Tôi và chồng cũ từng là đồng nghiệp của nhau, anh hơn tôi 3 tuổi, cùng quê hương lên thành phố lập nghiệp. Chính vì những sự đồng điệu đó, chúng tôi bỗng nảy sinh tình cảm, trở thành người yêu của nhau. Và trong một lần dự tiệc của công ty, anh bỗng cầu hôn tôi trước sự ngưỡng mộ của bao người. Những tình cảm và điều lãng mạn anh dành cho tôi thời ấy khiến cho tôi có cảm giác tôi là người hạnh phúc nhất trên thế gian này.
Thế nhưng chuyện hôn nhân của chúng tôi ngay từ đầu đã gặp rào cản từ bố mẹ vì bố mẹ tôi chê anh là người đàn ông nghèo, không có sự nghiệp và tài sản nên khó có thể nuôi được vợ con. Bởi vậy trong suốt vài năm đầu sau hôn nhân, dù đã có con nhưng chúng tôi vẫn trục trặc mỗi lần nhắc đến tiền bạc hay chuyện gia đình nhà vợ.
Ảnh minh họa
Biến cố bắt đầu ập đến khi mọi thứ tưởng chừng như viên mãn. Chúng tôi có cô con gái 5 tuổi sau 7 năm kết hôn, đã có nhà riêng và mọi thứ hạnh phúc thì tôi bất ngờ phát hiện anh "dan díu mập mờ" với cô nhân viên ở quán ăn do chồng tôi quản lý. Mặc cho anh níu kéo đó là cảm xúc nhất thời tôi vẫn nhất quyết ly hôn vì cho rằng lời mẹ tôi nhận xét về anh quả không sai:
- Đàn ông nghèo thường hèn và dễ bị cám dỗ. Do đó không thể tin tưởng được dù là bất kì chuyện gì.
Sau ly hôn, nhà và con gái thuộc về tôi còn cửa hàng là của anh ý. Thế nhưng anh cũng không đến với cô nhân viên đó mà một mực muốn quay lại với tôi.
- Anh xin lỗi vì đã phụ lòng em, anh nhận ra em và con chính là gia đình duy nhất của anh và chỉ muốn sống cùng em và con. Anh đã quá ngu ngốc.
Chồng cũ liên tục xin lỗi và cầu xin tôi tái hôn. Anh thể hiện mọi thiện chí của mình, thậm chí đều đặn trong suốt 2 năm sau ly hôn, ngày nào anh cũng ghé nhà chơi đến tối muộn, khi con gái đã ngủ say thì mới đi về. Tôi cho rằng đó là cái cớ của anh, lấy con ra để gần tôi nên tôi luôn phớt lờ.
Hơn nữa, khi tôi hỏi con gái về chuyện ly hôn của bố mẹ, đứa trẻ luôn tỏ ý đồng tình với mẹ. Đứa trẻ không có biểu hiện gì thay đổi sau khi gia đình tan vỡ, vẫn vui vẻ, hoạt bát và yêu đời như trước. Bởi vậy tôi càng có động lực dứt khoát với chồng cũ, không bao giờ cho anh cơ hội.
Vậy mà, vào một đêm nọ, con gái tôi đột nhiên sốt 40 độ lúc 2h sáng. Tôi tức tốc lái xe đưa con đến bệnh viện và ở đó cả đêm. Trong cơn mê man vì sốt, con gái đã nói với mẹ "Mẹ ơi, chúng ta hãy ở cùng nhau như một gia đình của trước kia nhé".
Ảnh minh họa
Tim tôi lúc đó đã đập loạn nhịp lên, mồ hôi toát ra hòa lẫn vào nước mắt vì tôi chợt hiểu ra ngụ ý của con gái. Có phải trong lúc yếu mềm nhất, con mới dám bày tỏ nguyện vọng của mình.
Trở về nhà sau khi đã khỏi bệnh, tôi ngồi trò chuyện với con gái:
- Con hãy nói thật cho mẹ biết những cảm xúc trong lòng của con, mong muốn và suy nghĩ của con lâu nay vẫn giấu mẹ đi.
Đứa bé chối và nói nó không có gì giấu tôi cả nhưng khi tôi nhắc đến câu nói mà con nói đêm qua trong lúc sốt mê man thì đứa trẻ lập tức òa khóc, ôm tôi mà nức nở:
- Con nhớ bố, con nhớ gia đình mình như trước kia, con muốn được sống trong tình yêu của bố mẹ như trước kia. Con muốn cả gia đình chúng ta cùng ngủ chung một giường như trước kia chứ không phải mỗi người một nơi như thế này.
Tôi trấn an con, đứa trẻ lau nước mắt và nói tiếp:
- Con đã nhìn thấy mẹ khóc trong phòng, đau khổ và vật vã khi biết bố có người tình bên ngoài. Thế nên con không muốn vì những mong cầu của con mà mẹ phải đắn đo suy nghĩ rồi đau lòng thêm nữa.
- Vì thế mà con luôn tỏ ra vui vẻ? - tôi hỏi
- Vâng, con nghĩ mình phải như thế thì mẹ mới vui nhưng con cũng vẫn rất sợ khi thiếu vắng bố trong căn nhà này. Vậy nên con đã nói với bố điều ước của con là trước khi đi ngủ luôn được nhìn thấy bố giống như trước kia.
