Phụ huynh các bé ở tuổi lên 4 hay thắc mắc những vấn đề như bé tăng trưởng thế nào là đúng với tuổi; tại sao học cùng một lớp, cùng một chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt ở trường mẫu giáo mà có bé mấy tháng liền không tăng cân còn bé kia lại đang có nguy cơ béo phì; làm sao để bé tuổi mẫu giáo phát triển thể chất tốt nhất...
Trao đổi tại Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM mới đây, bác sĩ chuyên khoa I Đào Thị Yến Thủy cho biết, về tiêu chuẩn bé 4 tuổi nặng khoảng 16kg, cao 1m. Mỗi tháng bé tăng khoảng 100-200g, cao thêm 0,5-1cm nhưng không đều đặn. Sau một năm đến khi tròn 5 tuổi, bé tăng thêm 2kg và cao 5cm, tức là nặng khoảng 18kg, cao 105-107cm. Sau 5 tuổi, bé nặng khoảng 20kg, cao 112-115cm.
|
Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ từ lúc 4 tuổi khá ổn định. Hầu hết bé đã ăn ở trường, chiều về gia đình chỉ còn lo một bữa tối. Ảnh minh họa: Kim Anh. |
Theo bác sĩ Thủy, các bé học cùng nhau, chung chế độ dinh dưỡng nhưng có sự phát triển khác nhau trước hết là do vấn đề tiêu hóa hấp thu của cơ thể mỗi bé mỗi khác. Ngoài ra, lượng thức ăn đưa vào cơ thể bé khác nhau như cùng ngồi ăn chung bàn nhưng những bé suy dinh dưỡng thường ăn không hết suất của mình, trong khi bé béo phì ăn hết phần của mình rất nhanh và tiếp tục “ăn giúp” bạn biếng ăn bên cạnh. Những bé “ăn giỏi” thường có thêm bình sữa pha sẵn mang từ nhà để uống trước khi ngủ trưa, còn bé khác thì không.
Nếu bé có vấn đề về tăng trưởng thể chất, phụ huynh cần để ý thêm như khi mẹ đón tại trường, bé có được tiếp thêm một hộp sữa tươi ngọt mát; bữa tối bé có được ăn một bữa chính với đủ 4 nhóm thực phẩm, uống 1-2 ly sữa trước khi đi ngủ. Người lớn cũng nên kiểm tra xem tổng lượng sữa trong ngày của bé có đủ 750-800 ml; thứ bảy, chủ nhật, ngày nghỉ bé có được chế độ ăn như những ngày đi học không; bé có quá nghịch ngợm, hiếu động, chạy nhảy suốt ngày hay thích ngồi một chỗ chơi những trò chơi thụ động?
Để bé tuổi mẫu giáo có sự phát triển thể chất tốt nhất, bác sĩ Thủy khuyến cáo mẹ cần tham khảo thực đơn nhà trường và hỏi thăm cô giáo về chất cũng như lượng ăn của bé. Nếu bé ăn sáng ở nhà thì mẹ nhớ cho bé một bữa sáng đủ 4 nhóm thực phẩm và một ly sữa nhỏ. Bữa tối nào cũng vậy và không quên những ly sữa bổ dưỡng cho bữa chính của bé.
Nếu bé tăng cân chậm, mẹ có thể hỏi cô giáo có nên đưa thêm sữa vào trường, bữa tối làm các món nhiều năng lượng (món béo, ngọt) cho bé dùng thường xuyên, thêm 1-2 muỗng cà phê dầu ăn vào chén canh rau của bé. Chọn loại sữa bột béo để cung cấp đủ năng lượng cho bé.
Ngược lại nếu bé tăng cân nhanh, mẹ nên hạn chế chocolate, bánh kẹo, nước ngọt trong nhà. Thay một phần cơm bằng rau, củ, trái cây. Trong bữa ăn, tránh những thức ăn chiên, xào, quay mà nên thay bằng hấp, luộc, nướng… Bé trên 4 tuổi mà tăng cân quá nhanh, nên chọn loại sữa bột tách béo (sữa tách bơ, sữa gầy) để cung cấp đủ canxi cho bé phát triển chiều cao bình thường nhưng không làm tăng cân. Phối hợp nhà trường để bé có chế độ ăn hợp lý hơn và tạo điều kiện cho bé vận động cơ thể nhiều hơn qua các trò chơi.
Giấc ngủ bắt đầu vào khoảng 9h-9h30 tối và tập thể dục buổi sáng trong nắng nhẹ 20 phút mỗi ngày, bé sẽ tăng chiều cao tốt.
Thực đơn mẫu cho trẻ lứa tuổi 4 đến 5:
7h | 1 chén mì nước lèo thịt heo băm hoặc nửa ly sữa (100-150ml). |
10h30 | 1 chén cơm với thịt bò xào khoai tây chiên với xà lách, cà chua, canh bí xanh nấu tôm, 1 hũ yaourt. |
14h30 | 1 chén bún bò và 1 miếng đu đủ chín. |
16h | 1 hộp sữa nước. |
18h30 | 1 chén cơm với cá nục kho mềm rục, xào thập cẩm và canh cà chua trứng. |
20 - 21h | 1-2 ly sữa 250ml. |
Lê Phương