Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh yêu thương và nuông chiều con quá mức nên phớt lờ hạnh động làm sai của trẻ, đôi khi chỉ nhàng nói: “Không sao đâu, lần sau chú ý nhé”.
Đây là câu nói nhiều trẻ muốn nghe nhất, bởi điều đó có nghĩa mọi chuyện đã xong, bản thân trẻ sẽ không bị phạt hay nhắc nhở. Nhưng thực tế, nếu bố mẹ thường xuyên nói "Không sao đâu" sẽ có thể nuôi dạy nên những đứa trẻ vô trách nhiệm.
Theo các chuyên gia, ở góc độ khác, cách hành xử này của bố mẹ chẳng khác nào tước đi tinh thần trách nhiệm của trẻ, khiến trẻ cảm thấy mọi việc đều “ổn”, bản thân có mắc lỗi đến đâu cũng sẽ được tha thứ. Lối suy nghĩ này lâu dần sẽ ảnh hưởng đến hành vi của trẻ, hình thành thái độ sống không tốt, ảnh hưởng đến tương lai của con sau này.
Các chuyên gia tâm lý cũng cho biết, bố mẹ thường xuyên nói với con những câu sau đây vô tình khiến trẻ trở thành người vô trách nhiệm, ỷ lại vào người khác và thiếu ý thức độc lập.
"Con thích gì, bố mẹ đều có thể mua hết"
Hiện nay, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế tốt, nên bố mẹ mong muốn tập trung mọi nguồn lực để chăm sóc các con một cách tốt nhất. Trẻ em trở thành đối tượng bảo vệ, chăm sóc, nên dễ được yêu chiều hơn.
Tuy nhiên, việc bố mẹ nuông chiều quá mức "Con thích gì, bố mẹ đều mua hết", sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành tính cách và cách nhìn nhận của trẻ về cuộc sống xung quanh. Nếu trẻ dễ dàng được thỏa mãn mỗi khi đưa ra yêu cầu, trẻ sẽ mặc định đó là điều đương nhiên và không coi trọng mọi thứ, trở nên ích kỷ, tư lợi.
Dù là công sức, sự hy sinh hay tiền bạc của bố mẹ, trong mắt trẻ mặc định sẽ là điều đương nhiên phải dành cho mình. Như vậy, đến khi yêu cầu không được thỏa mãn, trẻ sẽ không vừa ý, phàn nàn thậm chí là cáu gắt với bố mẹ.
Vì vậy, khi trẻ đưa ra một yêu cầu vô lý, đừng chỉ từ chối mà hãy giải thích cho con hiểu lý do vì sao từ chối. Hãy để trẻ hình thành những giá trị đúng đắn và trưởng thành hơn.
"Con không cần lo, bố mẹ có cách để con đạt điểm cao nhất"
Thực tế, không ít trường hợp bố mẹ quan tâm đến thành tích, nên cố gắng sắp xếp cho con đạt điểm tốt, mặc dù năng lực của trẻ bị hạn chế.
"Con không cần lo, bố mẹ sẽ giúp con đạt điểm cao nhất" điều này khiến trẻ ngầm hiểu "Không sao, nếu mình thi trượt sẽ có bố mẹ giúp", khiến trẻ hạn chế tinh thần cố gắng học hỏi. Lâu dần trẻ thờ ơ với cuộc sống, cho rằng mọi thứ đều dễ dàng được người khác giúp đỡ.
Mỗi đứa trẻ đều có tính cách riêng, điểm mạnh, yếu riêng, bố mẹ nên lựa cách phù hợp để dạy dỗ con. Thực tế, bố mẹ không thể là người bảo vệ con suốt đời, do đó hãy là người hướng dẫn con cách tự bảo vệ. Chỉ có khi được ở trong một môi trường thực thụ, trẻ mới có thể học cách bảo vệ bản thân tốt nhất.
Thay vì giúp trẻ làm hết mọi thứ, hãy dạy con tinh thần tự lập, biết cố gắng, học hỏi và mạnh dạn khám phá tài năng của bản thân.
"Đã có người giúp rồi, con không cần phải làm việc nhà"
Nhiều phụ huynh thấy con học hành cực khổ thì thấy xót nên không muốn cho con đụng bất cứ thứ gì. Nhưng đó chính là sự sai lầm lớn nhất trong cách nuôi dạy trẻ.
Thay vì để trẻ ỷ lại việc có người luôn chăm sóc cho mình, hãy để trẻ thấy việc bản thân tự chăm sóc là cách tốt nhất.
Vì thế, bố mẹ nên cho trẻ làm những công việc dọn dẹp phù hợp với lứa tuổi, chẳng hạn như cho con dùng cây lăn bụi để tập quen từng bước làm việc nhà.
Từ đây, con có thể tự biết cách chăm lo bản thân và biết cách sắp xếp bàn làm việc hoặc phòng ngủ Bên cạnh đó, còn tập trẻ tính tự lập, rèn luyện sự ngăn nắp khi sau này có sống, học tập và làm việc xa bố mẹ.