Tôi hiểu ra tất cả, ôm con vào lòng. Hóa ra con vừa thương mẹ nhưng không giấu được cảm giác thèm bố. Vậy nên đã phải tự che giấu tất cả cảm xúc của mình bao lâu nay và "bí mật" hành động riêng với bố. Tôi không việc kiên quyết ly hôn của mình lại gây tổn hại lớn cho tinh thần con gái mình như thế mà vẫn luôn tự tin là một người mẹ tốt. Giờ tôi đang rất bối rối không biết có nên tái hợp với chồng cũ để chữa lành vết thương cho con hay không?
Tâm sự từ độc giả khanhvy...
Khi vợ chồng khi đã không còn tình cảm với nhau lựa chọn chấm dứt cuộc hôn nhân là hoàn toàn hợp tình hợp lý. Tuy nhiên những đứa trẻ vô hình chung phải chịu quá nhiều đau đớn vì lỗi lầm của người lớn.
Chính vì thế, các bậc phụ huynh trước khi đi đến một quyết định quan trọng nào đó trong gia đình thì cần phải hiểu nỗi đau chia ly của những đứa trẻ, đặt mình vào địa vị của con để cảm nhận. Từ đó cha mẹ sẽ hiểu được làm thế nào để tốt nhất cho con.
Bên cạnh đó cần tiến hành nhiều bước theo những trình tự khác nhau trước khi quyết định ly hôn để trẻ không bị bất ngờ, choáng ngợp khi biết bố mẹ ly hôn. Bố mẹ có thể tâm sự, chia sẻ với trẻ nhiều hơn để con hiểu hiện trạng thực sự của gia đình và lắng nghe nguyện vọng của con.
Ngoài ra quan tâm và chăm sóc trẻ sau ly hôn cũng là việc làm rất cần thiết đối với cả cha lẫn mẹ để trẻ không bị tổn thương và chịu thiệt thòi so với bạn bè.
Tránh mang lại tổn thương lớn cho con
Ly hôn là điều không ai mong muốn nhưng là kết quả tất yếu khi vợ chồng không còn tình cảm và khó hoà hợp trong cuộc sống hàng ngày. Các bậc phụ huynh cần lưu ý tránh làm con tổn thương khi đưa ra quyết định trọng đại này.
Bố và mẹ đều có trách nhiệm cung cấp tình yêu và sự quan tâm cho con cái sau ly hôn. Trẻ cần cảm nhận được rằng bé vẫn được yêu thương và quan tâm từ bố mẹ. Điều này đòi hỏi sự hợp tác và tôn trọng con cái ở cả bố và mẹ.
Bố và mẹ cần thảo luận và đưa ra thỏa thuận về việc chăm sóc con cái sau ly hôn. Điều này bao gồm việc xác định lịch trình gặp gỡ, quyết định về việc đưa đón con và phân chia trách nhiệm trong việc chăm sóc hàng ngày. Thỏa thuận rõ ràng và công bằng giúp trẻ cảm thấy an toàn và ổn định.
Đừng nói không tốt về chồng/vợ cũ trước mặt con
Đây là chìa khoá quan trọng trong mọi cuộc ly hôn văn minh. Trẻ sẽ cảm thấy bối rối và tổn thương khi bố hoặc mẹ bị nói xấu bởi chính người mình luôn thương yêu và tôn trọng.
Suy cho cùng, khi không còn chung sống, mọi cuộc cãi vả đều trở nên vô nghĩa. Vì vậy, giữ phép lịch sử tối thiểu và giữ hình ảnh đẹp cho nhau là điều tốt nhất mà các bậc phụ huynh dành tặng cho con cái.
Cố gắng giữ quá trình ly hôn diễn ra trong riêng tư
Điều này rất khó đối với những gia đình nổi tiếng. Dù vậy giữ quá trình ly hôn diễn ra trong riêng tư cho đến khi có phán quyết cuối cùng sẽ phần nào giảm bớt sự bàn tán và ý kiếm trái chiều của những người xung quanh - điều có thể tác động đến tâm lý của trẻ.
Trong quá trình hoàn thành thủ tục, bố mẹ nên dành thời gian ở bên con, giải thích và chuẩn bị tinh thần để con thích ứng với cuộc sống không ở cùng bố hoặc mẹ trong tương lai. Hãy ưu tiên chăm lo sức khoẻ tinh thần và đồng hành cùng con trong khoảng thời gian này.
Làm bạn, trò chuyện với con mỗi ngày để hiểu bé hơn
Một giao tiếp hiệu quả giữa bố và mẹ là yếu tố quan trọng trong việc nuôi dưỡng con sau ly hôn. Dù có khác biệt và xung đột, việc trao đổi thông tin về con cái và thảo luận về quyết định quan trọng liên quan đến con cần được thực hiện một cách lịch sự và xây dựng. Giao tiếp tốt giữa hai bên giúp giảm căng thẳng và tạo ra một môi trường tốt cho con cái.
Bố và mẹ cần tôn trọng quyền lợi và quyết định của con cái. Lắng nghe ý kiến của trẻ và cho phép bé tham gia vào quá trình ra quyết định về những vấn đề liên quan đến cuộc sống của mình. Điều này giúp trẻ phát triển kỹ năng quản lý và tự tin trong việc đưa ra quyết định.