Dẫu thời hiện đại ngày nay, chuyện mẹ ghẻ con chồng hay bố dượng và con riêng của vợ đã có những bước tiến bộ, văn minh hơn. Thế nhưng trong tâm lý là một người mẹ, đã từng đổ vỡ hôn nhân và có con riêng, tôi thật sự rất lo ngại khi bản thân đi thêm bước nữa.
Cuộc hôn nhân của tôi với chồng ngoại quốc xuất phát từ sai lầm ở chính tôi, vì quá tin người mà tôi không biết rằng bản thân mình đã bị anh ta lừa. Anh ta đã có vợ và con ở nước ngoài, thế nhưng vẫn tán tỉnh và đồng ý kết hôn với tôi, thậm chí chúng tôi còn có một cậu con trai chung.
Mãi cho đến khi thằng bé được 1 tuổi, tôi mới phát hiện ra sự thật này. Và đó cũng là lúc chúng tôi xảy ra những cuộc tranh cãi thường xuyên. Anh ta với người vợ ở nước ngoài đã ly thân, và bây giờ họ muốn hàn gắn hôn nhân. Giữa mẹ con tôi và mẹ con kia, anh ta đã lựa chọn họ mà bỏ rơi chúng tôi.
Sau khi trải qua khoảng thời gian kinh khủng đó, tôi dường như đã không còn tin vào tình yêu và hôn nhân, tự nhũ với lòng sẽ đơn thân như thế nuôi dạy con đến cuối đời. Nào ngờ người tính không bằng trời tính, suốt 3 năm một mình sống với con trai, tôi đã gặp được người khiến trái tim bỗng trở nên thổn thức và rung động thêm một lần nữa.
Ảnh minh hoạ.
Anh ấy là người Việt, và dù trai tân nhưng vẫn đón nhận mẹ con tôi rất chân thành. Anh không quan tâm đến quá khứ từng đổ vỡ và có con riêng của tôi, ngược lại cũng vì như thế mà anh ấy càng thấy thương mẹ con tôi nhiều hơn. Sự chỉnh chu, tinh tế và tấm lòng của anh đã khiến tôi cảm thấy được sưởi ấm, an toàn khi ở bên cạnh.
Quen nhau được gần 1 năm tôi mới đồng ý đưa con trai về chung cư của anh chơi và thậm chí còn ở lại qua đêm. Mặc dù thật lòng thích anh nhưng tôi vẫn có chút do dự, không hoàn toàn muốn gắn bó lâu dài vì dè chừng, lo sợ quá khứ lặp lại lần nữa. Thế nhưng đêm hôm đó, khi tình cờ nghe được cuộc trò chuyện giữa anh và con trai, tôi đã hạ quyết tâm nhất định phải gả cho anh bằng được.
Ảnh minh hoạ.
Thậm chí tôi đã bật khóc vì xúc động trước tình cảm mà anh ấy dành cho con trai riêng của mình. Cụ thể cuộc nói chuyện có nội dung như sau:
- Chú ơi! Chú có phải là bố của con không! Con thích chú lắm, con biết mẹ cũng thích chú nữa. Thế nên chú có thể làm bố của con không, chú có thể về nhà con sống chung với mẹ con không ạ! Con buồn lắm, vì các bạn thường trêu rằng con không có bố, nhưng nếu không có bố thì làm sao con được sinh ra đời ạ!
Mỗi lần con hỏi về bố, mẹ đều bảo bố con mất rồi, sau đó mẹ rất buồn và còn khóc nữa. Con cũng muốn có bố như các bạn, con cũng muốn mẹ sẽ không một mình cô đơn, nuôi con vất vả. Vậy nên chú ơi, chú đồng ý làm bố của con được không?
- Ai bảo con không có bố, nếu con và mẹ đồng ý thì chú sẽ trở thành bố của con bất cứ lúc nào con và mẹ muốn. Tuy chú không phải là người bố đã sinh ra con, nhưng chú chắc chắn sẽ yêu thương và che chở cho con và mẹ. Chú sẽ cố gắng trở thành người bố số 1 trong lòng con, con thấy có được không nào!
