Ảnh minh họa: Mnn.com. |
Trả lời:
Chào bạn,
Việc cho con ngủ riêng ngay từ nhỏ là phương pháp giáo dục có nhiều quan điểm khác nhau, vì cho ngủ riêng hay ngủ chung với mẹ trong giai đoạn trẻ còn bé đều có những cái hay và những hạn chế khác nhau. Quan điểm cho con ngủ riêng từ nhỏ xuất phát từ phương Tây, trong một nền giáo dục coi trọng giá trị cá nhân.
Biện pháp này góp phần vào việc giúp trẻ có tinh thần tự lực, không ỷ lại và nhõng nhẽo. Tuy nhiên, cách này phải kết hợp cùng với những biện pháp giáo dục khác, như khi con té ngã, không vội vàng chạy đến nâng đỡ và đổ lỗi cho cái sàn nhà hay vật gì đó làm bé ngã, và luôn khuyến khích trẻ tự làm những việc trong khả năng. Nếu không, việc cho ngủ riêng sẽ không có tác dụng gì.
Nhưng khi trẻ được 4-5 tuổi thì việc cho ngủ riêng là điều nên khuyến khích, vì đến độ tuổi này trẻ đã có ý thức rõ về bản thân, nhận biết giới tính của mình và cũng không cần sự ôm ấp của bố mẹ khi ngủ. Và dĩ nhiên, bố mẹ cũng phải tập cho trẻ có tinh thần tự chủ với những biện pháp giáo dục khác nữa.
Để thực hiện thì bước đầu bạn có thể kê một cái giường bên cạnh giường ngủ của bố mẹ, hay có thể đặt trong một căn phòng, bé sẽ ngủ ở đây và yên tâm rằng vẫn luôn có bố mẹ bên cạnh. Sau độ một tháng, bạn có thể chuyển giường qua phòng kế bên, nhưng không khép cửa, và trước khi bé ngủ, mẹ có thể qua nằm chơi, kể chuyện, hỏi han bé cho đến khi bé ngủ sẽ quay về phòng mình. Việc này có thể kéo dài từ một tuần đến một tháng tùy theo tính cách của trẻ.
Dần dần khi bé đã quen thì ta chỉ cần qua trò chuyện, hỏi han bé một chút rồi chúc bé ngủ ngon và quay về phòng mình, lúc này bố mẹ có thể khép cửa phòng. Chúng ta nên nhớ việc cho bé ngủ riêng chỉ là một trong nhiều yếu tố giúp bé sớm tự lập và phải áp dụng cùng với các biện pháp khác, vì nếu không nó chỉ có giá trị là giúp cho bố mẹ được thoải mái, tự do trong việc ngủ chung với nhau mà thôi.
Chuyên viên tâm lý Lê Khanh
Trung tâm tâm lý giáo dục Rồng Việt Vũng Tàu