Bé tự trang trí đèn ông sao - Ảnh: HQCBM |
"Trung thu yêu thương" chiều chủ nhật 31/8 (tức ngày 7/8 âm lịch), tại Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ, số 202 Võ Thị Sáu, phường 7, quận 3, TP HCM. Vào cửa tự do. hội quán các bà mẹ đã chuẩn bị rất nhiều nguyên liệu để hướng dẫn bé làm bánh dẻo, lồng đèn, mặt nạ, tò he... Bé có thể mang những sản phẩm do tự tay mình làm về khoe cả nhà hoặc gửi các mẹ đem tặng những bạn nhỏ khó khăn ở Bình Phước và Bà Rịa (vào ngày 3/9). Bé cũng có thể góp sách vở, quần áo và bánh trung thu để tặng các bạn khó khăn.
Không chỉ được tìm hiểu về những hoạt động truyền thống trong ngày Tết Trung thu, đến đây các bạn nhỏ còn được các chuyên gia của Hội quán hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn, giao lưu với nhà thơ Trần Tiến Dũng - tác giả của cuốn sách “Ba ơi, tại sao?” và họa sĩ nhí Anh Trí.
"Vầng trăng yêu thương" tối 5/9 (tức 12/8 âm lịch), tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, số 36-38 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm. Vào cửa tự do.
Các bạn nhỏ sẽ được thưởng thức chương trình nghệ thuật do đội nghệ thuật măng non Cung Thiếu nhi Hà Nội, các nghệ sĩ hài, xiếc Thủ đô biểu diễn. Sân khấu với hình thù ngộ nghĩnh, đáng yêu của đèn kéo quân, đèn lồng, đèn cá chép, đèn ông sao do các nghệ nhân Hà Nội tự tay thiết kế, cùng mâm cỗ trung thu đặc biệt sẽ mang đến cho các em một không khí trung thu thật đầm ấm và vui nhộn.
Đêm hội cũng trao 100 suất quà của quỹ “Trái tim cho em” và tặng thưởng 20 em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong học tập.
"Lễ hội Trung thu 2014" từ ngày 5 đến 8/9 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, số 2 Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Vào cửa tự do.
Nổi bật nhất là triển lãm với chủ đề "Ông Nghè tháng tám" và truyện cổ dân gian "Ngôi đền giữa biển". Ông Tiến sĩ giấy được trưng bày đủ bộ gồm có ba ông, một ông chính ngồi giữa có ghế và lọng, hai ông nhỏ bên cạnh múa gậy để bảo vệ ông ngồi giữa. Truyện cổ “Ngôi đền giữa biển” lại được tổng hợp thành 6 tiểu cảnh lớn: “Sự may mắn”, “Nắm bắt cơ hội”, “Khó khăn và sức khỏe”, “Chia sẻ”, “Tam phủ công đồng”, “Vinh quy bái tổ và lời giải đáp”. Cốt truyện sẽ được in chi tiết bằng khổ lớn đặt trên nền đất.
Bé cũng có thể tham gia các trò chơi dân gian truyền thống, như bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, hướng dẫn nặn tò he… hay thưởng thức chương trình văn hóa nghệ thuật đậm chất Trung thu truyền thống: rước đèn ông sao, múa lân sư rồng, xiếc và ca múa nhạc tổng hợp...
"Vui Tết Trung thu" chiều thứ Bảy ngày 6/9 tại Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM, cơ sở 2, số 2 Nguyễn Đổng Chi, phường Tân Phú, quận 7. Vào cửa tự do.
Không chỉ được hòa mình vào thế giới cổ tích, đến đây, các bé sẽ được tham dự nhiều trò chơi như tô tượng, rước đèn, ảo thuật, đố vui có thưởng, buffet bánh ngọt, được chụp ảnh lưu niệm cùng chú Cuội, chị Hằng và Thỏ Ngọc. 300 bé đầu tiên đến tham dự chương trình sẽ được tặng lồng đèn xinh xắn, đáng yêu.
"Lễ Hội Trung Thu năm 2014" từ 17h-21h ngày 6 và 7/9 tại Nhà Thiếu nhi TP HCM, số 36 Lê Quý Đôn, quận 3.
Đến đây, bé có thể thưởng thức các chương trình biểu diễn tại hai sân khấu “Đêm hội trăng rằm” và "Muôn thú đón trăng" gồm các tiết mục văn nghệ thiếu nhi, hướng dẫn múa dân vũ, biểu diễn múa rối, xiếc, ảo thuật, đóng giả chú Cuội, chị Hằng vui đón trăng cùng các bé.
Bé cũng có thể tham dự sân chơi "Khéo tay" với các nội dung làm bánh phục linh, tô tượng, tranh cát, trang trí lồng đèn, trang trí mặt ông địa. Ngoài ra còn có trò chơi xếp - dán lồng đèn, trò chơi nặn đất làm bánh, làm con vật bé yêu thích (nặn tò he), trò chơi xỏ hạt làm ngôi sao, con chuồn chuồn, trò chơi làm tranh - khung hình... hay lễ hội rước đèn.
Sáng 7/9, Nhà thiếu nhi còn tổ chức chương trình Trung thu dành cho các em cơ nhỡ. Các em sẽ được tham gia các trò chơi vận động, trò chơi dân gian, trò chơi sáng tạo, sau đó xem văn nghệ và ăn trưa.
Kim Kim