Buổi học hôm đó là buổi học đầu tiên sau thời gian dài nghỉ sinh. Tôi đăng ký học về dinh dưỡng và nuôi dạy trẻ trên 2 tuổi để chuẩn bị cho con gái lớn đã sắp lên 2.
Khi tôi gặp lại cô giáo Nakamura, cô đã giới thiệu với các mẹ Nhật khác rằng tôi là một bà mẹ hai con người Việt Nam. Bất ngờ sau đó cô đã cúi gập người để xin lỗi trong sự ngạc nhiên của tôi.
Chị Phượng Lê hiện đang sống ở Kyushu, Nhật Bản và con gái Thỏ, 21 tháng tuổi.
Cô giải thích rằng cô xin lỗi vì cô là người Nhật, đang xin lỗi một người Việt Nam sau vụ bé gái người Việt bị sát hại tại tỉnh Chiba.
Các mẹ Nhật có mặt khi đó cũng cúi người xin lỗi tôi và nhờ tôi có thể chuyển lời xin lỗi của họ tới gia đình em bé bị hại vì sát nhân là người Nhật và vụ việc xảy ra trên đất nước Nhật.
Họ vô cùng căm phẫn và hy vọng kẻ ác sẽ bị xử đúng tội.
Cũng trong buổi này, tôi đã được nghe câu chuyện của chị Yuka. Chị có 3 con, bé gái đầu tiên 11 tuổi, bé trai thứ hai 7 tuổi và bé út 2 tuổi.
Ngay sau khi vụ việc bé gái người Việt bị sát hại tại tỉnh Chiba, cô chủ nhiệm của lớp con gái lớn của chị đã tổ chức một tuần học dành riêng cho phụ huynh.
Trong đó buổi học đầu tiên và quan trọng nhất chính là chủ đề "giáo dục để con không trở thành kẻ xâm hại và có các hành vi bạo lực".
Nhà trường giải thích rằng trước khi dạy các em các kiến thức để không thành nạn nhân bị xâm hại và ngược đãi thì phải giáo dục để các con không trở thành những kẻ phạm tội, không có kẻ phạm tội thì sẽ không có nạn nhân.
Trong hai ngày học về chủ đề này, chị Yuka đã ghi chép lại và nằm lòng các kiến thức cơ bản để giáo dục con ngay từ khi bé chỉ mới lên 2, lên 3.
1. Thiếu Calci
Theo nghiên cứu của các chuyên gia người Nhật, các em bé hay nổi cáu, giận dữ, ném vứt đồ đạc có thành phần Calci, Magie, vitamin D trong máu thấp hơn tiêu chuẩn.
Việc thiếu hụt các chất trên khiến não bộ hoạt động căng thẳng, mệt mỏi dẫn tới các hành vi cáu gắt, bạo lực.
Mẹ cần bổ sung đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cho con đặc biệt là Cacli qua đường ăn uống. Calci có nhiều trong hải sản cũng như các thực phẩm từ sữa.
2. Ăn quá nhiều đồ ngọt và thức ăn nhanh
Việc cho trẻ ăn quá nhiều thức ăn nhanh và các đồ ăn ngọt cũng góp phần khiến trẻ trở nên khó tính, dễ cáu gắt.
try {if(ADS_159_15s!=undefined){document.write( ADS_159_15s);ADS_159_15s.start();}}catch(e){}
Nghiên cứu chỉ ra rằng trong thành phần của các đồ ăn nhanh có chất làm cản trở sự hấp thụ Calci của cơ thể cũng như nếu đưa lượng đường quá lớn vào cơ thể sẽ khiến não bộ bé đặc biệt bị ảnh hưởng. Não bộ sẽ luôn trong tình trạng lo lắng, bất an.
Và đây là nguyên nhân dẫn tới việc hình thành xu hướng bạo lực, cáu gắt ở trẻ. Mẹ cần quản lý chặt thói quen ăn uống của con. Hạn chế ăn đồ ngọt cũng như các thức ăn nhanh.
3. Thói quen sinh hoạt chưa đúng
Thực hiện rèn cho trẻ nguyên tắc "ngủ sớm dạy sớm".
Đồng hồ sinh học trong cơ thể chúng ta quy định rõ các thời gian cụ thể để các cơ quan trong cơ thể làm việc.
Ngủ quá muộn và thức dậy quá muộn sẽ khiến bé mất đi cơ hội tắm nắng buổi sáng sớm cũng như khiến cơ thể trì trệ, mệt mỏi. Mẹ cần rèn thói quen sinh hoạt đều đặn hàng ngày cho trẻ.
4. Bố mẹ vô tình tạo áp lực lên con
Việc muốn con phải đạt được thành tích như bố mẹ mong muốn đã vô tình gây áp lực cho trẻ. Ngay cả từ khi mới lên 2, lên 3.
Ví dụ mẹ thấy con nhà hàng xóm hát được nhiều bài, mẹ cũng muốn con mình làm được như vậy. Lớn hơn chút thì ép con phải học nhiều, phải đạt được bằng này bằng kia... tất cả nếu quá sức của trẻ thì không khác gì bắt con mang theo một quả bom stress lớn và có thể nổ tung bất cứ khi nào.
Một nghiên cứu về tội phạm của Nhật chỉ ra rằng có rất nhiều kẻ sát nhân có lý lịch là những học sinh chăm chỉ học tập, nhưng áp lực về thành tích quá lớn từ bố mẹ đã khiến những stress tích tụ lâu năm trong con người họ bị bùng nổ.
