Sau khi đăng tải loạt bài viết về đề tài "Phụ nữ nên đi làm hay nghỉ việc ở nhà chăm con?” đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ không chỉ cộng đồng các bà mẹ bỉm sữa mà cả các anh chồng. Đặc biệt là bài đăng mới đây nhất về kết quả của cuộc khảo sát nhỏ cho thấy hầu hết các ông bố và con đều ủng hộ việc vợ/ mẹ đi làm sau khi hết thời gian nghỉ sinh.
Lý do các ông bố đưa ra là muốn người phụ nữ của mình được giao lưu với mọi người, bạn bè, tránh những stress, áp lực, bực bội nhất có thể mặc dù việc trở lại với công việc khi có con nhỏ là khá khó khăn.
Xem video: Bố và các con thích mẹ đi làm hay ở nhà?
Vậy còn ý kiến của chuyên gia xã hội học về vấn đề này như thế nào?
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trịnh Hòa Bình - nhà Tâm lý học, Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam về vấn đề này.
Phụ nữ nên tận dụng tối đa chính sách cho phép nghỉ ở nhà chăm sóc con rồi sau đó đi làm trở lại. (Ảnh minh họa)
Tôi thấy, phụ nữ nên tận dụng hết chính sách thai sản rất tốt hiện nay của nước ta rồi sau đó đi làm trở lại. Thậm chí, những người chưa bao giờ đi làm cũng nên tận dụng thời cơ đi làm sau khi sinh xong.
Rõ ràng lao động là yếu tố để giúp người ta gắn mình với xã hội, không bị thải loại và phù hợp với thời đại hiện giờ. Vì thế phụ nữ không nhất thiết đi làm ở khu vực công, có thể đi làm khu vực tập thể, tư nhân đều tốt.
Theo ông, suy nghĩ của các ông chồng và con về vấn đề “Phụ nữ nên nghỉ ở nhà chăm con hay đi làm” có khác nhau không?
Suy nghĩ của trẻ nhỏ còn tùy vào độ tuổi và không nhất thiết giống nhau. Những trẻ nhỏ được mẹ chăm sóc đương nhiên rất thích mẹ ở nhà còn những trẻ lớn có hiểu biết sẽ ứng xử khác.
Tuy nhiên, trong nhiều gia đình bố mẹ thường xuyên chuyện trò, than phiền về cuộc sống gia đình cho trẻ nhỏ nghe thấy, cho trẻ làm quen quá sớm với chi tiêu nên trẻ có suy nghĩ thực tế nhiều hơn thay vì chỉ đèn sách vô tư.
Nhiều người phụ nữ chọn đi làm sau thời kỳ thai sản có phải do họ không muốn gắn mác “ăn bám chồng”. Ông thấy sao về những suy nghĩ như vậy?
Một bộ phận phụ nữ, thậm chí là đáng kể muốn đi làm để không mang nhãn “ăn bám” mặc dù công việc gia đình không tên nhưng không thể nói thiếu nhọc nhằn, vất vả. Chưa kể, cuộc sống đó còn thiếu niềm vui nếu những ông chồng không biết chia sẻ.
Bên cạnh mặc cảm “ăn bám”, họ thấy lao động có ý nghĩa hơn lại vừa khẳng định được mình.
Nếu phụ nữ thụt lùi hơn so với xã hội là do họ không để ý thông tin. (Ảnh minh họa)
Nhiều ông bố cho rằng, phụ nữ ở nhà chăm con thụt lùi với xã hội, nhếch nhác lỗi một phần do họ. Còn một ông bố cho rằng “điều gì cũng có cái giá của nó, đổi lại họ được món quà quý giá là con nên phải điều chỉnh hơn một chút”. Vậy ý kiến của ông như thế nào?
Lỗi này là do chính người phụ nữ nhưng đương nhiên trong mối tương tác vợ chồng, người chồng cũng có trách nhiệm để người phụ nữ của mình xảy ra như vậy. Nếu ông chồng không khích lệ, không đòi hỏi người phụ nữ của mình phải mới, thường xuyên làm đẹp, biết chỉnh trang, người vợ sẽ thiếu ý chí, sẵn sàng cả theo.
Nói đi cũng phải nói lại, hiện nay nhiều tấm gương người phụ nữ thành đạt trên bình diễn xã hội lớn được đưa ra tuyên truyền nhưng thực tế chỉ ra rằng rất khó để chu toàn cả 2 gánh, thật khó để ưu trội với xã hội đồng thời tuyệt vời, trọn vẹn phương diện gia đình.
Hầu hết người phụ nữ thành đạt đều tâm sự rằng họ không lo được hậu phương của họ và phải tìm người “điền” vào đó, có thể là thành viên khác trong gia đình hoặc chính người chồng phải san sẻ. Điều quan trọng phải có sự san sẻ vợ chồng mới ổn thỏa, nếu không họ phải trả giá.
Có thể nói, lời giải cho bài toán chu toàn, tuyệt vời tất cả trên thực tế không đạt tới, người ta chỉ cố gắng để ổn thỏa và hài hòa được thôi.