Ngoài ăn uống, vui chơi và học tập thì giấc ngủ của con cũng là điều mà bố mẹ cực kỳ quan tâm. Bởi một giấc ngủ đúng, khoa học sẽ đem lại cho trẻ trạng thái tinh thần tốt nhất vào ngày hôm sau, cũng là một trong những tiền đề quan trọng đối với sự tăng trưởng, phát triển lành mạnh của trẻ.
Trên thực tế, có nhiều tình huống liên quan đến giấc ngủ của trẻ nhỏ khiến bố mẹ "dở khóc dở cười", chẳng hạn như những thế ngủ độc lạ và trạng thái cảm xúc linh hoạt của con khi ngủ. Theo đó mới đây trên mạng xã hội Trung Quốc, bài chia sẻ của một ông bố liên quan đến vấn đề này đã thu hút sự quan tâm đông đảo từ cộng đồng mạng.
Cụ thể tài khoản tên A Cường kể rằng, buổi tối hôm qua sau khi anh đi làm về, tắm rửa sạch sẽ chuẩn bị cùng vợ và con gái ăn tối, trong lúc vào phòng gọi cô công chúa nhỏ 6 tuổi ăn cơm thì có một sự việc xảy ra khiến anh vô cùng hoảng sợ. Không biết đứa trẻ có vấn đề gì mà anh gọi mãi nhưng không nghe con trả lời, mở cửa đi vào thì thấy đứa trẻ nằm bất động trên giường, mắt vẫn mở. Ông bố lúc này thử vỗ nhẹ vào mặt con gái, tuy nhiên cô bé vẫn không hề có chút phản ứng gì khiến ông tá hoả.
Vội vàng kêu vợ vào kiểm tra, nhưng ngay sau đó ông bố mới phát hiện con gái có chút động đậy nên ngơ ngác không hiểu gì. Nghe anh kể lại sự tình, người vợ bật cười và giải thích cho anh hiểu về trạng thái ngủ mở mắt này của con gái.
Sau khi câu chuyện được ông bố chia sẻ lên mạng xã hội, nhiều cư dân mạng đã "dở khóc dở cười", một số người để lại bình luận:
- "Hồi tôi học cấp hai, cô gái bàn bên cạnh cũng có trạng thái ngủ giống như thế này trong giờ nghỉ trưa. Cô ấy cứ như vậy suốt mấy ngày, ban đầu tôi còn tưởng cô ấy bị tôi thu hút."
- “Một số tình trạng ngủ mở mắt của bé là bình thường, nhưng một số khác là dấu hiệu cho thấy con đang gặp vấn đề về sức khoẻ, thế nên bố mẹ cần lưu ý, đừng chủ quan khi thấy con rơi vào tình huống này mà tốt nhất nên đưa con đi khám để nhận được sự hỗ trợ phù hợp từ bác sĩ.”
- “Nếu con ngủ mở mắt thì khi thức dậy vào ngày hôm sau sẽ rất mệt mỏi, vì não trẻ không thể nghỉ ngơi và giấc ngủ này chỉ là ngủ giả chứ nó không hề chất lượng".
Vậy sự thật về trạng thái ngủ mở mắt của trẻ nhỏ là như thế nào?
Trạng thái ngủ mở mắt của trẻ nhỏ là một hiện tượng phổ biến và tự nhiên. Đây là trạng thái khi trẻ có thể mở mắt, nhìn xung quanh, hoặc thậm chí có thể tương tác trong khi vẫn đang ngủ. Trạng thái này thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trong giai đoạn đầu của sự phát triển hệ thần kinh.
Trong giai đoạn sơ sinh, trẻ thường có những chu kỳ ngủ ngắn và liên tục tỉnh dậy trong thời gian ngắn. Trong khi ở trạng thái ngủ mở mắt, trẻ có thể có những hoạt động như nhích, kháng cự, hoặc thậm chí cười. Tuy nhiên, các hoạt động này thường không liên quan đến tương tác xã hội hoặc ý thức rõ ràng với môi trường xung quanh.
Trạng thái ngủ mở mắt của trẻ nhỏ sẽ dần giảm đi khi trẻ lớn lên và phát triển hệ thần kinh. Khi các kỹ năng giác quan và điều khiển cơ bắt đầu hình thành, trẻ sẽ trở nên tỉnh táo hơn trong thời gian thức và ngủ một cách rõ ràng hơn.
- Trẻ ngủ mở mắt có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, và dưới đây là một số lý giải phổ biến:
Trạng thái ngủ non-REM (giấc ngủ không chuyển động mắt): Trẻ sơ sinh có thể trải qua chu kỳ ngủ non-REM, trong đó mắt của trẻ có thể mở dù vẫn đang ngủ. Đây là một giai đoạn ngủ sâu và quan trọng cho sự phát triển của hệ thần kinh.
Đang chuyển từ trạng thái ngủ sang tỉnh táo: Khi trẻ chuyển từ trạng thái ngủ sang tỉnh táo, mắt của trẻ có thể mở dần. Điều này có thể xảy ra trong quá trình tỉnh dậy hoặc khi trẻ bắt đầu thức giấc vào buổi sáng.
Kích thích từ môi trường: Một số trẻ có thể mở mắt trong giấc ngủ khi có kích thích từ môi trường xung quanh, chẳng hạn như âm thanh, ánh sáng hoặc chuyển động. Mắt mở ra có thể là một cơ chế bảo vệ để trẻ có thể phản ứng nhanh chóng nếu có tình huống gây nguy hiểm.
Các vấn đề sức khỏe: Trong một số trường hợp, trẻ có thể ngủ mở mắt do các vấn đề sức khỏe như rối loạn giấc ngủ, viêm kết mạc, viêm họng hoặc vấn đề về hệ thần kinh.
- Trẻ ngủ mở mắt trong một số trường hợp thông thường không gây hại trực tiếp cho sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, việc trẻ ngủ mở mắt có thể gây ra một số vấn đề hoặc ảnh hưởng tiềm tàng như:
Mất giấc ngủ sâu: Khi trẻ ngủ mở mắt, môi trường xung quanh có thể gây kích thích và làm mất đi sự tập trung, trạng thái thư giãn của trẻ. Điều này có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ sâu và kéo dài thời gian để trẻ vào trạng thái ngủ sâu.
Mệt mỏi và cảm thấy không được nghỉ ngơi: Nếu trẻ thường xuyên ngủ mở mắt hoặc không thể đi vào trạng thái ngủ sâu, trẻ rất dễ rơi vào mệt mỏi và cảm thấy không được nghỉ ngơi đầy đủ. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự tỉnh táo và tinh thần của trẻ sau khi thức dậy.
Ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bố mẹ: Nếu trẻ thường xuyên ngủ mở mắt, tình huống này cũng có thể khiến cho bố mẹ cảm thấy lo lắng vì sợ con đang gặp vấn đề bất ổn. Khi không an tâm về con, tâm lý và trạng thái tinh thần của bố mẹ sẽ ảnh hưởng theo.
Rối loạn giấc ngủ: Trường hợp trẻ ngủ mở mắt kéo dài và liên tục có thể chỉ ra một vấn đề về giấc ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ. Nếu trẻ có triệu chứng như khó ngủ, thức dậy nhiều lần trong đêm, hay giấc ngủ không đủ và không thoải mái thì bố mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia Nhi khoa để được hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời.