Gần 50 tuổi tôi mới có cháu, mà thậm chí còn có liền tay 2 thằng cháu cách nhau 1 tuổi. Con dâu tôi không phải “dâu thường”, con bé là người Mỹ, quen con trai tôi cách đây 5 năm. Mới đầu, khi biết con trai yêu người ngoại quốc, tôi và chồng phản đối kịch liệt vì cho rằng dâu Tây sẽ không thể phù hợp với văn hóa Việt. Tôi cũng lo con bé sẽ nuôi dạy cháu tôi “không ra gì” bởi nghe mấy bà hàng xóm nói phụ nữ phương Tây rất phóng khoáng, yêu bản thân mà lại không thích chăm con. Vậy nhưng từ khi đón Caroline về làm dâu, tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Phải nói thật lòng rằng, càng ngày, tôi càng ‘ưng’ cách Caroline nuôi dạy con cái. Tôi có 2 thằng cháu, Alex và Ben sàn sàn tuổi nhau. Nhiều người nghĩ rằng nhà có 2 đứa trẻ thì chắc chắn sẽ khiến người lớn “đau đầu” vì những trận tranh giành, chành chọe, cãi nhau. Vậy nhưng trong ngôi nhà của tôi, “hiện tượng” đó chưa bao giờ xảy ra. Tất cả là nhờ một tay cô “dâu Tây” nhà tôi giáo dục. Để ý cách dạy con của Caroline, tôi nhận thấy con bé có rất nhiều quan điểm cực khác so với không chỉ thế hệ những ông bà già chúng tôi mà có khi những cô con dâu Việt cũng nên học tập. Trong số đó, điều khiến tôi ấn tượng nhất đó là Caroline không ép buộc các con phải đưa đồ chơi của bọn trẻ cho người khác.
Tôi "quá ưng" cách con dâu dạy con (ảnh minh họa)
Tôi thường thấy những bà mẹ ép buộc, năn nỉ, dọa dẫm, dụ dỗ, ngọt nhạt với con mình để bé đưa đồ chơi cho bạn hoặc trong nhiều trường hợp, vì muốn giữ lịch sự với bố mẹ của đứa bé kia, không hiếm phụ huynh cố tình giật đồ chơi của con để đưa cho bạn. Chúng ta nghĩ cách này sẽ dạy con biết chia sẻ với bạn bè. Tôi cũng “tưởng” thế. Vậy nhưng con dâu tôi cho là không phải. Tôi nhớ mình đã từng rất “choáng” khi một đứa trẻ nhà hàng xóm đòi món đồ chơi của Alex. Con dâu tôi hỏi con có muốn cho bạn chơi không. Alex bảo không và thể là Caroline cũng…thôi luôn. Không cố gắng, không kì kèo, không ép buộc con.
Tôi từng nghĩ con bé chiều con, chưa biết cách cư xử với hàng xóm. Thế nhưng chuyện tranh giành đồ chơi giữa Alex và Ben cũng vậy. Alex và Ben mỗi đứa có một loại đồ chơi bọn trẻ thích. Thế nhưng không phải vì thằng anh đang chơi, thằng em đòi đồ chơi của anh mà Caroline sẽ bắt Alex phải đưa cho Ben. Caroline nói với tôi: “Nếu sếp bước vào phòng làm việc và bảo con phải đứng dậy để nhường máy tính và chỗ ngồi cho một đồng nghiệp khác. Việc này đương nhiên khiến con không thoải mái, cũng không có cảm giác muốn chia sẻ. Trẻ con cũng vậy. Một đứa trẻ cũng có quyền quyết định những việc liên quan đến nó và quyết định đó phải được tôn trọng. Người mẹ có thể dạy cho con hiểu về ý nghĩa của việc chia sẻ, nhưng không được ép buộc nó. Như thế sẽ phản tác dụng”. Và tôi thấy, như vậy có vẻ cũng…hợp lý.
Một qui tắc khác của Caroline bây giờ cũng được gia đình tôi và cả bà mẹ chồng tôi đây áp dụng triệt để, đó là không bao giờ giật đồ chơi ra khỏi tay con. Trừ vì lý do an toàn của trẻ, Caroline không bao giờ dùng đến bạo lực để tước đi đồ chơi của Alex và Ben. Con bé nói với tôi rằng, một đứa trẻ có khả năng bắt chước mạnh mẽ hơn rất nhiều so với những gì ta tưởng tượng. Nếu chúng ta giật đồ chơi của con bằng bàn tay mình, thì cũng nên nghĩ tới viễn cảnh sau này, con sẽ dùng bạo lực để giật đi một cái gì đó trong tay người khác.
“Vậy làm thế nào cho hai đứa trẻ không cãi nhau về chuyện đồ chơi”, tôi đã từng bực bội nghĩ thầm câu hỏi đó trong đầu khi thấy dâu Tây có những cách dạy con lạ đời. Vậy nhưng càng quan sát cách Caroline xử trí, tôi bắt đầu nhận ra cách giải quyết của con bé. Khi Alex và Ben tranh giành đồ chơi và chạy đi mách mẹ. Caroline luôn khuyến khích hai đứa trẻ tự giải quyết vấn đề. Đôi khi, con dâu tôi cũng gợi ý một vài cách để giải quyết xung đột nhưng cố gắng không can thiệp càng nhiều càng tốt bởi nếu mẹ tỏ ra thiên vị một ai hơn thì đứa trẻ con lại sẽ cảm thấy bất bình.
Tôi cũng đã có lần gợi ý Caroline nếu mua đồ chơi gì thì mua luôn 2 cái để Alex và Ben đỡ phải tranh giành. Vậy nhưng con dâu tôi không đồng ý. Con bé mua rất ít đồ chơi cho con, nếu có mua cũng không bao giờ phải mua một cặp. Ben và Alex luôn rất tự giác biết được rằng nếu hai đứa càng tranh giành, món đồ chơi sẽ càng nhanh hỏng và rất có thể sẽ chẳng có món đồ chơi nào hết nếu hai đứa cãi nhau. Tính tự giác chia sẻ đồ chơi và phân chia thời gian chơi của Alex và Ben cũng từ đó mà thành.
Có thể chúng ta quen ép con phải đưa đồ chơi cho bạn, giật đồ chơi trên tay con, buộc con phải chia sẻ đồ với em và bấy lâu nay, ta vẫn cho rằng như vậy mới là đúng, là cách dạy con không ích kỷ, biết sẻ chia. Vậy nhưng Caroline đã cho tôi thấy một phương pháp nuôi dạy mới, cực kỳ khoa học, công bằng và rất tôn trọng cá nhân. Cách giáo dục con của dâu Tây nhà tôi, quả là “càng ngắm càng ưng”.
Theo tâm sự của bác Nguyễn Tuyết Lan (Hoàn Kiếm, Hà Nội)