14 năm đồng hành cùng cậu con trai mắc chứng tự kỷ, những nỗi lo, sự mệt mỏi của chị Kiều Thị Thúy Quỳnh (Trung Kính, Hà Nội) đã được thay thế bằng những nụ cười, niềm hạnh phúc khi con trai phát triển, đổi thay từng ngày. Chị chấp nhận với sự khác biệt của con, đồng hành cùng con trong thế giới nhỏ của con trai.
Chạnh lòng khi mọi người nhìn con với ánh mắt lạ
Bình Minh (14 tuổi) là con trai đầu tiên của chị Quỳnh. Nhìn cậu bé cao lớn và điển trai say mê cắt xé những con vật ngộ nghĩnh trong phòng mình ít ai biết được Minh lại mắc hội chứng tự kỷ.
Bình Minh, 14 tuổi và mẹ Quỳnh. Ảnh NVCC
Chị Quỳnh kể lại, khi sinh ra Minh hoàn toàn khỏe mạnh, ăn, ngủ tốt nên chưa bao giờ chị nghĩ con mắc hội chứng này.
Khi Minh được 18 tháng tuổi, chị thấy con có những biểu hiện như: không có khả năng giao tiếp với những người xung quanh, không biết chơi đồ chơi, không thể tập trung và không thể chơi với các bạn khác....
Tuy nhiên, chị cũng chỉ nghĩ đơn giản con gặp khó khăn về giao tiếp sau khi đưa con đến khám tại bệnh viện. Về nhà chị cố gắng giao tiếp với con nhiều hơn. Gia đình chị biết con mắc hội chứng tự kỷ khi gần 3 tuổi, lúc đưa bé sang Pháp kiểm tra.
“18 tháng tuổi, tôi cho con đi khám bác sĩ ở Bệnh viện Nhi và nhận được kết quả là con gặp vấn đề về giao tiếp. Khi ấy, tôi hơi lo và chạnh lòng vì bác sĩ đổ lỗi gia đình phó mặc con cho người giúp việc trong khi đó tôi là giáo viên, luôn có nhiều thời gian cho con.
Sau khi biết kết quả ở Pháp và tự tìm hiểu tài liệu, tôi lại càng lo lắng hơn. Thời gian đó tôi trải qua rất nhiều cảm xúc khác nhau: bi quan, buồn, chán nản, thất vọng nhưng trong đầu tôi vẫn luôn hy vọng con có thể đi học được như bao bạn bè khác bởi tôi nghĩ rằng con sẽ khỏi mà chưa bao giờ nghĩ đó là hội chứng suốt đời. Tôi thực sự chấp nhận sự thực này khi con chuẩn bị vào lớp 1, khi đó con vẫn luôn có biểu hiện khóc, la hét, đập đầu vào tường, không chịu ngồi im trong lớp”, chị Quỳnh tâm sự.
Đối mặt với kết luận con mắc hội chứng tự kỷ đã khó khăn rồi, đối mặt với hành trình dài đầy gian nan trị liệu cho con, với những ánh mắt không thiện cảm, sự phản đối của nhiều bố mẹ khác khi để Minh học chung lớp mẫu giáo với con họ còn khó khăn gấp bội với chị.
Chấp nhận sự khác biệt của con trai, chị Quỳnh luôn đồng hành cùng con trên chặng đường trị liệu và hòa nhập xã hội. Ảnh NVCC
“Nhiều lúc tôi chạnh lòng và buồn lắm khi đưa con ra phố bị mọi người nhìn với ánh mắt khác lạ, có phần kỳ thị. Không những vậy, khi xin cho con học ở trường mẫu giáo tư, tôi còn chịu sự phản đối của nhiều bố mẹ khác, bị họ nói thẳng rằng không chấp nhận cho những đối tượng như này học cùng làm ảnh hưởng đến sự phát triển của con họ.
Khi lên lớp 1, con học ở lớp học đặc biệt nên những nỗi buồn đó cũng dần biến mất trong tôi. Tôi vui vẻ nắm tay con trên con đường đến trường, bình thản với những ánh nhìn của mọi người hơn”.
Chấp nhận sự khác biệt của con, chị Quỳnh kiên trì tìm những hướng đi trị liệu cho con trai. Chị tìm hiểu các phương pháp chữa ở cả nước ngoài lẫn Việt Nam, rồi áp dụng các biện pháp can thiệp sớm cho con. Cứ xen kẽ một buổi con đến lớp là một buổi can thiệp một cô một trò. Ở nhà chị cũng áp dụng phương pháp hướng dẫn nhất quán giữa bố mẹ và ông bà để hỗ trợ cho con hòa nhập, kích thích tương tác.
Bao nhiêu năm như vậy, chị lên chương trình học trong từng giai đoạn, với những mục tiêu khác nhau, cùng phối hợp giữa gia đình với nhà trường. Không những vậy chị còn tăng cường cho con tập thể dục, ra ngoài thư giãn, áp dụng chế độ ăn hợp lý dành cho trẻ tự kỷ, nhiều rau xanh, hạn chế sữa, đường, những chất kích thích khiến con tăng động.
Và rồi mọi cố gắng của chị cũng được đền đáp. Giờ đây, Minh đã hòa nhập hơn, biết tự chăm sóc bản thân, cùng mẹ dọn dẹp nhà cửa, đi xe buýt từ trường về nhà và đặc biệt biết hạn chế những hành vi không kiểm soát trước đó.
