“Cuối cùng thì giờ phút thiêng liêng mà ba mẹ mong chờ bấy lâu cũng đến, con yêu của mẹ đã chào đời! Sự xuất hiện của con khiến cho cuộc sống của mẹ thật ý nghĩa và từng ngày con lớn lên đều mang đến cho mẹ những trải nghiệm thú vị.”
Tôi là một người phụ nữ mới lên chức mẹ, đó thật sự là một điều vô cùng hạnh phúc đối với tôi. Chăm sóc con yêu và nhận biết những thay đổi ngày qua ngày của con là một điều rất thú vị đối với bản thân tôi, chính vì thế, tôi rất mong muốn được chia sẻ những thông tin về con gái yêu của mình – những điều mà tôi chắc rằng nó sẽ rất hữu ích đối với những người mẹ trẻ lần đầu sinh con như tôi.
Khi vừa chào đời, con rất khác so với tưởng tượng của mẹ
Sau hơn nửa ngày trời, cuối cùng quá trình vượt cạn của tôi đã thành công, mặc dù gần như đã mệt lả đi nhưng tôi như bừng tỉnh khi nghe tiếng con gái yêu khóc những tiếng đầu tiên. Cắt rốn xong xuôi cho con tôi, cô bác sĩ đã bế con lại gần để tôi được nhìn cháu. Tôi vẫn nhớ như in giây phút đó, nhìn con thật khác so với tưởng tượng của tôi. Con gái tôi nhỏ xíu, nằm gần như lọt trong đôi bàn tay cô bác sĩ, khuôn mặt con hơi nhăn nheo, mái tóc thì lơ thơ những sợi lông tơ, hai mắt vẫn đang nhắm nghiền và còn vương dử mắt, đôi tay và đôi chân thì co lại và run run. Tôi xúc động đến trào nước mắt khi nghe lời động viên từ cô hộ lý: “Chúc mừng chị, con gái khóc to thế này là khỏe lắm đây”. Một điều thật kỳ lạ, chỉ vài ngày sau sinh khuôn mặt con đã có những thay đổi rõ rệt và trở nên xinh đẹp như tôi hằng tưởng tượng.
Con chẳng hề đáp lại mẹ cho đến tận tuần thứ sáu
Tôi đã rất mong chờ một nụ cười hay một phản ứng thân thương từ con gái, nhưng điều đó chỉ thật sự đến khi con được 6 tuần tuổi. Quãng thời gian đầu, những phản ứng tôi nhận từ con đó chỉ là những tiếng khóc nhè hay ọ ẹ để báo hiệu rằng con đang đói hoặc con đã tè ướt hết tã lót rồi. Nhưng tôi vẫn cảm nhận được rằng, một sự gắn kết vô hình vẫn đang kết nối giữa tôi và con yêu ngay cả khi con chưa nhận thức được về thế giới xung quanh.
Đừng quá lo lắng về cuống rốn của con
Mặc dù khá cầu kỳ trong việc chăm sóc rốn cho con trong những tuần đầu và để cuống rốn của con rụng tự nhiên, hoàn toàn khô ráo nhưng có một vấn đề đã khiến tôi khá lo lắng đó là: rốn của con lồi ra ngoài đến chừng 1,5 cm và quan sát thì thấy thâm hơn các vùng da bình thường. Tôi đã yên tâm hơn phần nào khi đưa cháu đến khám bác sĩ và được khẳng định rằng trạng thái rốn như vậy là hoàn toàn bình thường nhưng tôi lại lo đến vấn đề thẩm mỹ của con gái sau này. Với cái rốn lồi rõ to như vậy thì sau này biết mặc quần áo như thế nào cho đẹp được. Thế nhưng mọi chuyện đã không nghiêm trọng như tôi nghĩ, chỉ sau khoảng 3 tháng, rốn con gái từ từ thu lại và đến bây giờ thì hốc rốn khá sâu và đẹp.
Thóp của con sẽ dần dần cứng lên
Những tháng đầu tiên, tôi rất e dè mỗi khi phải chạm vào thóp của con gái vì nó quá mềm. Khi tắm hay mặc quần áo cho con tôi đều rất cẩn thận và luôn cảnh giác khi cậu cháu trai 5 tuổi mon men lại gần và xoa đầu em. Nhưng khi tìm hiểu rõ thông tin thì tôi hiểu hơn rằng, thóp trẻ được bảo vệ khá vững chắc bởi các mô mỏng nằm dưới da đầu, do đó không thể dễ dàng bị tổn thương do các tác động từ tay mọi người trong quá trình gội đầu hay đội mũ cho trẻ. Đồng thời cũng rất may mắn là thóp của con gái tôi liền khá nhanh và đầu của con đến thời điểm tháng thứ 10 này đã khá cứng cáp rồi.