Đừng buồn cũng đừng lo lắng con trai nhé! Con là đứa trẻ ngoan và hiểu chuyện nhất mà chú từng gặp. Những năm qua mẹ con đã một mình nuôi dạy con khéo léo như thế, bây giờ có chú đây rồi, chú sẽ ở bên cạnh chăm sóc cho 2 mẹ con, chú hứa!
Ảnh minh hoạ.
Giữa hàng tỉ người ngoài kia, thật khó để tôi có thể gặp được anh. Và tôi tin rằng, anh có thể trở thành một người đàn ông, một người bố tốt để tôi và con trai tựa vào. Thế nên bỏ qua mặc cảm về quá khứ, do dự ở hiện tại, lý trí và con tim tôi đều mách bảo, đừng bỏ lỡ tương lai tươi đẹp phía trước, cùng với anh...
Tâm sự từ độc giả bachnhien...@gmail.com
Nhiều nghiên cứu tâm lý đã chứng minh, đứa trẻ lớn lên trong gia đình có bố mẹ ly hôn sẽ chịu nhiều thiệt thòi và con sẽ có những phản ứng khác nhau, tuỳ vào tính cách của mỗi đứa trẻ khi bố mẹ thông báo muốn đi thêm bước nữa.
Trong trường hợp con vui vẻ đồng ý, có mối quan hệ tốt với người sau của mẹ thì không sao. Thế nhưng khi con tỏ thái độ không muốn bố mẹ kết hôn lần hai, phản ứng của bố mẹ lúc này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình sự hiểu biết và hỗ trợ cho con về mặt tinh thần.
Trước tiên, bố mẹ cần dành thời gian lắng nghe chân thành và hiểu sâu sắc những lý do mà con không muốn bố mẹ kết hôn lần 2. Con có thể đang trải qua những lo lắng, sợ hãi, hoặc cảm thấy không thoải mái với điều này. Bố mẹ nên tạo ra một không gian an toàn và không đánh giá, để con có thể chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình một cách tự do.
Sau khi lắng nghe, bố mẹ có thể giải thích một cách rõ ràng và tận tâm lý do vì sao bản thân muốn kết hôn lần 2, và những lợi ích và hạnh phúc mà nó có thể mang lại cho cả gia đình. Bố mẹ nên mở cuộc thảo luận và trao đổi quan điểm, tạo cơ hội cho con hiểu và đưa ra ý kiến của mình. Việc này sẽ giúp con cảm thấy được coi trọng, và biết rằng ý kiến của mình luôn được bố mẹ lắng nghe, cân nhắc.
Trong quá trình này, bố mẹ cần tôn trọng quyền lựa chọn của con. Mặc dù bố mẹ có mong muốn tạo ra một gia đình mới, nhưng việc bố hoặc mẹ đi thêm bước nữa không nên bắt buộc con chấp nhận nếu con không sẵn lòng. Bố mẹ có thể thể hiện tình yêu và sự quan tâm đối với con, thông qua việc tôn trọng quyền lựa chọn của con, và cho con thời gian để tập cách chấp nhận, cũng như dần thoải mái hơn với hoàn cảnh gia đình mới.
Cuối cùng, bố mẹ cần khuyến khích con tham gia vào quá trình xây dựng mối quan hệ mới. Bằng cách tạo cơ hội cho con gặp gỡ và tương tác với người mới trong cuộc sống của bố mẹ, con có thể dần dần hiểu và chấp nhận hơn. Bố mẹ cần biết rằng, quá trình này có thể mất rất nhiều thời gian, và cần được thực hiện theo từng bước nhỏ, đồng thời bố mẹ phải luôn cung cấp sự hỗ trợ và sự an ủi kịp thời cho con trong suốt quá trình điều chỉnh và thích nghi này.