Một giảng sư chuyên nghiên cứu Phật pháp đã phải thốt lên rằng: “Gần 50 năm tu niệm, giảng thuyết không biết bao nhiêu bài ở khắp mọi nơi, nhưng kiến thức tôi học hỏi được về Phật pháp so với bé Như Ý thì vẫn còn cách biệt quá xa. Ngẫm lại, tôi thấy quả đúng là “Trường Giang sóng sau đè sóng trước…”.
Bé Như Ý. |
Nhờ sự am tường tư tưởng nhà Phật và khả năng thuyết giảng trước đám đông khi mới 5 tuổi, tiếng tăm Như Ý còn vang xa tận hải ngoại, thậm chí được giới đạo sĩ Tây phương biết đến. Có lần, một đạo sĩ Việt kiều tên là Kelvin Trần, vì ngưỡng mộ danh tiếng của Như Ý mà bỏ công, gác việc lặn lội bay sang Việt Nam. Mục đích duy nhất của chuyến đi qua nửa vòng trái đất này, không gì khác ngoài hy vọng được thấy “thần đồng” bằng xương, bằng thịt.
Hồi đó, đáp chuyến bay xuống TP HCM, vị đạo sĩ đã đi thẳng về An Giang tìm nhà bé Như Ý. Ngay lần đầu diện kiến “thần đồng”, ánh mắt nhìn trìu mến và phong thái ung dung, tự tại toát ra từ bé Như Ý đã khiến vị đạo sĩ xúc động quỳ gối. Suốt một tuần nán lại sau đó, được dịp kề cận và nghe “thần đồng” thuyết giảng Phật pháp, vị đạo sĩ càng thêm ngưỡng mộ tài năng và đức hạnh của cô bé. Cho đến tận bây giờ, ông vẫn giữ mối liên lạc với gia đình và thường hỏi thăm bé Như Ý.
Bà Bảy Tăng (50 tuổi) vừa lặn lội từ TP HCM tìm xuống nhà bé Như Ý và ngồi tỉ tê đủ chuyện về “thần đồng” với một niềm ngưỡng mộ sâu sắc. Bà Bảy nói: “Trước đây, tôi từng nghe bé thuyết giảng qua băng đĩa. Cũng có gặp một hai lần khi bé thuyết pháp trực tiếp trên TP HCM mà không có điều kiện trực tiếp trò chuyện. Sau này biết rồi, tôi thường mua đĩa do Như Ý thuyết giảng mở cho mấy đứa cháu nghe. Đứa nào đứa nấy đều ham mê xúm xít lại xem mãi mà không biết chán”.
Thầy Trần Văn Ơi, giáo viên phụ trách bộ môn tiếng Anh cho biết bé Như Ý đang học lớp 6A2 của trường. Môn Anh văn do thầy phụ trách và Như Ý học rất giỏi, dẫn đầu lớp về kết quả học tập. Khả năng đặc biệt của Như Ý là tự tin, khi nói có sức truyền cảm cao, làm người nói với người nghe có sự đồng cảm đến lạ. Các thầy cô bộ môn khác cũng cho biết điểm của bé cũng suýt soát 10 phẩy.
"Trong giờ học, chừng nào các em khác không trả lời được, chúng tôi mới kêu Như Ý, mà hầu hết câu nào em cũng trả lời rất tốt. Theo như tôi nghĩ, thành công của Như Ý là do em ấy có sự đầu tư về học tập, nhận thức tốt”, thầy giáo Ơi nhận xét.
Bé Như Ý cùng các đồng đạo nói chuyện về Phật pháp. |
Từ khi bé Như Ý bộc lộ khả năng thuyết giảng Phật pháp, giới chư tăng đồng đạo không ngừng tìm đến. Nhiều chùa, tịnh thất ngoại tỉnh thường mời Như Ý đi thuyết giảng, mỗi lần “đăng đàn” đều có ghi âm, ghi hình để sao ra đĩa phát cho các Phật tử nghe.
Giảng sư Trần Văn Luốc, pháp danh Trần Như - thành viên tiểu ban nghiên cứu của Ban cổ truyền Giáo lý Trung ương tại TP HCM nhìn nhận, Như Ý có một trí nhớ rất tuyệt vời. “Như Ý thuộc làu 48 lời tại nguyện của Đức giáo lý A Di Đà, các bài kinh giảng chính trong Phật giáo Hòa Hảo. Đặc biệt, bé nhớ không sai một từ nào. Có những cái phải học dữ lắm tôi mới thuộc còn Như Ý chỉ cần học sơ sơ cũng đã nhớ như in rồi", ông Luốc khẳng định.
Giảng sư này cũng nhận xét bé Ý rất ham học, không chỉ kiến thức mà còn học cả hạnh nết, công phu của mình. Ông nói: "Gần 50 năm tu niệm, giảng thuyết không biết bao nhiêu bài ở khắp mọi nơi, nhưng kiến thức tôi học hỏi được về Phật pháp so với bé Như Ý thì vẫn còn cách biệt quá xa. Cũng bởi lẽ, cái phong thái khi thuyết giảng của bé chiếm lĩnh lòng người cao hơn những lời nói hay, nói đẹp".