Mới đây, Trường Tiểu học Binhe thuộc Tập đoàn giáo dục trường thực nghiệm Giang Nam (Trung Quốc), đã đăng một bộ ảnh các học sinh đang ngủ ngon sau bữa ăn trưa ở trường. Nhìn qua nhiều người sẽ thấy kỳ lạ hơn so với thông thường nhưng sau khi biết lý do, nhiều phụ huynh ai cũng phải thầm ao ước vì không phải trường tiểu học nào cũng có thể cho trẻ một chỗ ngủ trưa thoải mái vậy.
Trường Binhe thậm chí còn phân mỗi phòng học một phòng ngủ riêng để các em có thể nghỉ ngơi sau giờ ăn trưa. Thầy Hiệu trưởng cho rằng: "Chúng tôi rất quan tâm tới giờ nghỉ trưa của các em học sinh. Khi các bé còn học mẫu giáo đã quen với việc nằm ngủ mỗi trưa. Tuy nhiên, khi lên cấp tiểu học lại không có được chỗ ngủ như trước, điều đó khiến các em hết sức khó khăn để làm quen.
Rất nhiều bé phải nằm gục trên bàn, tư thế không thoải mái khiến cho các em học sinh càng mệt mỏi. Từ khi xây dựng trường mới có nhiều phòng học hơn, chúng tôi đã đưa ra ý tưởng thiết kế các phòng ngủ riêng, thoáng đãng, yên tĩnh để cho các học sinh có được giấc ngủ trưa thoải mái hơn".
Phòng ngủ tại trường tiểu học dành ưu tiên cho các bạn học sinh bé từ lớp 1- lớp 3.
Thời gian ngủ trưa của trường Tiểu học Binhe khoảng kéo dài khoảng một giờ, từ 12h15 đến 13h15. Phòng ngủ được trang bị chăn gối,điều hòa, quạt trần để đảm bảo giấc ngủ tốt nhất cho học sinh. Sau giấc ngủ, học sinh đều cảm thấy thoải mái và tràn đầy năng lượng để bắt đầu giờ học buổi chiều. Thậm chí, với những trẻ khó ngủ, các cô còn dành thời gian mát xa, thư giãn.
Giáo viên của trường cho biết: "Mỗi học sinh đều có bộ 3 đồ riêng: một chiếc nệm, một chiếc chăn bông và một chiếc gối. Để học sinh ngủ thoải mái hơn, các phụ huynh thường chọn mua nệm dày hơn để tránh bị lạnh lưng vào mùa đông”.
Cũng có bé không ngủ trưa nhưng với các thầy cô giáo điều này không sao, chủ yếu là bé không gây ảnh hưởng tới người khác.
Với những trẻ khó ngủ, các cô còn dành thời gian mát xa, thư giãn.
Còn với các bậc phụ huynh, nhận được thông báo trường có phòng ngủ trưa là điều vô cùng tuyệt vời. Một phụ huynh cho biết: "Tôi rất bất ngờ khi biết về phòng ngủ trưa của con mình. Giờ thì các con có được chỗ nghỉ ngơi rất tốt. Tôi còn thấy cô giáo mát xa đầu, mắt cho các bé để dễ đi vào giấc ngủ. Điều đó khiến tôi vô cùng cảm động. Là cha mẹ chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương từ các thầy cô giáo ở đây”.
Thực tế, rất hiếm trường học ở Hàng Châu, Trung Quốc có phòng nghỉ trưa cho học sinh. Một cán bộ Phòng Giáo dục cho biết: “Nhà nước quy định học sinh tiểu học phải học 6 tiếng một ngày, không tính giờ nghỉ trưa. Nói cách khác, các trường có thể bỏ qua giờ nghỉ trưa của học sinh. Theo nhu cầu của đa số phụ huynh, học sinh không về nhà buổi trưa và nhờ giáo viên quản lý giờ nghỉ trưa. Vào dịp hè thì không có nhiều rắc rối nhưng mùa đông, thời tiết lạnh, học sinh ngủ trên bàn dễ bị cảm lạnh, do đó nhiều trường không có quy định bắt buộc học sinh phải ngủ trưa".
Việc ngủ gục trên bàn gây ra rất nhiều ảnh hưởng tới cột sống, sức khỏe.
Ngay sau khi học kỳ mới bắt đầu, Khoa Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc tỉnh Chiết Giang sẽ tiếp nhận các học sinh tiểu học ngủ gục trong thời gian dài, dẫn đến thoái hóa khớp cổ. Bác sĩ Ji Weifeng từng điều trị cho một bé gái mới học lớp 1 cho biết: "Bé gái đã ngủ trưa ở tư thế ngủ gục trong một tuần ở trường, và sau đó nó ảnh hưởng đến đốt sống cổ của cô bé".
Tiến sĩ Ji phân tích thêm "Khi đầu của một người nghiêng về một bên, hoặc xoay quá mức, sẽ dễ gây tổn thương dây chằng và loạn trương lực cổ. Ngoài ra, các bệnh về đường hô hấp trên như amidan, tai giữa và vòm họng cũng có thể gây ra hiện tượng chảy dịch khớp dưới sụn. Đối với trẻ em, khớp xương chưa phát triển đầy đủ và dễ gây ra một loạt các triệu chứng”.
Thực tế còn rất nhiều trường cấp 1 do cơ sở vật chất thiếu thốn vẫn phải để học sinh nghỉ ngơi theo cách này.
Theo các bác sĩ, nằm thẳng là tư thế ngủ tốt nhất. Tuy nhiên, đối với nhiều trường, cơ sở vật chất có hạn sẽ không thể có phòng ngủ riêng cho các bé.
Li Xiaobo, bác sĩ trưởng Khoa mắt của Bệnh viện Nhi Hàng Châu, cho biết: Nhiều trẻ em sẽ áp tay lên mắt khi nằm gục trên bàn để ngủ. Sau khi ngủ dậy, mắt dễ bị tê, nhức và tạm thời bị mờ.
Các bác sĩ khuyến cáo, những trẻ hay nằm gục khi ngủ không nên dùng tay làm gối mà nên tìm một chiếc gối nhỏ hoặc vật mềm cho trẻ kê. Không nên cúi đầu quá nhiều, không nên thường xuyên quay đầu sang một bên. Một giấc ngủ trưa kéo dài khoảng nửa tiếng là phù hợp với trẻ.