4 năm sau cái chết đột ngột của bố, chị Lê Kim Chi - con gái cố nghệ sĩ Hồng Sơn vẫn không thôi day dứt và ân hận vì đã không thực hiện được những tâm nguyện của bố trước khi ông từ giã cõi đời. Mới đây, trên trang cá nhân của mình, chị Kim Chi đã viết một tâm thư rất xúc động, kể về những ngày tháng cuối cùng của bố trước khi từ biệt cuộc đời để trở về với thế giới bên kia.
Tâm sự đầy day dứt của con gái cố nghệ sĩ Hồng Sơn 4 năm sau cái chết của cha mình
Tự nhận mình là "một đứa con chẳng ra gì", trong đoạn tâm sự rất dài của mình, chị Kim Chi chậm rãi kể lại:
"Hình ảnh về bố vào ngày mà tôi nghe tin bố bị tai biến một mình ở nhà thuê chưa bao giờ thôi dằn vặt tôi. Hôm đó vợ chồng tôi đang đưa con trai đi tiêm tại bệnh viện Saint Paul do cháu bị viêm phổi. Điện thoại reo và chú họ tôi (lúc ấy ở ngay cạnh nhà bố tôi thuê) báo tin bố tôi bị ốm, hình như trúng gió. Vợ chồng tôi vôị vàng gửi con về cửa hàng nhờ nhân viên trông rồi vội đèo nhau sang nhà bố. Bố tôi ngồi đó mặc một chiếc quần đùi quấn chăn quanh người, trạng thái lơ mơ. Sau này tôi mới hiểu lúc đó 1 nửa não của bố đã gần như tê liệt.
Tôi vừa gọi vừa lay, bố nghe thấy còn nói Chi à! Rồi sau đó mắt lại lơ mơ, lúc tỉnh lúc lim dim. Tôi gọi taxi rồi đưa bố vào Bạch Mai. Trên xe tôi liên tục gọi bố, nhưng trạng thái ngày càng lơ mơ, tôi gọi to thì bố lại bừng tỉnh rồi lơ mơ tiếp. Khi vào phòng cấp cứu, chờ kết quả khám, chụp chiếu…. Tôi chưa hình dung chuyện gì đang xảy ra. Lúc này tôi cố nói chuyện với bố để bố tỉnh táo, nhưng giọng tôi thì cứ hụt hơi suốt.
Cố nghệ sĩ Hồng Sơn những ngày cuối đời tại Bệnh viện Bạch Mai
Tôi còn nhớ khi ấy bố cứ kêu đói, bố thèm ăn bánh mỳ với sữa đặc. Có lẽ trong tiềm thức còn lại, trong phần não sống còn lại của bố lúc ấy nhớ đến một món đơn giản từ ấu thơ. Bác sĩ nói tôi chỉ nên cho ông uống sữa bột pha ấm, hoặc ăn 1 ít cháo, tốt nhất là nên uống sữa. Khi ấy tôi đã dỗ dành bố rằng không ăn được bánh mỳ, chỉ uống sữa ấm thôi. Cứ lúc tỉnh bố lại hỏi tôi có mua bánh mỳ chưa.
Cho đến bây giờ hàng ngàn lần nghĩ đến phút giây này tôi lại khóc nghẹn. Vì sao tôi lại từ chối ước nguyện về bữa ăn cuối cùng của bố ?? Chỉ vài mẩu bánh mỳ với sữa thôi sao tôi lại từ chối bố? Làm gì có cái nên và không nên vào lúc mà biết người thân yêu chắc chắn sẽ ra đi? Chả có lý do gì để đổ lỗi ngoài chính bản thân tôi. Bởi vì tôi đã quen từ chối bố, quen đối xử hà khắc với ông. Như một phản xạ tự nhiên sau chặng đường dài vấp váp nhiều sóng gió của bố, tôi thường chọn cách nghiêm khắc và không chiều theo những thói quen cũ của ông.
Và tôi đã làm gì vào phút cuối khi bố tôi còn một phần tỉnh táo trước khi chìm vào hôn mê sâu rồi ra đi.
Tối đó khi tỉnh bố tôi liên tục xin 1 điếu thuốc lá, tôi cũng đã từ chối, vì trong phòng cấp cứu không cho hút thuốc, có nhiều bệnh nhân thở bình oxy không thể để bố hút vì gây nguy hiểm cho người khác. Tôi cứ từ chối, phân tích này nọ và nói “Bố cố lên”.
Tại sao có một câu đơn giản vào lúc đó mà tôi không nói, chỉ một câu đơn giản thôi: Con yêu bố! Bố hãy nhắm mắt lại và mơ tới những nơi tươi đẹp mà bố muốn đến ” Tôi đã không nói vào những phút ngắn ngủi còn lại trong cuộc đời ông. Những phút ít ỏi còn lại, khi một phần nhỏ trong bộ não vẫn còn hoạt động, khi lơ mơ mỗi lần nghe thấy giọng tôi “con, Chi đây!” Bố lại mở choàng mắt ra nói “Chi à” rồi lại khép hờ lại. và rồi cứ thế bố tôi chìm dần.
Trong hơn 3 ngày nằm hôn mê , đôi mắt bố nhắm nghiền, mọi thứ đều bất động, chỉ có máy thở là chạy. Có những lúc tôi ở bên cạnh nắm chặt tay bố, ngây thơ hi vọng mình có thể truyền cho bố sức mạnh để vượt qua. Bác sĩ nói bố tôi sẽ khó qua khỏi, trừ khi có điều kỳ diệu nào đó, nếu có qua khỏi thì cũng chịu di chứng nặng nề, liệt và sống thực vật. Bác sĩ còn an ủi tôi: nếu bố thương em bố sẽ ra đi nhẹ nhàng để không làm người thân yêu phải khổ. Thế nhưng tôi vẫn nắm chặt tay bố và tin vào điều kỳ diệu.
Đến ngày cuối cùng, trước phút bố ra đi, tôi bắt đầu không kiềm chế nổi, không kìm giữ được sự yếu đuối của mình, tôi òa khóc. Tôi nắm chặt tay bố không muốn rời, khi ấy tôi thấy khóe mắt bố tôi chảy ra một giọt nước mắt, nó trào ra khỏi khe mắt nhắm nghiền và lăn xuống thái dương của bố.
Cố nghệ sĩ Hồng Sơn ngồi xe lăn vẫn tươi cười trong ngày cưới con gái.
Rồi bố ra đi.Tôi đã khóc như điên, mọi thứ trong tôi vỡ òa và lúc đó tôi mới nhận ra sự đau đớn, mất mát trong mình. Tôi đã ích kỷ khóc cho thỏa cơn đau khi mà lẽ ra tôi không được khóc để bố được ra đi thanh thản, để vong linh được nghe tiếng kinh mà hồi hướng siêu thoát.
Tôi đã làm những gì, từ đầu đến cuối thời khắc này đều là sai. Để đến giờ sau ngày bố ra đi đã gần 4 năm trời, tôi vẫn luôn hối hận. Nuối tiếc nhiều điều mình đã không nói, không làm vào lúc ấy. Giọt nước mắt cuối cùng của bố khi ra đi, giọt nước mắt ấy dành cho tôi và để cho tôi một nỗi đau không bao giờ kết thúc. Để đến giờ khi hình ảnh cũ bất chợt hiển hiện thì nỗi đau lại vẫn mới nguyên.
Tôi cần phải viết ra để mong được tha thứ, sự tha thứ từ chình bản thân mình. Cố gắng để được nhẹ lòng. Cố gắng gột rửa đau thương, để bố tôi được thanh thản nơi ấy!"
Rất nhiều cư dân mạng đã phải rơi lệ và bày tỏ sự đồng cảm và tiếc nuối, xót xa cho câu chuyện của con gái cố nghệ sĩ Hồng Sơn.
Diễn viên Hồng Sơn tên thật là Lê Hồng Sơn sinh ngày 18/6/1957 trong một gia đình có 5 anh em. Ông đã từng làm việc cho Đoàn kịch Hà Nội (bây giờ là Nhà hát kịch Hà Nội) và được biết đến với bộ phim nổi tiếng Tôi và chúng ta (biên kịch Lưu Quang Vũ). Bên cạnh đó, Hồng Sơn cũng tham gia khá nhiều vai diễn trên truyền hình với các bộ phim: Người đàn bà nghịch cát, Cây bạch đàn vô danh, Người Hà Nội và gần đây là Ma làng, Chủ tịch tỉnh...