Theo Asiaone, khi tắt kinh, phụ nữ có thể nghi ngờ mình có thai. Có thể tự mình kiểm tra bằng cách dùng que thử, hoặc đến khám bác sĩ để biết chắc chắn.
Thông thường đến tháng thứ ba, thai phụ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, nặng nề, thèm chua, chóng mặt, ói mửa. Thời kỳ này, chị em có rất nhiều lo lắng về sự sinh nở, về đứa con trong bụng nên thường trở nên khó chịu, cáu bẳn.
Ảnh minh họa: News. |
Vậy làm sao để giảm bớt lo âu cho bà bầu?
Để lấy lại trạng thái cân bằng cho mình đòi hỏi thai phụ phải lưu ý:
- Tránh mọi việc lao lực, lao tâm có ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi. Tránh đạp xe hay chạy nhảy. Không nên đi giày cao gót. Hạn chế leo lên cao hoặc đi cầu thang.
- Đi lại, vận động nhẹ nhàng sẽ giúp ích cho sức khỏe và có lợi cho việc sinh nở về sau. Không nên ngồi hay nằm lâu một chỗ.
- Không nên tắm bằng cách ngâm mình trong bồn mà hãy dùng vòi sen. Khi tắm nên dùng nước ấm thay vì nước lạnh.
- Thai phụ không nên ăn các loại thức ăn như đồ hộp, rau sống, thịt rừng, hải sản, thịt nguội, phô mai lên men, các loại đồ ngâm chua lên men. Tránh các loại thức uống có chất kích thích như cafe, trà, thuốc lá, rượu, chocolate.
- Nên ăn rau nấu chín, củ, quả chín sẽ tốt cho cả mẹ và thai nhi. Thai phụ có thể ăn khoai tây và các loại đậu nấu chín, tán nhuyễn.
- Không nên ăn quá nhiều thực phẩm bổ dưỡng theo quan niệm "ăn cho hai người". Tuy nhiên, cũng không nên nhịn ăn vì đứa trẻ trong bụng cần có đủ chất dinh dưỡng, nếu thiếu dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của thai nhi.
- Thăm khám thai theo định kỳ 2 tháng một lần để đảm bảo thai nhi vẫn phát triển bình thường. Việc này rất có lợi, bởi nếu bác sĩ phát hiện một bất thường nào đó sớm (chẳng hạn thai nằm không đúng vị trí), họ sẽ can thiệp sớm để giúp thai phụ sinh nở dễ dàng.
- Hạn chế "yêu" trong 4 tháng cuối thai kỳ để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
Thụy Ân