PGS Trần Thị Trâm - Học viện Báo chí và Tuyên truyền dẫn lời Ph.Enghen cho rằng, có những tác phẩm văn học dân gian có giá trị cách mạng với thời kỳ này nhưng thậm chí trở nên phản động ở thời kỳ khác. Điều này có nghĩa là nội dung của cổ tích không nhất thành, bất biến mà luôn vận động. Do vậy khi tiếp cận cũng phải có cái nhìn lịch sử và cách mạng. Không được áp đặt quan điểm hiện đại vào những truyện cổ tích.
Ở một vài truyện bạn đọc hôm nay cảm thấy có những yếu tố tình dục, thậm chí có người nghĩ là loạn luân như Sự tích Ông Đầu rau hay Nàng Tô Thị, thì theo PGS Trâm, truyện Ông Đầu rau thể hiện những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam và ít nhiều có nội dung chống nam quyền. Truyện Nàng Tô Thị ra đời vào lúc xã hội thị tộc tan rã, bắt đầu thời kỳ văn minh một vợ một chồng. Người đương thời không chấp nhận việc quần hôn và hôn nhân đồng huyết thống nên đã khái quát vấn đề anh em lấy nhau do nhầm lẫn - một cách nghệ thuật - với thái độ đau đớn. Như vậy, truyện này đâu phải là loạn luân.
"Tuy nhiên sự sâu sắc của những câu chuyện làm cho ngay cả một số người lớn còn chưa hiểu, cho nên cần thận trọng khi kể cho trẻ. Đừng quên rằng, tâm hồn trẻ mong manh dễ vỡ... nên việc lựa chọn, thay đổi nội dung là cần thiết. Để chọn được những tác phẩm có lợi cho trẻ thì các nhà xuất bản, các nhà giáo dục và cha mẹ phải có trình độ, thời gian, ý thức", PGS Trâm nói.
"Gần đây, khi có điều kiện lại chịu nhiều áp lực của cuộc sống, con người hôm nay muốn trở về cổ tích để tìm lại tuổi thơ. Mặt khác 'ôn cố tri tân', mọi tòa lâu đài nguy nga tráng lệ đều được xây dựng nền tảng giá trị truyền thống vững chắc. Vì vậy không nên tẩy chay truyện cổ tích", PGS Trần Thị Trâm cho biết thêm.
|
Không ít truyện cổ tích có mùi bạo lực, văn phong vô cảm khiến trẻ khó chấp nhận Ảnh: Phan Dương. |
Theo PGS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn - Đại học Sư phạm TP HCM, việc kể chuyện cho trẻ, nhất là truyện cổ tích là một phương thức rất hữu hiệu để giáo dục trẻ. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng cần lưu ý là:
1. Chọn lọc chuyện kể sao cho phù hợp với độ tuổi.
Với các bé đi nhà trẻ thì cần chọn câu chuyện có nhiều tuyến nhân vật, có triết lý, có tính giáo dục sâu sắc nhưng vẫn gần gũi.
2. Thời điểm kể: Vào lúc khuya, trước khi ngủ nên tránh kể cho trẻ các câu chuyện có sự đấu tranh, bạo lực hay kinh dị...
3. Khi kể truyện, bố mẹ cần nhấn mạnh những chi tiết thương cảm, đắt giá, hướng đến cái thiện cần được tôn vinh. Các chi tiết mang tính tranh đấu cần được làm nhẹ đi nhằm đảm bảo sự cân bằng trong tâm trí của trẻ và tránh những nguy cơ căng thẳng.
4. Cần lồng ghép các thông điệp giáo dục một cách nhẹ nhàng hoặc khuyến khích trẻ phân tích, chia sẻ cảm xúc với các tình tiết gây chú ý hoặc các tình tiết có thể dẫn đến cảm xúc mạnh mẽ của trẻ. Trên cơ sở đó, cần có sự điều chỉnh thích hợp.
5. Hãy kể chuyện cho trẻ bằng cảm xúc mới mẻ của người bạn mà không phải là người lớn một cách độc lập, sẽ giúp trẻ có những định hướng tích cực cho thái độ và hành vi.
6. Tránh những thái độ hoặc hành động quá khích, khoét sâu vào các chi tiết không cần thiết. Giúp trẻ hướng đến giá trị tựu trung và nhân bản của câu chuyện.
Phát biểu trên một bài báo mới đây, tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho rằng vấn đề không nằm ở truyện cổ tích có nhiều bạo lực mà là đọc sách cho lứa tuổi nào.
Cụ thể với trẻ từ 0 đến 3 tuổi hãy thận trọng lựa chọn câu chuyện để kể. Nỗi sợ của trẻ ở lứa tuổi này khá nhiều và dễ bị ảnh hưởng. Thậm chí, chỉ cần cao giọng hơn bình thường, bé đã rất sợ rồi. Cho nên những bài thơ có vần điệu êm ái, những câu chuyện cổ tích về con vật được ngân nga như tiếng ru, tiếng võng đưa nôi… sẽ hợp với lứa tuổi này hơn cả.
Vì thế, với trẻ dưới 3 tuổi, các bậc phụ huynh không nên đọc truyện cổ tích dài có tình tiết lắt léo. Cần biết rằng những tình tiết gây kịch tích dù nhỏ nhất chứ chưa cần đến chi tiết “kinh dị”, thậm chí, có thể bóng tối hay một ngày mẹ không có nhà… đều sẽ trở thành ám ảnh với tâm lý trẻ khá lâu.
Với lứa tuổi trên 3 có thể đọc truyện phức tạp hơn vì lúc này trẻ bắt đầu học được cách tư duy hình tượng. Chắc hẳn các bậc phụ huynh đang phải đối mặt với câu hỏi có nên cho con đọc các truyện cổ tích mơ mộng, nhất là các yếu tố bạo lực hay truyện kết thúc có hậu song không nhân đạo.
Theo chuyên gia giáo dục Thụy Anh, khi sáng tạo ra truyện cổ tích, người xưa không có ý định dành riêng cho trẻ em . Truyện cổ tích lưu truyền trong dân gian bằng phương thức truyền miệng nên có nhiều dị bản… Tuy nhiên, một số nhà giáo dục học cho rằng, trừ những chi tiết quá bạo lực, nếu không ba mẹ cũng không cần căng thẳng vì những truyện này được kể trong một bối cảnh riêng biệt, cô lập, an toàn của ngày xửa ngày xưa.
"Điểm đặc biệt của truyện cổ tích là nó được sáng tạo lại qua mỗi lần kể. Vì vậy, bạn vẫn có thể kể cho con bằng ngôn ngữ của mình. Bố mẹ nên đọc trước để có thể chọn lựa câu chuyện phù hợp, hoặc phải thêm thắt như thế nào cho câu chuyện sinh động cũng như tốt nhất cho trẻ", chuyên gia giáo dục nói.
Phan Dương