Trẻ sơ sinh đáng yêu như những thiên thần và mong manh chẳng khác nào thủy tinh. Mỗi bà mẹ đều khắc khoải chờ đợi 9 tháng 10 ngày để được gặp con và sau đó lại thêm biết bao ngỡ ngàng vì các bé. Thế giới của trẻ sơ sinh luôn là điều gây tò mò cho không chỉ các ông bố bà mẹ mà còn cho cả các nhà khoa học. Có nhiều thông tin thú vị về trẻ sơ sinh có thể khiến mẹ “há hốc” vì ngạc nhiên.
Trẻ sơ sinh cũng biết nằm mơ
Chắc các bà mẹ sẽ không dưới một lần băn khoăn với câu hỏi Trẻ sơ sinh có nằm mơ? khi ngắm nhìn con yêu say ngủ. Sự thật là chúng ta không thể hoàn toàn biết chắc câu trả lời. Việc nghiên cứu giấc mơ luôn là một bộ môn khoa học thần bí được thực hiện dựa trên những người tình nguyện tham gia. Họ sẽ kể về giấc mơ của mình, khi nào, ở đâu và như thế nào. Điều này thực sự là bất khả thi đối với trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, giấc mơ của người trưởng thành xảy ra trong giấc ngủ REM (Rapid eye movement – một khái niệm chỉ giai đoạn mắt cử động nhanh trong giấc ngủ) và 50% giấc ngủ của trẻ sơ sinh là ở giai đoạn REM. Vì vậy, việc trẻ sơ sinh nằm mơ và sử dụng phần lớn thời gian để ngủ nhằm phát triển não bộ thông qua những giấc mơ là rất có khả năng. Tất nhiên, chúng đã mơ những gì, cảnh vật trong những giấc mơ đấy ra sao thì không ai có thể biết được. Duy nhất một điều các bố mẹ có thể yên tâm, đó là trẻ khó có khả năng gặp ác mộng, khi mà chúng chưa hình thành được nỗi sợ trong não bộ. Chỉ đến khi 2 - 3 tuổi, trẻ mới bắt đầu biết nhận thức về nỗi sợ hãi mà thôi.
Mắt con tôi hình như bị…lác?
Giống như tất cả các cơ trong cơ thể, trẻ sơ sinh chưa có khả năng hoàn toàn kiểm soát cơ mắt của mình. Sẽ có lúc mẹ thấy bé nhìn thẳng vào mẹ. Lại có lúc, hai mắt của bé như đi theo hai hướng khác nhau. Đó là điều hoàn toàn bình thường. Phải mất 4 tháng, hai mắt của bé mới hoàn toàn có thể hoạt động nhất quán.
Màu sắc cơ thể bé thay đổi
Khi mới chào đời, vài phút đầu, cơ thể ‘thiên thần’ có màu xanh. Sau đó, màu sắc cơ thể của bé chuyển từ xanh sang hồng hào nhưng bàn tay và chân của bé lại ‘biến màu’ lâu hơn, điều này được lý giải là bởi các mạch máu đi đến bàn tay và chân rất nhỏ và phải mất thời gian nhiều hơn cho sự lưu thông máu khắp cơ thể.
Sau khi sinh một vài tiếng, bàn tay và bàn chân bé thường vẫn còn tím (ảnh minh họa)
Vì sao mấy ngày đầu bé bị sụt cân?
Chẳng có gì bất thường khi bé chào đời có cân nặng 3.5kg nhưng đôi ba ngày sau đó lại sụt xuống chỉ còn 3.3kg? Giảm cân là ‘bệnh’ phổ biến trong 5 ngày đầu tiên của nhóc sơ sinh, bởi giai đoạn này những chất lỏng dư thừa trong cơ thể bé được tống đẩy ra ngoài. Bé giảm số cân không nhiều hơn 10% trọng lượng sơ sinh của mình.
Hãy yên tâm và lạc quan tin rằng, bé sẽ nhanh chóng hồi cân sau 1-2 tuần. Lưu ý: Nếu bạn thấy bé liên tục giảm cân, nên đưa bé tới bệnh viện để kiểm tra dinh dưỡng càng sớm càng tốt.
Trẻ sơ sinh biết mình tên gì
Đây hẳn là câu hỏi mà rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Trên thực tế, khi đến giai đoạn từ 5 - 6 tháng tuổi, trẻ sẽ bắt đầu có phản ứng rõ ràng với tên gọi của mình. Những dấu hiệu phản xạ sớm trước đó (khi trẻ đạt 2 - 3 tháng tuổi) như quay đầu, hướng mắt theo khi bạn gọi tên con thực ra không phải là con đã biết tên của mình. Trẻ sơ sinh thời điểm đấy thường sẽ phản ứng với khuôn mặt và âm thanh trong lời nói bạn phát ra hơn là ý nghĩa của chúng. Đến 6 tháng tuổi, trẻ mới có khả năng phân biệt rõ ràng các âm trong giọng nói của bạn mặc dù vẫn chưa hoàn toàn hiểu chúng có nghĩa là gì.
Con có phân biệt được màu sắc?
Trẻ bắt đầu phát triển khả năng nhìn thấy màu sắc rất nhanh chóng. Một tuần sau khi sinh, bé có thể phân biệt màu đỏ, cam, vàng và xanh lá cây. Nhưng phải mất thêm một chút thời gian hơn để trẻ có thể nhìn thấy màu xanh và tím. Điều này là do ánh sáng màu xanh có bước sóng ngắn hơn, và các thụ thể màu ít tồn tại trong mắt người đối với ánh sáng màu xanh.
Dấu hiệu nào chứng tỏ trẻ sơ sinh thông minh?
Theo một khảo sat, khi cho các bé từ 9-12 tháng tuổi nhìn ngắm các đồ vật trong một khoảng thời gian nhất định. Những đứa trẻ thông minh sẽ dễ dàng nhìn xong và quay mặt bỏ đi sang những thứ khác hơn các bé bình thường. Và khi được đưa lựa chọn giữa một món đồ chơi quen thuộc và đồ mới, chúng sẽ có xu hướng cầm đồ chơi lạ. Thông tin thú vị đúc kết được từ khảo sát này đó là: những đứa trẻ thông minh thường luôn cần những thông tin mới để tiếp nhận và nhanh chán những thông tin cũ được lặp lại ngày qua ngày.
Ngoài ra, nếu một đứa trẻ có một trong các dấu hiệu sau cũng chứng tỏ bé có khả năng sẽ thông minh sau này
1. Cực kì hoạt bát nhanh nhẹn, luôn luôn ngó nghiêng mọi thứ xung quanh.
2. Thời gian ngủ ít hơn bình thường.
3. Khi thức thường rất hiếu động và gần như liên tục cần kích thích.
4. Có thể bắt chước các âm thanh sớm hơn các em bé khác.
5. Có xu hướng đặc biệt nhạy cảm với âm thanh, mùi vị, hình khối và thường khóc rất to khi gặp khó chịu như: nghe thấy nhạc không thích, ngửi mùi lạ..v.v
6. Có thể chậm nói nhưng khi nói sẽ nói luôn được rành mạch một câu dài.
7. Thích chơi đồ chơi từ sớm và cũng mau thích nghịch phá chúng.
8. Trẻ từ 9-24 tháng tuổi đã tỏ ra rất thích thú với các chữ cái và con số.