"Nhìn con đi ngoài ngày 3-4 lần, người gày tọp cả đi mình xót lắm. Không rõ vì sao con lại bị tiêu chảy, nhưng để an toàn mình chỉ cho con ăn cháo trắng. Bụng dạ nó đang yếu mà ăn chất tanh vào thì có khi còn đi ngoài nhiều hơn thì còn khổ nữa. Khi nào khỏi rồi thì mình lại cho ăn như bình thường", chị Hoài nói.
Giống như chị Hoài, rất nhiều bà mẹ có con bị tiêu chảy đều nghĩ ngay đến việc cho trẻ ăn kiêng. Một nghiên cứu gần đây về kiến thức thực hành nuôi dưỡng trẻ dưới 2 tuổi tại 3 huyện Cẩm Thủy, Tĩnh Gia, Hậu Lộc của Thanh Hóa cũng cho kết quả tương tự. Cụ thể, khi có con bị tiêu chảy hơn 80% các bà mẹ được hỏi cho bé ăn kiêng. Trong đó có tới 93% kiêng chất tanh - chủ yếu lại kiêng các thức ăn giàu dinh dưỡng.
Với trẻ bị tiêu chảy, ngoài việc bù nước, điện giải thì cha mẹ cần đảm bảo cung cấp chế độ dinh dưỡng hợp lý. Ảnh: N.P. |
Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trẻ bị tiêu chảy mà kiêng ăn thịt, cá, chất tanh, đường, sữa... là một quan niệm sai lầm. Điều này vô tình làm giảm sức chống đỡ bệnh tật của bé, tiêu chảy càng kéo dài, nguy cơ bị suy dinh dưỡng rất cao.
Ngoài ra, cháo muối thực tế chỉ được dùng giống như một loại dịch dùng trong điều trị bệnh ở trẻ (nếu trẻ không uống được oresol để bù nước điện giải). Đây không phải là một bữa ăn với trẻ. Đặc biệt, khi bé bị tiêu chảy, cần hạn chế đường vì khó hấp thu và làm bé tiêu chảy nặng hơn.
Trẻ đang bị tiêu chảy thì cha mẹ càng cần đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng, cho bú bình thường, ăn các thức ăn dễ tiêu hóa như cháo loãng, chuối tiêu, uống sữa... và ăn nhiều bữa nhỏ. Nếu trẻ dùng sữa mà bị tiêu chảy nhiều thì nên dùng loại không có lactose.
Đặc biệt, theo tiến sĩ Dũng, không cho trẻ ăn các loại lá và quả chát có nhiều chất tanin như lá nhọ nồi, lá ổi xanh, quả ổi xanh, quả hồng xiêm xanh... Chất tanin có tác dụng làm săn màng ruột, có tác dụng ngay tức khắc, nên trẻ cầm tiêu chảy ngay lập tức. Tuy nhiên, bệnh chỉ đỡ giả tạo, còn các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm... thải hồi rất chậm do màng ruột bị săn, làm cho bệnh càng thêm kéo dài, thậm chí nặng hơn.
Thạc sĩ Lê Thị Hải, Giám đốc trung tâm khám - tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Hà Nội) cho biết, các thực phẩm nên dùng khi trẻ bị tiêu chảy gồm: gạo (bột gạo), khoai tây; thịt gà, lợn, cá nạc; sữa đậu nành, sữa chua, sữa có ít hoặc không có lactose; dầu thực vật: cà rốt, hồng xiêm, chuối, táo.
Theo thạc sĩ Hải, cha mẹ căn cứ vào lứa tuổi và chế độ ăn của trẻ trước khi bị tiêu chảy để có chế độ ăn thích hợp. Với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi đang bú mẹ thì nên tiếp cho bé bú bình thường và tăng số lần bú. Bản thân người mẹ cũng không cần kiêng khem nhiều mà chỉ kiêng ăn đồ ngọt. Nếu trẻ không bú sữa mẹ thì cho trẻ ăn sữa mà trước đó trẻ vẫn ăn nhưng pha loãng 1/2 trong vòng 2 ngày.
Với trẻ 6 tháng tuổi trở lên, ngoài sữa mẹ và sữa thay thế như trên cần cho trẻ ăn thêm nhiều lần và từng ít một các thức ăn giàu chất dinh dưỡng như: thịt nạc, cá nạc, trứng, sữa... Đồng thời cho thêm một ít dầu, mỡ để tăng thêm năng lượng của khẩu phần.
Chú ý, thức ăn cần mềm, nấu kĩ, nấu loãng hơn bình thường và cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm. Nếu phải cho trẻ ăn những thức ăn đã nấu sẵn thì phải đun lại trước khi cho ăn. Ngoài ra, cần chú ý cho trẻ ăn thêm quả chín hoặc nước ép quả như: chuối, cam, xoài, đu đủ, hồng xiêm... để tăng thêm lượng kali, beta, caroten, vitamin C...
Trẻ trên 6 tháng tuổi, thành phần chế độ ăn cũng giống như trẻ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, chú ý không cho con uống các loại nước giải khát công nghiệp vì chúng có thể làm tăng ỉa chảy. Tránh các loại thực phẩm có nhiều xơ hoặc ít chất dinh dưỡng như các loại rau thô, tinh bột nguyên hạt (ngô, đỗ…) khó tiêu hóa. Không dùng các loại thức ăn có nhiều đường vì những loại thức ăn này có thể làm tiêu chảy nặng hơn.
Cần khuyến khích trẻ ăn càng nhiều càng tốt, cho con ăn 6 lần/ngày hoặc nhiều hơn. Sau khi khỏi tiêu chảy, để giúp bé phục hồi nhanh và tránh suy dinh dưỡng cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa trong 2 tuần liền.
Phương Trang