Sau một thời gian nắng nóng kéo dài, nước ta đang bước vào mùa mưa. Khí hậu ẩm thấp tạo điều kiện cho siêu vi, vi khuẩn, nấm... phát triển. Hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên rất dễ mắc bệnh. Sự thay đổi khí hậu làm gia tăng các bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt là viêm mũi dị ứng, hen suyễn. Trẻ thường có các triệu chứng như ho, sổ mũi trong hoặc đục, ngứa mũi, hắt hơi, khò khè, sốt, nặng hơn trẻ có thể có biểu hiện tím tái, khó thở... Tỉ lệ trẻ mắc bệnh tay chân miệng, thủy đậu cũng bắt đầu tăng, trẻ thường có các biểu hiện sốt nhẹ hoặc cao, nổi hồng ban bóng nước, ăn uống kém...
Ngoài ra, khí hậu ẩm ướt tạo điều kiện cho muỗi sinh sản nhiều, từ đó làm gia tăng các bệnh lý do muỗi truyền, đặc biệt là sốt xuất huyết. Trẻ thường có biểu hiện sốt cao 2 - 7 ngày, nổi chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, máu chân răng, nôn ói, đau bụng, nặng hơn trẻ có thể bị sốc, xuất huyết tiêu hóa, tiết niệu...
Do đó, bậc phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để hạn chế tối đa sự mắc bệnh cho trẻ :
- Tránh cho trẻ bị ướt mưa, giữ ấm cho trẻ, nhưng không được quấn trẻ quá nhiều làm trẻ khó chịu, tăng thân nhiệt.
- Cung cấp cho trẻ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý. Khuyến khích trẻ lớn năng tập thể dục.
Tập cho trẻ có thói quen rửa tay trước khi ăn. |
- Rửa tay giúp phòng ngừa được nhiều bệnh lây qua đường phân miệng. Phụ huynh cần phải rửa tay kĩ cũng như tập cho trẻ thói quen rửa tay với xà phòng trước khi ăn, chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh...
- Giữ nhà ở luôn khô ráo, thoáng mát. Dọn dẹp bụi rậm, ao tù nước đọng, nuôi cá bảy màu diệt lăng quăng... Cho trẻ ngủ mùng kể cả ban ngày.
- Khi trẻ có các biểu hiện bất thường như ho, khò khè, sốt, nôn ói, chảy máu mũi, bú kém..., phụ huynh nên đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo BS.Huỳnh Thị Diễm Kiều - Khoa Hồi sức, BV Nhi đồng 2
Có thể bạn quan tâm: