Tôi năm nay 35 tuổi là nhân viên kinh doanh của một công ty nước ngoài. Ngoài thu nhập từ công việc chính này, tôi còn có nguồn thu nhập từ một số nghề tay trái khác như oder hàng xách tay nước ngoài và cho thuê căn nhà của bố mẹ đẻ cho cấp cho trước khi đi lấy chồng nhưng tôi không dùng đến. Nói thế để biết rằng cuộc sống của tôi về kinh tế khá dư dả, ổn định và cũng không không thiếu thốn gì. Thế nhưng thứ khiến tôi thiếu thốn đó chính là cảm giác được quan tâm, yêu thương và sẻ chia.
Tôi kết hôn khá sớm và hiện có một cô con gái 11 tuổi nhưng chồng tôi thì mất cách đây 2 năm vì một tai nạn giao thông. Suốt 2 năm qua tôi luôn thèm cảm giác được yêu thương của một người đàn ông bởi trước đó, chồng tôi là một người đàn ông vô cùng tuyệt vời với vợ và con. Bỗng dưng mất đi sự yêu thương đó tôi cảm thấy thiếu vắng.
Ảnh minh họa
Tình cờ trong một lần giao lưu với đối tác làm ăn tôi quen anh - giám đốc của công ty đối tác nhỏ hơn tôi 2 tuổi, trai tân. Anh bị thu hút bởi tôi nên chủ động tìm cách liên lạc ngay sau đó. Chúng tôi sau những buổi gặp gỡ cũng có tiến xa hơn một chút và sau đó trở thành người yêu của nhau. Chúng tôi đến với nhau hoàn toàn là vì tình yêu chứ không vì mục đích kinh tế, lợi ích gì cả mặc dù tôi cũng có tiền và anh thì còn nhiều hơn cả tôi.
Mặc dù vậy, bạn bè và người thân của tôi vẫn nhắc nhở tôi phải cẩn thận. Bên phía gia đình của anh cũng không đồng ý vì họ dè dặt tôi là mẹ đơn thân đã có 1 lần đò, lại có 1 cô con gái trong khi anh còn độc thân, có tiền, có địa vị và gia đình cũng gia giáo. Chính vì những rào cản này nên tôi nấn ná khi đi thêm bước nữa với anh. Còn về phía anh, anh yêu và động viên tôi nhiều rằng phải cố gắng hơn nữa, dần dần mọi người sẽ hiểu được tình yêu chân thật của bọn tôi và sẽ chấp nhận điều đó.
Một ngày đầu đông, anh đưa tôi đến một nhà hàng cao cấp để dùng bữa tối. Sau khi dùng bữa tối, anh ngỏ ý muốn đưa tôi lên tầng cao nhất của tòa nhà ấy để cùng ngắm trăng. Trong giây phút lãng mạn ấy, người bạn trai đã quỳ gối cầu hôn tôi. Anh nói việc của tôi là chỉ cần ở bên cạnh, yêu thương anh còn mọi thứ để anh lo, không cần phải đắn đo về bất kì điều gì cả.
Ảnh minh họa
Đang trong lúc băn khoăn, suy tính điện thoại của tôi bỗng thông báo có tin nhắn được gửi đến. Đó là từ số điện thoại của con gái tôi. Đọc những dòng chữ đó, tôi như bừng tỉnh giấc mơ cổ tích của mình:
- Nếu mẹ đồng ý lấy chú đó thì coi như mẹ không có con nữa. Tạm biệt mẹ.
Tôi choáng váng đọc đi đọc lại từng chữ một như không tin vào mắt mình. Thấy tôi hoảng loạn, anh đứng lên trấn an tôi rằng chắc chắn đứa nhỏ chỉ đang đùa với mẹ thôi. Dù là chuyện đùa hay bất kì điều gì đi chăng nữa, tôi cũng không thể tiếp tục cùng anh đứng ở đây nữa và cũng không thể hứa hẹn gì. Tôi xin anh đưa về nhà ngay lập tức.
Bước vào căn nhà hai mẹ con đang sống và bước vào căn phòng mà đứa trẻ đang ngồi đều không được bật đèn. Tôi cất tiếng gọi nhưng đứa trẻ không trả lời. Mãi cho đến khi tôi bật đèn lên mới định hình được nó đang ngồi thu lu 1 góc nhà, ôm gấu bông và khóc.
- Chuyện gì xảy ra với con vậy, sao con lại thế này, sao con không gọi cho mẹ?
