Sáng ngày 29/8, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã phối hợp với lực lượng chức năng quận Long Biên chuyển 4 người già và 8 trẻ nhỏ ở chùa Bồ Đề về nơi ở mới.
Ghi nhận tại chùa Bồ Đề, có hai xe ô tô đón các em nhỏ và người già về nơi ở mới. 8h sáng phóng viên có mặt tác nghiệp đưa tin, tuy nhiên quản lý chùa Bồ Đề đã ngăn cản không cho vào bên trong. Lực lượng bảo vệ chùa cũng đặt hàng rào chắn ở ngay lối vào khu ở của các em nhỏ.
Khi các em nhỏ và người già được chuyển lên ô tô, những người ở lại đã bật khóc nức nở.
Bà Lại Thị Hồng Sen (45 tuổi), người nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề cho biết, bà ở đây đã 9 năm rồi, hằng ngày bà thường xuyên chăm sóc trẻ sơ sinh ở trong chùa. “Ngày ngày tôi vẫn thường chăm sóc, cho trẻ ăn. Những lúc như vậy, nhìn các cháu rất dễ thương. Giờ phải nhìn các cháu chuyển đi lòng tôi đau, cảm giác giống như tôi vừa mất đi đứa con của mình vậy”, bà Sen nói.
Người nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề vẫy tay chào em nhỏ trước khi về ngôi nhà mới
Bà Sen cho biết, ở chùa Bồ Đề, các em nhỏ thoải mái, nhận được tình cảm thương yêu từ người thân, du khách thập phương đến và các em hay được quà. Bà rất lo khi chuyển về nơi ở mới các em nhỏ sẽ buồn, không được vui vẻ như ở chùa Bồ Đề.
Cũng có mặt trong buổi tạm biệt các em nhỏ về ngôi nhà mới, Cù Sỹ Đạt, 23 tuổi, người từng sống ở chùa Bồ Đề cho hay, hôm nay nghe tin các em nhỏ chuyển đi nên Đạt cùng một số người khác về thăm, chia tay các em.
“Khi còn sống ở chùa tôi thường hay chơi đùa với các nhỏ. Một số em nhỏ quý tôi còn hay gọi là “bố”. Sáng nay khi thấy các em chuyển đi lòng tôi đau lắm. Hy vọng các em về ngôi nhà mới sẽ hạnh phúc”, Đạt nói.
Ông Nguyễn Quốc Long, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận Long Biên cho biết, trong buổi sáng sở đã chuyển 8 trẻ nhỏ và 4 người già về ngôi nhà mới ở xã Thụy An. Trẻ nhỏ được chuyển về Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em tàn tật, còn người già chuyển về Trung tâm bảo trợ xã hội số 3.
Trước đó ngày 22/8, Sở Lao động, quận Long Biên đã tổ chức đưa 33 người (15 người già và 18 cháu bé) đang được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề lên Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ khuyết tật, Trung tâm bảo trợ xã hội 2, ở xã Thụy An, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Ông Đỗ Đức Hồng, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em tàn tật, huyện Ba Vì, Hà Nội cho biết, trung tâm đã ra thông báo tìm thân nhân của những trẻ này. Trong thời hạn 30 ngày nếu không ai đến nhận, cơ sở sẽ làm khai sinh cho các cháu tại UBND xã Thụy An và làm thủ tục cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho trẻ theo quy định.
Đến giữa tháng 8/2014, tại chùa Bồ Đề có là 194 người. Trong đó, 135 người thuộc đối tượng trẻ em và người tàn tật, người cao tuổi (trẻ em từ 0 đến 5 tuổi là 55 em; từ 6 đến dưới 16 tuổi là 37 em; người tàn tật trên 16 tuổi, người cao tuổi thuộc nhóm đối tượng BHXH 34 người; người tàn tật trên 16 tuổi 7 người; người cao tuổi 27 người). Đối tượng là giúp việc và trẻ em là con, cháu người giúp việc có 59 người (người giúp việc 35 người, trẻ em là 24 trẻ).
Những đứa trẻ sống ở chùa Bồ Đề. Trong ngày 29/8, có 12 người ở chùa chuyển đến ngôi nhà mới
Người già và trẻ em được chuyển lên ô tô về ngôi nhà mới Trung tâm nuôi người già và trẻ em tàn tật xã Thụy An, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Trong số 12 người chuyển đi có 8 trẻ em
Người ở chùa Bồ Đề chuyển đi đã bật khóc
Khuôn mặt thẫn thờ của người thân ở chùa Bồ Đề sau khi trẻ chuyển đi
Bà Lại Thị Hồng Sen, người nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề (áo hồng bên phải) đã rơi lệ khi thấy trẻ nhỏ chuyển đi
Anh Cù Sỹ Đạt, một người con từng sống ở chùa đã lặng người đi khi thấy trẻ nhỏ phải chuyển đi
Một số trẻ khác chưa chuyển đi ở lại chùa đã bật khóc
Trong lúc các trẻ khác chuyển lên ô, một bé gái lớn đã bế em trai an ủi em để em đỡ sợ
Xe ô tô chở các em nhỏ và người già về nơi ở mới