Chị Hoa (TP HCM) ngày nào cũng cho cô con gái 2 tuổi ăn đúng bữa, theo dõi cân nặng và chiều cao. Theo chị, chỉ cần bé ít quấy khóc, không biếng ăn và phát triển đúng tiêu chuẩn về thể chất, thì khi trưởng thành sẽ thông minh.
Khác với chị Hoa, chị Mai (TP HCM) lại coi trọng việc giáo dưỡng cho con từ nhỏ. Hơn một tuổi, chị đã đưa bé đi nhà trẻ để cô bảo mẫu dạy bảo. Chị Mai còn mời cả giáo viên tiếng Anh về dạy ngoại ngữ khi cậu con trai được 3 tuổi, dù con phát âm chưa rõ tiếng Việt. Tuy nhiên, bé chỉ thích tham gia các trò chơi vận động và thường xao nhãng trong mọi giờ học. Để ngăn con quậy phá và tự phát triển trí tuệ, chị Hoa đành bật tivi và cho bé chơi máy tính bảng một mình.
Quan niệm nuôi dạy con của chị Hoa và chị Mai khá phổ biến hiện nay. Nhiều cha mẹ chỉ chú trọng đến việc cung cấp đầy đủ dưỡng chất, mà phó mặc việc giáo dục con cho cô giáo. Một số khác bắt đầu giáo dưỡng cho con ngay từ giai đoạn vàng, song lại chọn những môn năng khiếu theo trào lưu và không tìm hiểu tố chất của con có phù hợp hay không.
Những năm đầu đời là thời điểm vàng để phát triển trí tuệ và thể chất cho trẻ. Ảnh: Shutterstock. |
Bộ não của trẻ phát triển mạnh và hoàn thiện đến 80% khi tròn 2 tuổi. Vì vậy, những năm đầu đời là thời điểm vàng để phát triển trí tuệ và thể chất, tạo nền tảng vững chắc về sau cho bé. Tuy nhiên, việc giáo dưỡng cần phải phù hợp với loại hình trí thông minh mà trẻ sở hữu. Điểm mấu chốt khi giáo dục trẻ 2-6 tuổi là các môn học phải tạo được niềm vui thích, phù hợp với tố chất để bé tiếp cận và tích lũy kiến thức một cách tự nhiên.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Giáo dục Phát triển Tiềm năng Con người (IPD), trong giai đoạn 2-6 tuổi, cha mẹ nên dành nhiều thời gian tiếp xúc với trẻ, nhằm sớm phát hiện và đầu tư trí thông minh cho con. Có nhiều cách để khám phá tư chất của bé như vui chơi cùng con, đặt câu hỏi, quan sát hành động và thói quen hàng ngày… Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể sử dụng các công cụ đánh giá như ứng dụng “Bé thuộc loại thông minh nào”.
"Bé thuộc loại thông minh nào" dựa trên nền tảng thuyết trí thông minh đa diện, giúp cha mẹ nhìn nhận đầy đủ tố chất của con ngay từ nhỏ. Thuyết được phổ biến tại 128 quốc gia. Ở Việt Nam, Phó giáo sư Kỳ Anh và Viện IPD đang nghiên cứu để phổ biến thuyết tới đông đảo phụ huynh. Theo đó, trẻ sinh ra có thể sở hữu một hoặc nhiều loại hình trí thông minh khác nhau. Đó là trí thông minh ngôn ngữ, logic toán học, không gian - thị giác, âm nhạc - nhịp điệu - tiết tấu, vận động cơ thể, tương tác xã hội, nhận thức bản thân và trí thông minh tự nhiên.
Thông qua 40 câu hỏi về thói quen và hành vi thường ngày của bé, ứng dụng sẽ đưa ra kết quả về loại hình trí thông minh phù hợp. Tương ứng với mỗi kết quả, ứng dụng còn cung cấp những lời khuyên bổ ích cho cha mẹ, trong việc nuôi dạy con phát triển toàn diện.
An San