Hầu hết bố mẹ đều tỏ ra lo lắng và băn khoăn, khi trẻ nhỏ chuẩn bị chuyển cấp từ Mầm non lên Tiểu học. Đây được xem là một bước ngoặt lớn đầu tiên, đánh dấu sự phát triển hoàn toàn mới của trẻ nhỏ. Ở giai đoạn này, trẻ sẽ phải đối diện với nhiều sự thay đổi: môi trường học tập, vui chơi, thói quen sinh hoạt, chương trình giáo dục và các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô giáo. Mức độ thích nghi của trẻ tại đây, sẽ đánh giá được rằng, trước đó bố mẹ có cùng trẻ chuẩn bị tốt nhất những điều cần thiết hay không?
Nếu “hành trang” của trẻ đã đủ dày, và tâm thế của trẻ cũng đã vững vàng thì bố mẹ không cần phải quá lo lắng. Bởi vì, rất nhanh thôi trẻ sẽ hòa nhập với môi trường mới. Tuy nhiên, nếu bố mẹ tỏ ra thờ ơ mà không có sự chuẩn bị từ trước cho trẻ, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ham muốn học tập và thiết lập các mối quan hệ của trẻ ở trường Tiểu học.
Các chuyên gia đưa ra 5 lời khuyên dưới đây, bố mẹ có thể tham khảo để lựa chọn phương pháp phù hợp nhất cho trẻ. Việc bố mẹ tập trung giúp trẻ chuẩn bị tốt mọi khía cạnh trong giai đoạn chuyển cấp, trẻ sẽ trở nên ngoan ngoãn và tự tin bước vào Tiểu học.
Chuẩn bị thể chất
Chế độ ăn uống, ngủ nghỉ và tập luyện thể dục thể thao là hai yếu tố chính quyết định đến sức khỏe thể chất của trẻ. Trước khi trẻ được chuyển đổi từ Mầm non lên Tiểu học, bố mẹ cần rèn luyện thói quen tốt cho trẻ trong vấn đề này.
Chế độ ăn uống và ngủ nghỉ ở môi trường Tiểu học sẽ khác xa so với Mầm non. Nếu ở Mầm non, trẻ được cung cấp các bữa ăn phụ vào buổi sáng và buổi chiều, thì ở Tiểu học chỉ có duy nhất một bữa chính là bữa ăn trưa. Vì vậy, trẻ phải được đảm bảo thói quen ăn đủ ngày 3 bữa, trong đó bữa ăn sáng phải đầy đủ chất để duy trì năng lượng hoạt động cho đầu ngày.
Đặc biệt, trẻ cần chỉnh sửa ngay các thói quen xấu như kén ăn, ăn chậm hay nghịch ngợm khi ăn. Bởi vì, nó không có lợi cho quá trình sinh hoạt, ăn uống trong môi trường tập thể lớp học.
Để đáp ứng đủ lượng giờ cho các môn học, ở Tiểu học giờ giấc khá khắt khe và thời gian để ngủ của trẻ cũng không nhiều như Mầm non. Nếu trẻ không điều chỉnh lại thói quen giờ giấc, tình trạng đi trễ hoặc mất tập trung và ngủ gật trong lớp ở trẻ sẽ càng phổ biến.
Ngoài ra, thể dục là một trong những yêu cầu bắt buộc khi trẻ vào Tiểu học. Đối với môn học thể dục, sẽ có những bài kiểm tra nhỏ để kiểm tra thể lực dành cho trẻ. Trẻ có thể tập luyện trước để làm quen dần.
Một sức khỏe tốt sẽ giúp trẻ học tập hiệu quả trong môi trường mới.
Chuẩn bị thói quen
Thực tế đã chứng minh, thói quen tốt là con đường nhanh nhất dẫn đến thành công, nhưng ngược lại thói quen xấu sẽ dễ dàng đẩy con người xuống đầm lầy của sự thất bại. Và cách tốt nhất để nuôi dạy một đứa trẻ giỏi giang, đó là rèn luyện cho trẻ những thói quen tốt.
Trong đó thói quen sinh hoạt và thói quen học tập là hai thói quen quan trọng, để trẻ “nhập cuộc” với chương trình của bậc Tiểu học thuận tiện nhất.
Thói quen sinh hoạt điều độ và lành mạnh như ăn đủ chất, ngủ đủ giờ, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thậm chí là tham gia vào các công việc nhà sẽ giúp trẻ phát triển những tính cách tốt trong tương lai, ví dụ như tính tự lập, kiên nhẫn, chăm chỉ và biết giúp đỡ người khác,...
Bên cạnh đó, thói quen học tập sẽ quyết định rất lớn đến sự phát triển về mặt IQ và thành tích ở trường của trẻ. So với những đứa trẻ lười biếng, trẻ có thói quen học tập sẽ rèn luyện được tính siêng năng, bởi vì trẻ thực sự có ham muốn học tập và được tiếp thu những kiến thức bổ ích. Biểu hiện của thói quen này là việc trẻ thường xuyên đọc sách, viết nhật ký hoặc rèn luyện vở sạch chữ đẹp,...
Thói quen sinh hoạt nghiêm túc, nề nếp là điểm cộng để trẻ thích nghi nhanh hơn.
