Nuôi con khôn lớn là một hành trình dài và đòi hỏi các bậc bố mẹ phải nỗ lực rất nhiều. Hành trình đó càng khó gấp bội khi đó là những em bé đa văn hóa được sinh ra trong gia đình mà bố mẹ mang hai quốc tịch khác nhau.
Với sự khác biệt về ngoại hình và ngôn ngữ giao tiếp, các con thường được chú ý hơn các bạn, thậm chí có thể trở thành tiêu điểm bàn tán của những người xung quanh. Điều nàycó thể cản trở các con khôn lớn và phát triển một cách bình thường.
Nhiệm vụ đặt ra ở đây là bố mẹ cần trang bị cho con những tư duy đúng đắn và các kỹ năng cần thiết để có thể dễ dàng hòa nhập với môi trường xung quanh, đặc biệt khi các bé bước vào độ tuổi tới trường.
Vậy những tư duy và kỹ năng cần thiết đó là gì? Buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nuôi dạy con trong môi trường đa văn hóa khó hay dễ?" với sự tham gia của 2 khách mời đặc biệt là người mẫu, hot mom Elly Trần và thạc sĩ quản lý Giáo dục Phùng Thị Thuý Hằng, cùng sự dẫn dắt của MC Kim Oanh sẽ giải đáp các thắc mắc xoanh quanh vấn đề này.
Trong chương trình lần này, Elly Trần cho biết, sau đổ vỡ hôn nhân hiện cô đang gồng gánh nuôi con một mình. Vì vậy cũng sẽ gặp một số khó khăn trong việc nuôi dạy con, đặc biệt dạy ngôn ngữ cho các con.
Theo Elly Trần, các con của cô có bố là người nước ngoài, từ nhỏ đã được giao tiếp nhiều thiên về Tiếng Anh, khi đến tuổi đi học các bé được học tại trường quốc tế. Tại đây, tiếng Anh cũng là ngôn ngữ mà các con cô được học chính.
Nếu như bé Cadie có khả năng giao tiếp tốt cả tiếng Việt và tiếng Anh, thì Alfie gặp khó khăn trong việc học và giao tiếp bằng tiếng Việt hàng ngày. Ngay cả khi cô thuê gia sư để điều chỉnh cho con, cậu bé vẫn khó khăn trong việc học một ngôn ngữ mới.
Khi được hỏi về vấn đề làm thế nào để giúp những đứa trẻ lớn lên trong môi trường đa văn hóa học tốt song ngữ, thậm chí là 3 ngoại ngữ, Thạc sĩ Phùng Thị Thuý Hằng cho biết "Thực tế trẻ em được sinh ra từ gia đình đa văn hóa lại có nhiều lợi thế trong việc học ngôn ngữ do các em được tiếp xúc nhiều hơn một ngôn ngữ ở giai đoạn từ sớm. Trẻ có cơ hội để trở thành những trẻ em song ngữ.
Định nghĩa về một đứa trẻ song ngữ ở đây được hiểu là trẻ thành thạo cả 2 ngôn ngữ như tiếng mẹ để. Do đó, nếu phụ huynh có thể bố trí môi trường song ngữ tốt, tạo điều kiện giúp trẻ học tập và phát triển, thì chính là cầu nối để phát triển xã hội trong tương lai.
Hiện nay, nhiều phụ huynh lo lắng về việc cho trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ thứ 2 khi chưa thành thạo tiếng mẹ đẻ, sẽ tăng nguy cơ trẻ mắc chứng rối loạn ngôn ngữ.
Khi nói về vấn đề này, Thạc sĩ Thúy Hằng cho biết thêm, "Nếu đứa trẻ không mắc bệnh lý rối loạn ngôn ngữ thì những biểu hiện của việc sử dụng 2 ngôn ngữ pha trộn là quá trình phát triển bình thường, có thể hiểu là trẻ đang bị tạm thời rối loạn ngôn ngữ, và quá trình này không kéo dài lâu, thường biến mất khi qua khỏi lứa tuổi mẫu giáo.
Đây là quá trình não bộ của trẻ đang xử lý dữ liệu và thích ứng với từng ngôn ngữ. Lúc này từ vựng nào được ghi nhớ mạnh hơn sẽ được não bộ ưu tiên sử dụng để giao tiếp. Lâu dài, khi trẻ đã thành thạo cả 2 ngôn ngữ, não bộ tự thích nghi để linh hoạt điều chỉnh khi giao tiếp với đối tượng nào sẽ dùng ngôn ngữ gì.
Chính nhờ cơ chế này mà các trẻ em song ngữ thường linh hoạt hơn, khả năng tập trung cao hơn và ghi nhớ tốt hơn. Do đó, các bậc phụ huynh không cần quá lo lắng khi thấy trẻ có các biểu hiện rối loạn sử dụng ngôn ngữ như trên."
Ngoài ra, chuyên gia còn khuyên phụ huynh rằng, "Khi tham gia vào một môi trường mới, dù là trẻ em hay người lớn thì chúng ta đều phải vượt qua sự khác biệt. Những đứa trẻ đa văn hóa thường có sự khác biệt về ngoại hình và ngôn ngữ.
Vì vậy, các bậc phụ huynh cần tìm môi trường phù hợp để các con có thể phát triển tốt nhất ví dụ như trường quốc tế có các cộng đồng gia đình đa văn hóa hay các trường liên kết quốc tế. Ở đây, các con sẽ có nhiều cơ hội để hòa nhập hơn."
Để giúp các con hòa nhập môi trường học tập tốt hơn, chuyên gia còn lưu ý rằng, phụ huynh nên lưu ý về giá trị cốt lõi của trường mang đến. Nếu giá trị cốt lõi của trường tập trung vào sự tôn trọng thì xuyên suốt quá trình đào tạo, trường sẽ luôn lấy nó làm tôn chỉ và hệ quy chiếu để dạy các con học cách tôn trọng lẫn nhau.
Từ đó, các con sẽ hiểu khác biệt là một điều vô cùng đặc biệt và tôn trọng những điều khác biệt ấy. Đây là yếu tố giúp các con dễ dàng hòa nhập hơn trong môi trường học tập.