Hôm nay, tôi tình cờ đọc được bài viết Bí kíp sống sót của một ông bố trẻ, rất thú vị và hấp dẫn. Nó làm tôi hồi tưởng lại khoản thời gian một tháng đầu nuôi con của tôi. Nhiều điều bỡ ngỡ, niềm vui lớn vì được gặp con nhưng căng thẳng cũng…to không kém. Tôi đột nhiên cũng muốn ‘phóng bút’ viết một chút về Bí kíp sống sót của mình. Đương nhiên tôi biết, bất cứ bà mẹ nào cũng ‘sống sót’ cả. Tuy nhiên, có người trải qua 1 tháng đầu sau sinh rất hạnh phúc, có người lại coi đó là khoảng thời gian kinh khủng của cuộc đời, có người vui vẻ, có người lại mắc phải chứng trầm cảm sau sinh. Để các bà mẹ trẻ lần đầu nuôi con tận hưởng được những tháng ngày vui vẻ nhất bên thiên thần nhỏ của mình. Tôi xin mạn phép kể lại chút kinh nghiệm của bản thân
Bí kíp 1: Hãy hỏi ngay lập tức
Đúng vậy, tôi khuyên tất cả các chị em, việc đầu tiên ta cần làm, đó là gọi điện cho mẹ, mẹ đẻ, mẹ chồng, cô ruột, bác họ, cô bạn thân đã có con nhỏ, … tất cả những người phụ nữ đã và đang nuôi con. Cứ ở đâu có em bé mới sinh, ở đó sẽ có những người mẹ, những người phụ nữ tận tình giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm. Và hãy tin tôi, những kinh nghiệm này là vô cùng quí giá.
Bí kíp 2: Cho mọi người thấy mình cũng là một bà mẹ
Có quá khó hiểu? Liên quan đến bí kíp 1, khi hỏi xin kinh nghiệm của các bà mẹ khác, chị em cần nhớ vẫn phải cho họ biết được rằng đứa trẻ này là con mình và chị em chính là mẹ của chúng, là người sẽ có quyền quyết định xem phải nuôi và dạy chúng như thế nào. Việc này vô cùng quan trọng bởi chúng ta điều biết, phụ nữ rất nhiều chuyện, đôi khi tốt bụng quá mức. Mẹ chồng, mẹ đẻ, bạn bè..rất nhiều người thậm chí sẽ muốn “lái” ta phải nuôi con theo ý của họ. Điều này là không thể. Hãy lắng nghe các lời khuyên, và lựa chọn làm theo những gì mà bản thân cảm thấy là đúng đắn. Tôi luôn chăm con theo bản năng của mình. Những gì không biết, tôi hỏi. Vậy nhưng quyết định cuối cùng, vẫn phải là do tôi quyết. Nếu bản năng mách bảo tôi cần phải tháo bớt áo cho con, dù mẹ chồng cho rằng bé có thể bị lạnh, tôi vẫn kiểm tra mồ hôi bé và quyết định cởi bớt áo. Nếu bản năng mách bảo tôi cần phải cho con bú khi bé đang khóc, dù cô bạn thân cản rằng bé mới ăn cách đây 30 phút, tôi vẫn bế con và cho bé bú. Tôi tin rằng mỗi người phụ nữ đều có bản năng tuyệt vời và tình mẫu tử gắn kết với đứa con của mình.
Bí kíp 3: Hãy tranh thủ ngủ khi con ngủ
Tôi biết, tất cả các bà mẹ đều được nghe lời khuyên “Hãy tranh thủ ngủ khi con ngủ”. Hãy nghe lời khuyên đó. Tại sao tất cả mọi người đều khuyên mẹ như vậy? Đó là đây là kinh nghiệm mà bất cứ một bà mẹ nào sau khi trải qua những ngày đầu chăm con đều nhận ra. Trẻ sơ sinh có lịch sinh hoạt thất thường, và người mẹ bắt buộc phải “sống” theo lịch của con nếu không muốn kiệt sức. Hãy nhờ người nhà làm giúp những công việc như cơm nước, giặt giũ, rửa bình hay dọn bỉm và nghỉ ngơi khi có thể.
Bí kíp 4: Trẻ khóc là quá bình thường
Sinh không chỉ là một bước ngoặt đối với mẹ mà còn cả với bé. Từ một môi trường tối, ấm áp, không trọng lượng, thức ăn luôn sẵn và nhịp tim của mẹ ru bé vào giấc ngủ, thì nay, bé phải làm quen với một thế giới mới, nhiều ánh sáng, lạnh, bị đói và rất ồn ào. Đó là lý do khiến trẻ hay khóc quấy, khó chịu, cáu gắt. Thêm vào đó, khóc là phương thức giao tiếp của con. Nên chị em mới nuôi con đừng quá lo lắng khi con khóc, cũng đừng cố bỏ mặc con mà tội nghiệp. Những tuần đầu tiên rất quan trọng để thiết lập mỗi quan hệ mẹ - con. Hãy bế con, ôm con, dỗ dành và an ủi chúng những khi chúng khóc. Điều này là vô cùng cần thiết.