Đứa trẻ ngừng khóc và bắt đầu đáp lại tôi:
- Mẹ đã đồng ý lấy chú ấy chưa, mẹ có muốn là mẹ của con nữa không?
- Sao con lại nói thế, mẹ vẫn là mẹ của con mà. Mẹ chưa đồng ý lấy chú ấy, con yên tâm, có gì hãy nói cho mẹ nghe.
- Thật may vì điều đó. Bố con mới mất có 2 năm thôi, tại sao mẹ đã có thể đồng ý yêu và lấy một người đàn ông khác vậy ạ. Mẹ có quan tâm đến cảm nhận của con không? Suốt thời gian qua, mẹ hẹn hò, qua lại với chú ấy và để con ở nhà một mình mẹ không hề có cảm nhận gì sao? Hai mẹ con mình cũng đang sống rất yên ổn mà, tại sao lại cần một người đàn ông nào nữa. Ngoài bố ra, con không cần ai khác làm bố của mình cả.
Đứa trẻ ngày một gào to hơn. Hóa ra nó đọc trộm được tin nhắn trong điện thoại của tôi và biết được hôm nay người đàn ông đó sẽ cầu hôn tôi. Bao lâu qua nó vẫn không đồng ý chuyện tôi có tình yêu mới, luôn chống đối lại điều đó nhưng không thể hiện ra mặt. Có lẽ cũng vì thế mà tôi bỏ qua cảm xúc của con mà chỉ nghe theo tiếng gọi con tim.
Tôi nghĩ lại mới thật mình là một người mẹ tồi, một người mẹ vô tâm. Con gái đang ở tuổi dậy thì và cần tôi nhất, vậy mà tôi lại mải mê đắm chìm với tình yêu của mình. Ngay trong đêm hôm đó, tôi nhắn tin từ chối lời cầu hôn và chia tay với người bạn trai mới. Tôi tin rằng nếu có duyên và đủ yêu thương, chúng tôi sẽ đồng hành cùng nhau trong tương lai, còn thời điểm hiện tại, tôi muốn tập trung mọi thứ cho con gái bé bỏng của mình.
Tâm sự từ độc giả ducthinh...@gmail.com
Khi con cái tỏ thái độ không muốn bố mẹ kết hôn lần 2, sau khi người chồng hoặc người vợ đầu tiên đã mất, phản ứng của bố mẹ lúc này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình sự hiểu biết và hỗ trợ cho con về mặt tinh thần.
Trước tiên, bố mẹ cần dành thời gian lắng nghe chân thành và hiểu sâu sắc những lý do mà con không muốn bố mẹ kết hôn lần 2. Con có thể đang trải qua những lo lắng, sợ hãi, hoặc cảm thấy không thoải mái với điều này. Bố mẹ nên tạo ra một không gian an toàn và không đánh giá, để con có thể chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình một cách tự do.
Sau khi lắng nghe, bố mẹ có thể giải thích một cách rõ ràng và tận tâm lý do vì sao bản thân muốn kết hôn lần 2, và những lợi ích và hạnh phúc mà nó có thể mang lại cho cả gia đình. Bố mẹ nên mở cuộc thảo luận và trao đổi quan điểm, tạo cơ hội cho con hiểu và đưa ra ý kiến của mình. Việc này sẽ giúp con cảm thấy được coi trọng, và biết rằng ý kiến của mình luôn được bố mẹ lắng nghe, cân nhắc.
Trong quá trình này, bố mẹ cần tôn trọng quyền lựa chọn của con. Mặc dù bố mẹ có mong muốn tạo ra một gia đình mới, nhưng việc bố hoặc mẹ đi thêm bước nữa không nên bắt buộc con chấp nhận nếu con không sẵn lòng. Bố mẹ có thể thể hiện tình yêu và sự quan tâm đối với con, thông qua việc tôn trọng quyền lựa chọn của con, và cho con thời gian để tập cách chấp nhận, cũng như dần thoải mái hơn với hoàn cảnh gia đình mới.
Cuối cùng, bố mẹ cần khuyến khích con tham gia vào quá trình xây dựng mối quan hệ mới. Bằng cách tạo cơ hội cho con gặp gỡ và tương tác với người mới trong cuộc sống của bố mẹ, con có thể dần dần hiểu và chấp nhận hơn. Bố mẹ cần biết rằng, quá trình này có thể mất rất nhiều thời gian, và cần được thực hiện theo từng bước nhỏ, đồng thời bố mẹ phải luôn cung cấp sự hỗ trợ và sự an ủi kịp thời cho con trong suốt quá trình điều chỉnh và thích nghi này.