Chuẩn bị năng lực
Bố mẹ cần trau dồi năng lực cho trẻ, bằng cách để trẻ thực hành những bài “kiểm tra, đánh giá” thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày. Nếu trẻ làm tốt, vượt qua mọi bài kiểm tra thì khi trẻ bước vào Tiểu học, trẻ sẽ không cảm thấy bỡ ngỡ và hoang mang.
Sự chuẩn bị về năng lực bao gồm khả năng quản lý thời gian, khả năng tự chăm sóc bản thân, khả năng tập trung, khả năng giao tiếp, khả năng tự kiểm soát,... Mỗi khả năng sẽ được áp dụng linh hoạt vào từng tình huống cụ thể và khác nhau. Khi trẻ có thể cân bằng được tất cả, trẻ sẽ cảm thấy mọi việc đều rất dễ dàng để thực hiện.
Và cũng nhờ vậy mà trẻ càng thêm tự tin và nhạy bén hơn, dù ở bất kỳ môi trường nào, không chỉ riêng môi trường bậc Tiểu học mà còn nhiều bậc học nữa trong tương lai. Đây sẽ là vũ khí “lợi hại” nhất để trẻ trở nên mạnh mẽ, “chiến đấu” với mọi thử thách trên hành trình chinh phục con đường học vấn về sau.
Đối với những đứa trẻ có năng lực xã hội cao, trẻ sẽ dễ dàng kết bạn để mở rộng mối quan hệ.
Chuẩn bị kiến thức
Trong vấn đề về mặt kiến thức cần chuẩn bị cho trẻ ở giai đoạn chuyển cấp, nhiều bố mẹ đã đưa ra những ý kiến khác nhau. Có người cho rằng, trẻ không cần phải chuẩn bị gì mà nên để đầu óc thư giãn sẽ tốt hơn cho sự phát triển tự nhiên của trẻ.
Bởi vì trẻ còn khá nhỏ để chịu đựng những áp lực, nếu bố mẹ bắt ép hay thúc dục trẻ thì sẽ chỉ càng gây tác động mạnh đến tâm lý của trẻ. Sau một thời gian, rất có khả năng tình trạng sức khỏe về mặt tinh thần của trẻ sẽ gặp vấn đề xấu, chẳng hạn như quá áp lực mà dẫn đến bệnh stress.
Tuy nhiên, một bộ phận bố mẹ lại có suy nghĩ ngược lại. Họ cho rằng, việc chuẩn bị kiến thức cho trẻ trước khi chuyển cấp, chính là đang giúp trẻ. Điều này sẽ làm giảm đi một phần lo lắng ở trẻ.
Khi đối diện với lượng kiến thức hoàn toàn mới lạ, trẻ sẽ cảm thấy tự tin hơn nhờ vào sự chuẩn bị kỹ lưỡng của bản thân vào trước đó. Thay vì trẻ sẽ rơi vào trạng thái tiêu cực như bị ngợp hay khủng hoảng, rồi lơ ngơ và không thể theo kịp bạn bè.
Khi trẻ đã chuẩn bị kỹ những kiến thức nền tảng, trẻ sẽ tự tin đối mặt với môi trường học tập mới.
Chuẩn bị tâm lý
Đứa trẻ nào cũng đều mang tâm lý chung là sợ hãi và lo lắng khi bước vào môi trường mới. Bởi vì có rất nhiều sự khác nhau giữa những cái quen thuộc trước đây và cái mới mà trẻ sắp phải đối diện, chẳng hạn như môi trường, các yêu cầu và chuẩn mực học tập, phương pháp giáo dục,... Vì thế, chuẩn bị tâm lý vững vàng và thoải mái là điều kiện tối cần mà bố mẹ nên tạo cho trẻ.
Để làm được điều này, bố mẹ hãy dành nhiều thời gian để chia sẻ và lắng nghe trẻ. Trong điều kiện phù hợp, bố mẹ có thể lựa chọn giải pháp thỏa mãn nhu cầu, hay sở thích nào đấy của trẻ, phục vụ cho vấn đề học tập, để kích thích sự hứng thú cho trẻ.
Nếu trẻ mang vẻ tò mò, phấn khởi với những nhận thức tốt đẹp về trường học thì bố mẹ đã thành công hoàn thành nhiệm vụ trấn an tinh thần, chuẩn bị tâm lý vững vàng cho trẻ. Lúc này, bố mẹ có thể yên tâm gửi trẻ đến trường học.
Ngược lại, bố mẹ tuyệt đối đừng thể hiện những lời nói hay hành vi tạo cảm giác nặng nề và áp lực lên trẻ. Bởi vì, đứa trẻ nào cũng cần phải có thời gian để thích nghi, năng lực của trẻ không thể “ngày một, ngày hai” là có thể đáp ứng được mọi điều kiện mà bố mẹ đưa ra. Đặc biệt là đòi hỏi của bố mẹ về mặt thành tích. Muốn tốt cho sự phát triển của trẻ, thay vì gấp gáp rồi “hư chuyện” thì bố mẹ hãy kiên nhẫn chờ đợi và tin tưởng vào con.
Những lời động viên, khích lệ là nguồn động lực lớn để trẻ mạnh mẽ đón nhận thử thách mới.