Bí kíp 5: Trẻ ăn uống thất thường – cũng là điều hiển nhiên
Bất kể chị em lần đầu làm mẹ cho con ăn sữa ngoài hay ti mẹ, cũng đừng quá kỳ vọng bé sẽ ăn đúng qui luật hay cố ép bé ăn theo khung giờ nhất định. Trẻ sơ sinh thông minh hơn mẹ tưởng. Chúng biết khi nào mình đói và sẽ đòi ăn cho đủ no. Thêm vào đó, dạ dày của trẻ trong 1-2 tuần đầu chỉ nhỏ bằng 1 quả óc chó. Do vậy, đừng lo con ăn không đủ no. Đặc biệt là với mẹ cho con bú, bé sẽ đòi ăn rất nhiều lần lắt nhắt trong ngày. Kiên trì được thời gian đầu, về sau con sẽ tự giác đi vào qui củ và mẹ cũng sẽ có nhiều sữa dần.
Bí kíp 6: Chăm sóc lấy bản thân
Yêu lấy bản thân sẽ giúp mẹ thoát khỏi trầm cảm sau sinh (ảnh minh họa)
Dù là sinh mổ hay sinh thường, chị em đều sẽ rất mệt mỏi và cảm thấy cơ thể mình xấu xí đi rất nhiều sau sinh. Tôi còn nhớ ngày đầu tiên tôi ôm con từ viện về nhà, đương nhiên tôi vẫn mặc trên người bộ váy bầu to nhất của mình. Điều này làm tôi khá “sốc” vì tôi cứ tưởng sau khi “lấy” con ra, tôi sẽ ngay lập tức chui tọt vừa vào cái quần bò size XS. Thêm vào đó, những “lời đồn” không được tắm hay không được đánh răng càng khiến tôi hình dung bản thân mình sẽ thật “thê thảm”. Tuy nhiên, lời khuyên của tôi đó là không cần thiết phải bỏ mặc bản thân mình như vậy. Ngay sau khi hết sản dịch, tôi bắt đầu gen bụng nhẹ nhàng.. Biết mình không thể gầy nhanh trong một sớm một chiều, tôi sắm sanh cho bản thân những bộ đồ cho con bú đáng yêu và xinh xắn. Tôi tắm và gội đầu ngay từ ngày thứ 3, với nước ấm có hòa rượu gừng nghệ và chỉ sau một thời gian ngắn, da tôi trắng hồng lên thấy rõ. Thêm vào đó, tận hưởng bộ ngực đẫy đà hơn vì cho con bú cũng khiến bản thân tôi cảm thấy mình đẹp lên. Chăm sóc bản thân chính là một trong những bí quyết lớn giúp tôi tránh khỏi trầm cảm sau sinh.
Bí kíp 7: Chăm sóc lấy cuộc hôn nhân của mình
Đây là một sự thay đổi rất lớn, rất rất lớn trong cuộc hôn nhân của hai vợ chồng, vì vậy cả người chồng và người vợ (hay là bố và mẹ) cần phải xin lỗi nhau trước cho bất kỳ cơn giận, lời nói thiếu suy nghĩ , hoặc nhu cầu chưa được đáp ứng có thể xảy ra trong tương lai gần. Chúng ta đã chuyển từ gia đình 2 người sang gia đình 3 người và sự thay đổi đó là điều không hề dễ dàng. Rất nhiều cặp vợ chồng đã lục đục, xích mích chỉ trong tháng đầu tiên nuôi con. Một số “sống sót”, có những đôi lại “tan đàn xẻ nghé”. Là phụ nữ, chúng ta đừng quá gồng mình lên trong mọi công việc để rồi sẽ bị căng thẳng và cáu gắt, hãy nhờ chồng giúp mình là cho các ông chồng biết rằng ta cần họ đến mức nào. Cũng đừng mải mê chuyện con cái mà quên đi việc yêu thương chồng. Hiểu chồng và tâm sự để chồng hiểu ta, đó chính là chìa khóa giúp tháng đầu sau sinh không còn cãi vã, căng thẳng. Nên nhớ, đứa trẻ sẽ là cầu nối giúp hai vợ chồng gần nhau hơn, không phải ngược lại.