“Vai trò gia đình rất quan trọng trong việc tìm hiểu đặc điểm của con để áp dụng phù hợp nhất các phương pháp. Tôi không áp dụng máy móc phương pháp người ta trình bày cho con mình mà tôi áp dụng những gì là phù hợp nhất với con mình, nương theo những gì con quan tâm để kích thích con tương tác. Rất may mắn Minh là đứa trẻ có cảm xúc, con hiểu được”, chị Quỳnh vui vẻ cho biết.
Xé giấy, làm tượng - Hứng thú đặc biệt của Minh trong thế giới những con vật
Cũng như những trẻ tự kỷ khác, Minh hạn chế trong khả năng giao tiếp, biểu hiện hành vi, cảm xúc. Tuy nhiên, em lại có khả năng đặc biệt về tạo hình, xé dán các con vật. Từ nhỏ, Minh đã có hứng thú đặc biệt với những con vật. Cùng với trí tưởng tượng 3 chiều và đôi bàn tay khéo léo, Minh tạo ra vô số những con vật độc đáo, mà ở đó, người xem có thể "chạm" được vào con người thực của em.
Minh rất hứng thú với việc cắt, xé giấy và dán thành tranh hoặc tượng con vật. Ảnh MVCC
Chỉ với chồng báo cũ trong tay, Minh có thể ngồi hàng giờ, thậm chí quên cả ăn để xé, dán thành những bức tranh hoặc tạo thành những bức tượng về những con vật.
Chị Quỳnh phát hiện ra năng khiếu này của con vào một dịp rất tình cờ khi Minh lên 6 tuổi: “Đầu tiên tôi nghĩ việc xé giấy tạo cảm giác thoải mái cho con nhưng cuối cùng tôi phát hiện ra con xé giấy thành những hình con vật rất đẹp. Dần dần, tôi cũng phát hiện ra khả năng con tạo ra các hình thù động vật ngộ nghĩnh chỉ với giấy báo và băng dính.
Để phát triển khả năng bẩm sinh này của con, tôi cũng mời các thầy giáo mỹ thuật về dạy thêm. Và từ đó con cứ đắm chìm trong thế giới những con vật mà con tạo ra”.
Được biết, Minh đã tham gia 2 triển lãm mang tên “Khác biệt và tương lai” và mới đây nhất là “Chạm”. Ở đó, mọi người thấy được một thế giới động vật sống động, đầy màu sắc của Minh và thấy được niềm đam mê, hứng thú của Minh qua những sản phẩm mà em tạo ra.
Một sản phẩm của Minh tham gia triển lãm "Chạm". Ảnh NVCC
Nụ cười hạnh phúc khi con trai biết quan tâm tới mọi người
Mặc dù có con mắc hội chứng tự kỷ nhưng chị Quỳnh vẫn luôn lạc quan và vui vẻ. Chị không còn thất vọng, mặc cảm hay buồn lòng mà chấp nhận sự khác biệt và thế giới riêng của con trai. Chị cảm thấy mình may mắn vì con trai chị là một người vui vẻ, tình cảm, luôn muốn tìm hiểu về những điều mới mẻ bên ngoài và đặc biệt con còn thích nghe nhạc, thích Sơn Tùng M-TP.
“Minh không chỉ biết thế hiện tình cảm bằng lời nói mà còn bằng cả hành động. Con sẵn sàng lấy phần dưa hấu về cho em gái mặc dù con không hề thích ăn dưa hấu hay mang tặng những con vật mình làm cho ông bà đem về nhà treo. Thậm chí, Minh còn rất láu cá, biết cách thể hiện tình cảm, nói lời yêu thương làm vừa lòng cả bố lẫn mẹ.
Trong cuộc sống, Minh cũng biết vui buồn và tôi vui vì con biết thưởng thức, thích nghe, xem ca nhạc, đặc biệt thích Sơn Tùng. Từ đó tôi cũng tìm hiểu để nghe cùng con”, chị Quỳnh nở nụ cười rạng rỡ khi nhận xét về con trai.
Sản phẩm hươu cao cổ bằng giấy do Minh tự làm. Ảnh NVCC
Không chỉ trở thành fan của Sơn Tùng, vì con trai, chị Quỳnh cũng trở thành người phụ nữ đa-zi-năng, năng động hơn, bên cạnh nghề giáo chị còn kiêm thêm cả tham gia tổ chức sự kiện, mở rộng mối quan hệ với những người làm nghệ thuật, tìm hiểu sở thích xé giấy, làm tượng của con, những việc mà từ trước đến nay chị chưa từng nghĩ mình sẽ làm.
Tuy hài lòng vì những cố gắng, nỗ lực của mình dành cho con đã được đáp lại nhưng đối với chị, con đường tương lai của Minh vẫn còn nhiều chông gai, khó khăn lắm và còn rất nhiều những nỗi lo khác nữa.
Hiện giờ, mong muốn duy nhất của chị cũng như nhiều cha mẹ có con tự kỷ khác đó là con có thể sống độc lập, sống một cuộc sống có ý nghĩa, có thể đóng góp cho xã hội và được cộng đồng đón nhận, giúp đỡ cũng như tôn trọng thế giới riêng của các con.