Rất nhiều bậc phụ huynh có thói quen tung hứng trẻ lên cao để dỗ dành hoặc vui đùa với trẻ. Đây cũng là trò chơi mà rất nhiều trẻ thích thú và cười khanh khách khi được "bay lên cao". Tuy nhiên, thói quen này mang đến nhiều nguy hiểm cho trẻ, thậm chí là tử vong.
Các trường hợp trẻ tử vong vì chơi trò tung hứng
Tháng 6 năm 2013, một người cha ở Ninh Ba, Trung Quốc đã bị kết án một năm rưỡi vì tội ngộ sát con gái của mình. Một buổi sáng, vào cuối năm 2012, sau khi thay tã cho cô con gái hai tháng tuổi của mình trong ngôi nhà tạm tại quận Ngân Châu, anh Lưu chơi với con gái của mình bằng cách tung bé lên không khí và bắt bé. Tuy nhiên, đến lần ném thứ ba, cô bé rơi trực tiếp xuống sàn xi măng do ông bố không kịp đỡ. Anh Lưu hoảng loạn bế con lên thì thấy một khối u lớn sau gáy và to lên nhanh chóng, chảy máu mũi nặng. Hai vợ chồng vội đưa con vào bệnh viện nhưng tiếc rằng em đã qua đời từ trước đó.
Tháng 7 vừa qua, một người mẹ ở Trung Quốc như thường lệ lại chơi trò tung hứng với con vào buổi trưa. Hai mẹ con vui vẻ chơi trò tung hứng được một lúc thì người mẹ bắt đầu thấy mỏi tay và muốn ngừng lại, nhưng cậu con trai không chịu. Vì vậy, người mẹ lại cố chơi tiếp thêm vài lần nhưng đến lúc này, cánh tay đã mỏi, bà mẹ không thể đỡ được con, khiến cậu bé rơi thẳng xuống nền đất. Thấy con trai nằm bất động trên sàn nhà, người mẹ hốt hoảng cùng chồng đưa con đến bệnh viện. Thế nhưng khi được đưa vào phòng cấp cứu, cậu bé đã tắt thở từ lâu.
Không chỉ tử vong do bị rơi xuống nền đất, trẻ rất dễ bị chấn thương não hoặc tử vong do gặp phải Hội chứng trẻ bị rung lắc (còn gọi là Shaken baby syndrome). Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) từng tiếp nhận bệnh nhi N.T.T. (2 tuổi, Gia Lâm - Hà Nội) được đưa vào bệnh viện cấp cứu với dấu hiệu suy hô hấp, lơ mơ, chân tay yếu. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện một ổ nang dịch ở khoang dưới nhện của bán cầu đại não. Theo lời kể của mẹ cháu bé, trong lúc chơi đùa với con, bố cháu cho con chơi trò 'máy bay' nhằm chọc bé cười nhưng đến tối thì thấy bé bắt đầu co giật. Gia đình cho điều trị tại nhà nhưng tình trạng không thuyên giảm mới đưa nhập viện.
Các chấn thương thường gặp ở trẻ khi bị tung hứng quá mạnh
Chấn thương đốt sống cổ
Trước 4 tuổi, phần cổ của bé khá mềm yếu và dễ tổn thương. Bất kì di chuyển mạnh nào trong giai đoạn này cũng khiến trẻ bị tổn thương, và những tổn thương này cực kì nghiêm trọng với tính mạng của trẻ. Sau 6 tuổi, phần cổ của bé đã phát triển hơn và có thể nâng đỡ phần đầu của mình. Tuy nhiên, các rung lắc mạnh như đưa võng hoặc tung hứng vẫn có thể gây ra tổn thương, gãy gập cổ.
Ngã
Khi ném bé cao trong không khí, bé rời khỏi tầm tay của bạn. Bạn có thể không bắt kịp khiến bé rơi thẳng xuống đất. Các chấn thương liên quan có thể xảy ra như gãy xương, chấn thương sọ não, tụ máu ngoài màng cứng,...Tùy vào độ cao và bề mặt đất, các chấn thương có thể nặng hơn.
Hội chứng trẻ bị rung lắc
Các hoạt động như tung trẻ trong không khí, đưa võng quá mạnh hay đu trẻ lên xuống trên chân của mình,...khiến trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh từ 0 đến 6 tháng tuổi dễ mắc hội chứng trẻ bị rung lắc. Nguyên nhân do não của trẻ lúc này còn khá mềm, mỏng, còn nhiều khoảng trống chưa phát triển hế. Khi bị người lớn rung lắc, xương sọ mềm không chịu được những lực mạnh này khiến não di chuyển, gây ra các va đập trong xương sọ, làm dập não, phù và chảy máu trong.
Các tổn thương của trẻ có thể thường gặp như chỉ quấy khóc, bỏ bú, da tím tái, ngủ lịm nên nhiều phụ huynh không để ý. Đến lúc trẻ khó thở, co giật, cổ bị sưng phù, khó quay cổ mới vội vàng đưa con đi cấp cứu. Thậm chí, nhiều trường hợp tổn thương não chỉ được phát hiện khi trẻ đã lớn như chậm phát triển, động kinh, rối loạn chức năng nghe, nói, giảm thị lực…