Bố mẹ cần hiểu rõ thực lực của con, chỉ hướng và động viên con cố gắng trong khả năng của mình. Đừng bao giờ gây áp lực nặng nề lên trẻ.
5. Bố mẹ thường xuyên cáu gắt
Trẻ luôn có thói quen bắt chước người lớn. Lẽ đương nhiên một đứa trẻ thường xuyên chứng kiến sự cáu gắt, cãi vã của bố mẹ, bố đánh mẹ hay các hành vi bạo lực từ người lớn thì chúng sẽ có xu hướng trở thành người dễ bị kích động bạo lực, thậm chí còn nặng hơn cả bố mẹ vì trẻ tiếp nhận mọi kiến thức quanh mình một cách thụ động, chưa biết chọn lọc như người lớn nên chúng sẽ bị chi phối hoàn toàn bởi các hành vi của bố mẹ.
Chính vì thế bố mẹ phải kiểm soát được cảm xúc và hành động của mình. Chí ít là không có lời nói và hành động bạo lực trước mặt con.
6. Giáo dục bằng đòn roi, mắng chửi
Người Nhật cho rằng trong việc giáo dục con thì bố hãy như một thầy giáo nghiêm khắc, kỷ luật và quy tắc còn mẹ hãy như một người bạn đồng hành quan sát, lắng nghe, thấu hiểu và hỗ trợ con.
Tại sao "đóng vai hiền" nên là mẹ chứ không không nên là bố vì họ cho rằng mẹ và con luôn có sự kết nối tình cảm chặt chẽ.
Người Nhật sáng tạo ra các túi ôm trước ngực cho trẻ sơ sinh nhằm mục đích cho bé nghe được nhịp tim của mẹ, bé sẽ cảm thấy yên tâm như khi còn ở trong bụng mẹ.
Thế cho nên trong mọi chuyện của con thì mẹ nên là người lắng nghe và chia sẻ. Kịp thời hỗ trợ trẻ khi con sai. Thuyết phục một cách nhẹ nhàng và kiên nhẫn mỗi khi trẻ có hành vi chưa đúng. Mọi sự đánh đập hay mắng chửi sẽ dần làm mất đi sợi dây kết nối giữa mẹ và con, khiến bạn sẽ không thể kiểm soát đc con mình.
7. Các cá nhân bẩm sinh đã có xu hướng phát triển lệch lạc
Trong xã hội Nhật cụm từ này được gọi là "Biến thái". Với những đứa trẻ không may mắn, khi sinh ra đã có những xu hướng không bình thường thì đặc biệt cần sự quan tâm của gia đình và cộng đồng.
Bố mẹ cần theo sát và giúp con tránh xa các cám dỗ, thói quen xấu như đọc truyện tranh, phim ảnh không lành mạnh. Kịp thời phát hiện và đưa trẻ tới bác sỹ chuyên môn khi cần thiết. Bố mẹ cũng nói chuyện với thầy cô giáo để kết hợp giúp các con đi đúng hướng.
8. Chưa khéo léo cùng con vượt qua "thời kỳ thích phản kháng"
Cụm từ "ira ira ki" rất phổ biến ở Nhật, dùng để chỉ giai đoạn thích phản kháng của trẻ ở độ tuổi lên 2,3. Giai đoạn này là một bước bình thường trong quá trình phát triển của bé.
Phản kháng đôi khi chỉ là cách bé bày tỏ suy nghĩ của mình (đã có bài riêng về giai đoạn này).
Việc của bố mẹ là kiên nhẫn giải thích cho trẻ. Thoả hiệp chứ không phục tùng theo tất cả yêu cầu của con. Đây là giai đoạn bố mẹ dễ nổi giận nhất vì đôi khi đi làm mệt mỏi, về con lại không chịu nghe lời... nhưng chính việc hay quát mắng thậm chí đánh con sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới tâm lý của trẻ, khiến con dễ trở nên nóng tính, cáu giận.
Vậy nên sự kiên nhẫn, nhẹ nhàng của bố mẹ thời kỳ này là vô cùng cần thiết (lúc cáu giận mẹ có thể kiểm soát bằng cách uống một cốc nước lạnh, rửa mặt hoặc nói một chuyện khác với người lớn trước khi tiếp tục câu chuyện với con).
9. Thiếu vận động, các hoạt động dã ngoại của gia đình
Trẻ học quá nhiều hoặc quá nghiện máy tính hay điện thoại thông minh mà thiếu vận động ngoài trời cũng là nguyên nhân gây stress và bạo lực ở trẻ. Việc trì trệ vận động cơ thể ảnh hưởng trực tiếp lên các dây thần kinh não bộ.
Bố mẹ cần cho con chơi các trò chơi ngoài trời cũng như thường xuyên tổ chức các cuộc dã ngoại của cả gia đình. Việc vận động thường xuyên là cách giải phóng cơ thể, xả stress hiệu quả của trẻ.
Tình cảm gia đình đầm ấm, hạnh phúc cũng là một yếu tố giúp trẻ phát triển toàn diện, ôn hoà và biết tôn trọng tình cảm gia đình.
Trên đây là những gì tôi đã đọc được trong sổ tay ghi chép của chị Yuka. Sinh con ra đã là bao nhiêu đau đớn, vất vả nhưng nuôi dạy con khôn lớn, trưởng thành còn khó hơn gấp bội.
Hy vọng bài viết giúp ích phần nào trong việc giáo dục con của các bố mẹ Việt.
Theo chia sẻ của chị Phượng Lê