Hơn 1 tuần trôi qua, bằng linh cảm của người mẹ, tôi nhận thấy Bảo Bối – cô con gái 11 tuổi của tôi thực sự đang… gặp vấn đề. Con bé vốn lém lỉnh và tràn đầy năng lượng, tối nào nhà tôi cũng rộn ràng tiếng con bé nói, cười hay kể những câu chuyện đầy tinh nghịch của tuổi học trò. Ấy vậy mà, hơn 1 tuần rồi, con bé trầm lặng đến lạ thường.
Sau mỗi bữa cơm tối, Bảo Bối thường lên phòng, đóng chặt cửa. Gương mặt con bé cũng buồn buồn. Vẫn biết, ở cái tuổi này, những bé gái như Bảo Bối của tôi thường nhạy cảm và có nhiều những biến đổi. Bởi thế, trước những biểu hiện của con, tôi dĩ nhiên chẳng thể nào bỏ qua.
Tối đó, tôi lên phòng… Tôi khẽ gõ cửa và Bảo Bối mở ra. Con bé vội lao về giường, chùm chăn và vờ đọc một cuốn sách như thể chẳng có chuyện gì xảy ra. Vuốt tóc con, tôi khẽ hỏi:
- “Nói cho mẹ nghe, con có chuyện gì thế?”.
Con bé đánh trống lảng:
- “Không, có chuyện gì đâu mẹ. Con đang đọc truyện thôi”.
Biết là con gái chưa sẵn sàng để chia sẻ nên tôi không bắt ép. Tôi mỉm cười:
- “Nghe này, mẹ chưa biết có chuyện gì xảy ra với con, nhưng nếu con có vấn đề gì cần tâm sự, hãy nói với mẹ. Mẹ sẽ cùng con giải quyết mọi chuyện. Hãy nhớ, mẹ cũng đã từng là một cô nhóc ở tuổi như con, những gì con đang trải qua là việc mẹ cũng đã từng trải nghiệm. Vì thế, mẹ có thể nói với con những gì mẹ biết… Khi nào con cần, hãy gọi mẹ nhé”.
Con bé chỉ ậm ừ…
Ngày hôm sau, Bảo Bối chạy sang phòng của tôi, con bé rụt rè rồi đưa cho tôi một quyển sách.
- “Con có chuyện này muốn hỏi mẹ… nhưng… Con viết nó ở trong này, mẹ xem xong thì phải xé nó luôn đi nhé”.
Nói rồi, con bé chạy biến về phòng. Chỉ còn mình tôi ở lại. Tôi khẽ lật giở quyển sách, bên trong, con kẹp một tờ giấy nhỏ. Ở đó, con viết vài dòng ngắn ngủi:
- “Mẹ ơi, con sợ lắm. “Chỗ ấy” của con… mọc râu. Càng ngày nó càng nhiều hơn. Tại sao lại thế hả mẹ? Con rất sợ. Nó có hại gì không? Có phải con bị bệnh gì không vậy? Con phải làm sao bây giờ?”.
Tôi mỉm cười!
Tối đó, tôi ngồi vào bàn làm việc, lấy một tờ giấy và viết cho con gái mình một lá thư:
“Bảo Bối – Con gái của mẹ!
Vậy là tuổi dậy thì của con đã xuất hiện theo đúng quy trình đấy. Mẹ cũng đã từng như con, cũng từng có những hoang mang như vậy. Thế nên hôm nay, thật vui vì mẹ có thể tiết lộ với con những bí mật nho nhỏ, chuyện chỉ dành cho nữ giới chúng mình thôi.
Đầu tiên, mẹ muốn con hiểu, “đám cỏ” trên cơ thể con là như thế nào?
“Đám cỏ” ấy, tên khoa học người ta gọi là lông mu. Nó là một phần không thể thiếu trên cơ thể con người, bao gồm cả nam giới và nữ giới. Với mỗi người, độ tuổi xuất hiện “đám cỏ” ấy là khác nhau. Ví dụ như con bây giờ là tuổi 11, còn mẹ ngày xưa là khi 12 tuổi. Tình trạng “đám cỏ” nhiều hay ít, dày hay thưa cũng phụ thuộc vào lượng hormone, nội tiết tố và di truyền riêng.
