Chuyên gia dinh dưỡng, TS-BS Trần Thị Minh Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM liệt kê những sai lầm thường gặp để bạn có thể tránh, giúp sữa công thức luôn hiệu quả và an toàn.
1. Để sữa gần nguồn nhiệt
Sữa công thức được bảo quản tốt nhất trong điều kiện nhiệt độ phòng, dưới 25 độ C. Đặc biệt, sữa phải được giữ ở nơi không có ánh nắng mặt trời rọi trực tiếp vào, xa các nguồn nhiệt như tủ lạnh, bếp gas, bếp lò, máy sưởi… Chất lượng hộp sữa có thể bị biến đổi nếu như bạn vô tình để hộp sữa công thức ở những vị trí bị ánh nắng trực tiếp rọi vào hoặc nơi quá nóng.
2. Để sữa ở nơi ẩm ướt
Độ ẩm có thể khiến sữa bị vón cục khi pha hoặc làm biến đổi chất lượng sữa bên trong. Dù sữa còn nguyên hộp hay đã mở nắp, bạn cũng nên bảo quản hộp sữa ở nơi khô thoáng. Ở những nơi có điều kiện khí hậu ẩm ướt, lưu ý rằng mở nắp hộp sữa một lúc lâu, nhiều lần, liên tục nhiều ngày sẽ khiến bột sữa bị ẩm và gây vón cục.
3. Giữ sữa quá lâu sau khi mở nắp
Sau khi mở nắp, hộp sữa công thức được khuyến nghị nên sử dụng hết trong vòng 30 ngày. Người dùng cần lưu ý sau khi đã mở hộp và bắt đầu sử dụng, điều kiện vô trùng trong hộp sữa không thể “trăm phần trăm” như một hộp sữa còn nguyên. Việc để quá lâu sau khi mở nắp có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng bột sữa bên trong.
Sữa công thức là nguồn dinh dưỡng vô cùng quý giá cho mọi độ tuổi, đặc biệt với trẻ em (ảnh minh họa)
4. Sử dụng muỗng (thìa) bên ngoài để múc bột sữa
Trong mỗi hộp sữa công thức, nhà sản xuất luôn kèm theo một chiếc muỗng (thìa) để lường chính xác lượng bột sữa, giúp người tiêu dùng thuận lợi khi pha sữa theo đúng công thức hướng dẫn. Tuy vậy, rất thường gặp việc người dùng sử dụng muỗng cà phê, muỗng canh bên ngoài thậm chí dùng muỗng ướt để múc bột sữa; điều này không chỉ khiến công thức pha sữa không được chính xác mà còn có thể vô tình đưa vi khuẩn trên những chiếc muỗng bên ngoài vào bột sữa trong hộp.
5. Pha bằng nước quá nóng hoặc quá nguội
Trong sữa công thức có chứa những vi chất dinh dưỡng dễ mất đi ở nhiệt độ cao. Vì thế, khuyến cáo của nhà sản xuất luôn là sử dụng nước ấm để pha, thay vì nước sôi/nước quá nóng. Thêm vào đó, việc dùng nước nguội, nước lạnh để pha sữa cũng không nên vì dễ làm bột sữa vón cục lại chứ không tan được hết.
6. Để sữa lâu hơn 1 tiếng đồng hồ sau khi pha
Nhiệt độ phòng là môi trường giúp vi khuẩn rất dễ sinh sôi nảy nở. Sau khi đã pha và cho bé bú nửa chừng, lượng sữa còn lại nếu để quá lâu (trên 1 giờ đồng hồ) có thể không còn an toàn để sử dụng nữa. Cách tốt nhất là bạn nên lường trước sức uống, sức bú của trẻ để pha lượng sữa vừa đủ dùng hết cho một lần mà không để thừa lại.
7. Pha sữa khác với quy định của nhà sản xuất
Sữa công thức được phát triển trên nền tảng khoa học và kết quả của nhiều nghiên cứu lâm sàng từ các hãng sữa uy tín. Do đó, từng hướng dẫn trên vỏ hộp sữa nên được đọc kỹ và tuân thủ theo. Không nên tự ý pha đặc hơn (lượng sữa nhiều hơn hướng dẫn) hoặc loãng hơn (lượng sữa ít hơn so với hướng dẫn), vì sẽ không đảm bảo hiệu quả như mong muốn.
Đặc biệt, với sữa công thức của trẻ em, mẹ tuyệt đối không nên tự ý pha thêm các thực phẩm hoặc các loại bột khác (bột ngũ cốc, bột cam, bột ca cao…) mà không hỏi ý kiến bác sĩ hoặc bộ phận chăm sóc khách hàng của nhà sản xuất.