Sau khi ngồi tạo dáng cho con vẽ được 10 phút, nhận thành quả "không giống mình", tuy nhiên bà mẹ này không chế nhạo hay chê bai con mà có cách hành xử đáng học hỏi.
Theo đó, trong một clip, cậu bé khoe bức ảnh vẽ mẹ và tỏ vẻ ngập ngừng, không dám đưa cho mẹ xem vì thấy không được đẹp. Trong khi ông bố không kìm chế được cảm xúc, cười lăn lộn, bà mẹ đã có những lời động viên cực khéo để con trai không có cảm giác tự ti và cố gắng phấn đấu:
"Nó đẹp mà"; Bức tranh này xinh đẹp tuyệt vời"; "Lần đầu tiên mẹ thấy đẹp vậy đó"; "Ước gì con ở đó chụp ảnh kỷ yếu cho mẹ"; "Mẹ chưa từng thấy tuyệt tác nào như vậy"... Đồng thời, chị không quên pha trò để con vượt qua cảm giác ngượng ngùng: "Ô cái gì kia, mẹ bị tăng sắc tố da à". Và động viên con: "Mẹ chỉ muốn con tiếp tục cố gắng. Cố gắng lên nhé!".
Khi cậu bé vẫn hoài nghi: "Vậy tại sao bố lại cười con?", bà mẹ hài hước: "Bố có hiểu gì về nghệ thuật đâu. Đây là cách người Pháp nói: Bức tranh này đẹp quá đi".
Bức ảnh quả thật không được đẹp theo góc nhìn bình thường, nhưng dưới con mắt của bà mẹ, đó vẫn là một thành quả đáng hoan nghênh.
Cậu bé khoe bức ảnh vẽ mẹ và tỏ vẻ ngập ngừng, không dám đưa cho mẹ xem vì thấy không được đẹp. (Ảnh cắt từ clip)
Bà mẹ đã có những lời động viên cực khéo để con trai không có cảm giác tự ti và cố gắng phấn đấu. (Ảnh cắt từ clip)
Cha mẹ khen ngợi theo 3 quy tắc này, con ngày càng thông minh
Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ nhận ra rằng, muốn con trở nên xuất sắc, tự tin, cần dành nhiều lời động viên cho con. Những đứa trẻ luôn được cha mẹ khen ngợi sẽ tự tin hơn trong cuộc sống, luôn tràn đầy năng lượng tích cực và không lo ngại trước khó khăn. Lời khen chính là nguồn động viên lớn lao giúp trẻ vượt qua mọi thách thức. Trên thực tế, những đứa trẻ kiệt xuất thường được cha mẹ ghi nhận và dành lời khen. Khen ngợi là "vũ khí thần kỳ" giúp trẻ thành công trên con đường đã lựa chọn.
Tuy nhiên, cha mẹ cần biết khen ngợi đúng cách để thúc đẩy trẻ phát triển và làm giảm tính kiêu căng, tự mãn. Cha mẹ cũng hết sức lưu ý nếu khen ngợi giả tạo có thể khiến trẻ trở nên nhạy cảm, thiếu tự tin. Vì vậy, trước khi khen con cần suy nghĩ kỹ. Dưới đây là 3 nguyên tắc khen ngợi mà cha mẹ nên trang bị.
1. Khen ngợi những điều cụ thể, không nói chung chung
Khen ngợi một cách chung chung không có lợi cho sự phát triển mà còn khiến trẻ cảm thấy hụt hẫng. Cha mẹ cần chỉ ra lý do cụ thể khi khen con và nói một cách chân thành nhất. Như vậy, trong tương lai trẻ mới tự tin làm nhiều việc tốt để được nhận những lời khen.
2. Khen ngợi trẻ vì những nỗ lực chứ không phải vì kết quả
Cha mẹ cần biết rằng, chăm chỉ là điều quan trọng nhất. Dù kết quả không mấy khả thi thì cha mẹ vẫn nên khẳng định sự nỗ lực hết mình của con. Thông điệp được truyền đi qua cách khen ngợi này là: Phải luôn cố gắng với 100% năng lượng, không có chuyện may rủi, dù kết quả không như ý thì cũng rút ra được bài học bổ ích.
Theo các nghiên cứu chỉ ra, những đứa trẻ được khen ngợi vì làm việc chăm chỉ sẽ có nhiều khả năng hoàn thành việc khó trong tương lai. Còn những đứa trẻ chỉ được khen về kết quả thường hình thành quan niệm sai lầm về thắng thua, thậm chí đi chệch hướng để tìm kiếm chiến thắng cuối cùng.
3. Không nên khen về tính cách, nên tập trung vào điều trẻ thực hiện
"Con ngoan quá!", "Con thật tốt!",… là những lời khen về nhân cách mà cha mẹ hay dùng. Tuy nhiên, "ngoan" và "tốt" là khái niệm rất khó nhận định, không ai có thể phân biệt chính xác được. Ngoài ra, lời khen kiểu này còn khiến trẻ cảm thấy khó chịu, tạo áp lực vô hình "con ngoan trò giỏi" cho trẻ.
Những đứa trẻ nhận lời khen về nhân cách nhiều sẽ trở nên tự mãn, hình thành tâm lý tự kiêu. Vì vậy, cha mẹ hãy khen ngợi về sự thật, về những việc trẻ làm tốt. Một điều quan trọng cha mẹ cần nhớ là không nên "keo kiệt" lời khen với trẻ.