nhận lại được nhiều giá trị quý giá hơn, đó là những mối quan hệ tốt đẹp và một hình tượng hoàn hảo trong mắt mọi người xung quanh.
Đặc biệt, trong trường hợp trẻ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, lòng tốt mà trẻ xây dựng trước đó sẽ được đền đáp, bằng sự cưu mang và giúp đỡ từ mọi người.
Ngoài ra, để trẻ có thể cảm nhận và hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa, giá trị của lòng tốt thì bố mẹ nên cho trẻ xem những video, hình ảnh về vấn đề này. Thậm chí, việc bố mẹ kể cho trẻ nghe những câu chuyện về sự tử tế trong cuộc sống hằng ngày, cũng sẽ mang lại hiểu quả mạnh ngoài sức mong đợi.
Hãy thường xuyên kể cho trẻ nghe những câu chuyện về nghĩa cử cao đẹp trong cuộc sống, để trẻ hiểu được ý nghĩa và giá trị của lòng tốt.
Khuyến khích trẻ tăng cường hành động thực tế
Sau quá trình dung nạp kiến thức lý thuyết cho trẻ, bố mẹ nên tạo cho trẻ nhiều cơ hội để trải nghiệm thực tế. Vì lời nói cần phải có sự kiểm chứng thông qua hành động. Như thế thì quá trình bố mẹ giáo dục trẻ về lòng nhân ái và tình yêu thương mới thuyết phục, cũng như mang lại hiệu quả cao.
Trước khi hướng dẫn trẻ thực hiện những hành động có ích cho xã hội. Bố mẹ nên bắt đầu giáo dục từ môi trường gần gũi nhất với trẻ, đó là gia đình. Bởi vì một đứa trẻ biết giúp đỡ và yêu thương gia đình, thì tương lai có thể trở thành một công dân tốt.
Vậy nên, bố mẹ hãy dạy trẻ về các hành động giúp đỡ công việc nhà như quét nhà, lau bàn ghế, gấp quần áo,... Khi trẻ hình thành được tính tự lập, tự giác, bố mẹ sẽ đỡ vất vả hơn.
Nếu giáo dục từ môi trường gia đình đã vững, trẻ nên được khuyến khích tham gia vào các hoạt động xã hội liên quan đến vấn đề giúp đỡ người khác như tình nguyện. Đây là việc làm thiết thực nhất, đồng thời cũng hiệu quả nhất để giúp trẻ mài dũa và phát triển lòng tốt của mình.
Các hành động thiết thực thể hiện sự quan tâm, giúp đỡ người khác là phương pháp giáo dục hiệu quả.
Trở thành tấm gương cho trẻ noi theo
Con cái là bản sao của bố mẹ, điều này đã được thực tế chứng minh. Cách nhanh nhất, dễ nhất và hiệu quả nhất để giáo dục trẻ trở thành một người có ích, là chính bố mẹ cũng phải trở thành một người như vậy.
Hầu hết trẻ nhỏ đều dành một sự tôn trọng, ngưỡng mộ và tin tưởng dành cho bố mẹ. Vì vậy mà mỗi “đường đi nước bước” của bố mẹ, đều gây cho trẻ sự chú ý. Dù bố mẹ làm bất cứ điều gì, trẻ đều mặc định là đúng đắn.
Thế nên, khi bố mẹ có những nghĩa cử cao đẹp, biết yêu thương và giúp đỡ mọi người xung quanh trước mặt trẻ, trẻ sẽ học tập và sau đó bắt chước lại hành vi của bố mẹ. Đó là lý do, bố mẹ cần đặc biệt cẩn trọng trong cách hành xử hằng ngày. Bởi vì điều này, quyết định quan trọng đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ trong tương lai.
Bố mẹ cần làm gương cho trẻ từ những công việc đơn giản nhất, như giúp đỡ và san sẻ với bố mẹ công việc nhà.