Con sẽ "ý kiến" ngay khi đã ăn đủ
Một điều khá may mắn đối với hai mẹ con tôi đó là tôi có khá nhiều sữa để cho cháu bú mà không cần dùng đến sữa công thức trong suốt 3 tháng đầu. Cứ mỗi 2-3 giờ tôi lại cho cháu ăn. Những ngày đầu tiên tôi cảm thấy lo lắng vì nếu cho con bú sữa công thức thì dễ quá, sẽ biết liều lượng để pha cho con, đằng này con ti sữa mẹ thì không biết đâu mà đong đếm cả. Sau tuần đầu tiên, tôi lại càng băn khoăn vì con không tăng cân mà còn bị sụt đi mất vài lạng. Nhưng chuyện ăn uống của con cũng nhanh chóng đi vào quỹ đạo bởi cứ khi nào con no là con tự động nhả ti của mẹ ra. Tôi cũng yêu tâm hơn khi thấy con đều đặn mỗi ngày tè ướt khoảng 5-6 cái tã và đi ị 2 lần.
Giữ gìn vệ sinh cho con là điều quan trọng
Mẹ cần giữ gìn vệ sinh cho trẻ sơ sinh sạch sẽ (ảnh minh họa)
Để con yêu luôn có một thể trạng khỏe mạnh, tôi khuyên các bạn không nên chỉ chú ý đến vấn đề vệ sinh cá nhân cho con mà còn cần lưu ý đến các vấn đề như sau: Hạn chế đưa trẻ sơ sinh đến những nơi đông đúc ví dụ như trung tâm mua sắm ngày cuối tuần hoặc những nơi có người đang bị bệnh. Yêu cầu mọi người cần rửa tay sạch sẽ trước khi bế em bé và thay vì vuốt ve lên má và tay bé thì chạm nhẹ vào chân bé thôi.
Khóc là cách giao tiếp của con
Tuần đầu sau sinh, tôi cảm thấy trẻ con thật là khó hiểu. Tôi có cảm tưởng như con gái đang khóc một cách vô cớ bởi bản thân mình không thể hiểu tại sao con khóc. Nhưng chỉ sang đến tuần thứ hai, tất cả những cử chỉ và biểu hiện của con tôi đều nhận ra là nó có lý do cả và nhất là khi con khóc. Con gái tôi được mọi người đánh giá là “lành tính”, chỉ lúc nào đói, lạnh hay ướt mông thì con mới khóc để báo cho mẹ biết. Và sẽ ngoan ngoãn ngậm ti mẹ hay nằm chơi ngay khi được mẹ chăm sóc đúng ý.
Con sẽ ngủ rất nhiều
Tôi có cảm giác như hai tháng đầu đời của con gái chỉ dành cho việc ngủ. Cứ khoảng 2-3 giờ, thấy con gái ọ ẹ là tôi biết con đói, ti mẹ no xong là con lại lim dim ngủ. Rất may mắn là con gái tôi ngay từ những tháng đầu đã có thể ngủ qua đêm chỉ trừ một lần dậy duy nhất để ti mẹ. Từ tháng thứ ba trở đi, con ngủ ít hơn và thức để chơi nhiều hơn. Thông thường con chỉ ngủ ba giấc ngủ ngắn vào giữa giờ sáng, buổi trưa và giữa giờ chiều. Vì muốn giữ thói quen ngủ qua đêm của con nên với các giấc ngủ ngắn tôi thường không để con ngủ quá lâu mà sẽ đánh thức con dậy sau khoảng 1-1,5 giờ.
Giai đoạn sơ sinh rồi sẽ nhanh qua
Niềm vui làm mẹ thực sự là một điều rất lớn đối với tôi, nhưng tôi cũng không thể phủ nhận rằng tôi cũng có những giây phút thực sự căng thẳng và mệt mỏi. Vốn là một người không thích gò bó, luôn thích giao lưu và đi lại nhưng 6 tháng nghỉ sinh và ở nhà chăm sóc con là một điều khá khó khăn đối với tôi.
Tháng đầu tiên, bà nội và bà ngoại yêu cầu tôi chỉ được ở trong nhà, không được ra ngoài, tháng thứ hai và tháng thứ ba thì phải thật hạn chế. Từ tháng thứ tư trở đi thì cả bà nội và bà ngoại đều về nhà để hai mẹ con tôi tự chăm nhau. Như vậy là cả sáu tháng trời tôi chỉ loanh quanh ở nhà với con với những việc quen thuộc như cho con ăn, thay tã cho con, tắm gội cho con,…Nhưng rồi thời gian 6 tháng cũng trôi qua thật nhanh, và chính nhờ thiên thần bé nhỏ luôn ở bên cạnh tôi thật ngoan ngoãn và xinh đẹp đã khiến không hề cảm thấy stress hay bị trầm cảm như một số phụ nữ khác. Tôi đi làm lại khi con gái được 7 tháng, những ngày đầu một suy nghĩ luôn thường trực trong tôi đó là ý nghĩ về con: không biết giờ này con gái đã ăn bột chưa, con có đói không, có khóc nhè không và ao ước được về nhà ngay để ôm con vào lòng!