Tôi thấy luôn có hai kiểu người, người thì cứ vô tư đẻ, còn người thì lại cân nhắc quá nên sợ đẻ. Cả hai thái cực đều không tốt cho xã hội. Người cân nhắc quá thường là có ăn học, mong muốn con mình phải thật đầy đủ, học hành thành đạt mà khả năng mình khó cho con được điều đó nên ngại đẻ.
Hiện nay đúng là ở thành phố lớn việc nuôi dạy con rất tốn kém nhất là với những người làm công ăn lương nên việc giảm sinh là đương nhiên.
Chăm lo cho một đứa trẻ ở thành phố bây giờ đối với vợ chồng công nhân hoặc công chức chỉ trông hoàn toàn vào lương là điều rất khó khăn. Tôi lấy ví dụ có hai đứa con học trường công, học phí nhẹ chỉ 600 ngàn mỗi tháng, nhưng khoản học thêm và các chi phí phụ phải gấp 10 lần học phí tức chi thêm 6 triệu nữa.
Ngoài ra hai con ăn ở bán trú và ở nhà cũng phải tốn thêm 5-6 triệu đồng, trung bình cũng chi khoảng 10 triệu một tháng cho một đứa con. Nếu lương hai vợ chồng khoảng 16-20 triệu đồng một tháng thì coi như không còn tích lũy.
Học phí đại học cũng khá cao: 30-50 triệu đồng một năm. Sinh viên ra trường xin việc khá khó khăn nên học xong đại học thất nghiệp nhiều, cha mẹ vẫn phải nuôi tiếp, chuyện này không hiếm.
Vẫn biết sinh con là trách nhiệm đối với gia đình và đất nước nhưng thực tế là như vậy nên họ phải cân nhắc không thì cuộc sống sẽ rất khó khăn. Vì vậy tôi cho rằng cần có những chính sách cụ thể, đặc biệt là vấn đề nhà ở các thành phố lớn.
Tuy đã có chính sách về nhà ở xã hội nhưng được xây quá ít. Đã đến lúc cần coi vấn đề này là cấp thiết. Tất nhiên chúng ta nghèo nên còn trăm thứ phải lo nhưng nếu vấn đề dân số gắn liền với nhà ở bị bỏ quên thì chỉ vài chục năm nữa thôi chúng ta sẽ rơi vào tình trạng chưa giàu đã già là chắc chắn vì thiếu trầm trọng nguồn lao động. Mà chúng ta làm sao nhập khẩu lao động được như các nước giàu?