Con đừng hoảng sợ khi thấy chúng, bởi thời điểm nó xuất hiện khi cơ thể nữ giới đang bước vào giai đoạn phát triển và trưởng thành rồi đấy. Nó là hiện tượng hết sức bình thường của tuổi dậy thì và chứng tỏ một cơ thể nữ giới đang dần trưởng thành.
Chúng được cấu tạo như thế nào?
Lông mu có cấu tạo gồm 3 phần: phần nằm trên thượng bì da, phần mọc xuyên qua thượng bì và phần nằm trong chân bì (hay còn gọi là trung bì da). Phần nằm trong chân bì gọi là rễ lông. Rễ lông được bao bọc bởi một vỏ gọi là nang long. Nang lông có ba lớp: lớp bao biểu mô ngoài, bao biểu mô trong và bao xơ.
Mỗi nang lông có ba phần:
- Miệng nang lông thông ra mặt da
- Cổ nang lông hay còn gọi là phễu nang lông có miệng tuyến bã thông ra ngoài
- Bao nang lông là phần dài nhất ăn sau xuống lớp hạ bì của da.
Con có biết chức năng của "đám cỏ" ấy là gì không?
Con có thể cảm thấy không thoải mái với sự xuất hiện của chúng nhưng thực tế, nó có rất nhiều tác dụng đối với cơ thể chúng ta.
- "Cỏ vùng kín" có chức năng như màng đệm, giúp các nếp gấp vùng kín không dính vào nhau, giảm nguy cơ gây nhiễm trùng và ban đỏ. Đồng thời, lông mu có tác dụng như một màng chắn, bảo vệ vùng kín, hạn chế sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh như virut, vi khuẩn, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc một số bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn ở vùng kín như bệnh nhiễm khuẩn âm đạo, nhiễm trùng tiết niệu,…
- Bên cạnh lớp mô mềm thì "đám cỏ" cũng có khả năng lưu giữ một lượng nhiệt nhất định, giúp duy trì nhiệt độ của vùng kín, nhất là khi thời tiết trở lạnh. Khi vào mùa hè, các tuyến da bên dưới lông mu có thể tiết ra các chất dầu làm mát, giảm nhiệt độ vùng kín.
- "Cỏ" vùng kín giúp giảm bớt sự cọ sát khi va chạm với quần áo trong quá trình sinh hoạt, vận động hàng ngày, giúp hạn chế tổn thương da vùng kín.
Một công dụng quan trọng khác của "đám cỏ" ấy là chống lại các tác động mạnh. Nếu không có lông mu, khi tác động mạnh, da rất dễ bị tổn thương.
Cách chăm sóc "đám cỏ" ấy ra sao?
Nó sẽ có đôi chút bất tiện cho con trong những ngày nóng bức nếu như "đám cỏ" ấy hơi rậm rạp một chút. Nếu muốn, con có thể dùng kéo để tỉa bớt khoảng 2-3 cm, không nên tỉa quá sát mà giữ lại một đoạn để lông mu thực hiện các chức năng bảo vệ của mình.
Con nhớ nhé, không nên dùng dao cạo hoặc wax lông vì có thể gây mẩn cảm, đỏ rát, tăng tình trạng dễ tổn thương của da. Những vết rách vi mô trên da do quá trình wax làm da trở nên bỏng rát và mỏng manh hơn. Khi da bị tổn thương, các mầm bệnh dễ xâm nhập và gây ra các bệnh cho âm đạo.
Mỗi ngày, con có thể dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ thích hợp nhưng nhớ là không thụt rửa sâu vào trong. Sau khi vệ sinh, nên lau vùng kín và vùng lông mu bằng khăn sạch, mềm nhé.
Cuối cùng, mẹ muốn con đừng hoang mang hay lo sợ khi cơ thể của mình có thêm một vài người bạn, con gái nhé. Đó là câu chuyện không chỉ mẹ hay con mà còn có rất nhiều nữ giới khác như chúng ta cũng sẽ trải qua con ạ!”.
Nguồn: http://khampha.vn/me-va-be/nhung-bi-mat-nho-nho-ve-dam-co-tren-co-the-con-gai-tuoi-day-...Nguồn: http://khampha.vn/me-va-be/nhung-bi-mat-nho-nho-ve-dam-co-tren-co-the-con-gai-tuoi-day-thi-c32a761209.html