Trước mỗi bước ngoặt trong hành trình khôn lớn của trẻ, hầu hết ông bố bà mẹ nào cũng mang tâm lý hào hứng, nhưng đan xen đó là vô vàn những nỗi lo. Trong trường hợp bố mẹ không giúp trẻ chuẩn bị tốt những hành trang cần thiết, để bắt đầu một thử thách mới thì trẻ sẽ rất vất vả trong việc thích nghi.
Các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên rằng, khi trẻ bước vào một môi trường hoàn toàn khác so với môi trường giáo dục trong gia đình, trẻ có thể có cảm giác “choáng ngợp”. Vì thế, công tác chuẩn bị tư tưởng, tâm lý và rèn luyện các thói quen cần thiết là nhiệm vụ quan trọng dành cho các bậc phụ huynh.
Sau một thời gian học tập và sinh hoạt ở trường, mỗi đứa trẻ sẽ thiết lập được nề nếp cho bản thân. Trong vấn đề ăn uống, trẻ sẽ tự giác tuân thủ nội quy mà không cần đợi nhắc nhở. Tuy nhiên, chị Cẩn Du (Trung Quốc) lại cảm thấy rất khó hiểu.
Bởi vì con gái A Nghi của chị, ban đầu đã thích nghi với môi trường mẫu giáo khá nhanh, cô bé không hề khóc. Nhưng chỉ có một điểm chưa hoàn thiện, đó là khi ở trường thì cô bé có thể tự ăn một cách ngoan ngoãn, còn lúc về nhà thì thay đổi 180 độ. Vào mỗi giờ ăn, bé thường tỏ thái độ chán ghét và thường xuyên mè nheo với bố mẹ.
Chị Cẩn Du đã đặt một dấu hỏi lớn trong lòng: “Điều gì đã xảy ra?” Và trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ cũng cảm thấy hoang mang khi rơi vào tình huống này. Họ cảm giác như đứa trẻ lúc ở trường và ở nhà là hai bản thể hoàn toàn khác nhau. Thậm chí, dù nhận được câu trả lời từ cô giáo, rằng bé rất ngoan ngoãn khi ở trường thì nhiều phụ huynh cũng tỏ ra vô cùng khó tin, đôi khi còn nghi ngờ “liệu cô giáo có đang nói sự thật”.
Thực ra, nếu bố mẹ nhận thấy sự khác thường của trẻ trong vấn đề ăn uống lúc ở trường và ở nhà thì đầu tiên, bố mẹ cần có sự suy xét lại cách giáo dục của mình. Bởi vì, khả năng cao là do bố mẹ đã nuôi dạy trẻ sai cách. Vậy nên, việc chấn chỉnh lại phương pháp giáo dục phù hợp là rất cần thiết dành cho trẻ.
Bố mẹ có thể học tập từ lời khuyên dưới đây của các chuyên gia trong vấn đề này. Từ đó, giúp trẻ cân bằng giữa giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình.
Bố mẹ cần dạy trẻ tuân theo các quy tắc trong bữa ăn
Ở trường, trẻ luôn được dạy dỗ trong một khuôn khổ chuẩn mực nhất định. Vì vậy mà trong mỗi bữa ăn, trẻ sẽ hình thành tính nề nếp, chẳng hạn như chủ động rửa tay trước khi ăn, xếp hàng lấy thức ăn và đặc biệt là biết nói lời cảm ơn trước và sau khi ăn xong.
Tuy nhiên, ở nhà lại hoàn toàn trái ngược. Việc bố mẹ cưng chiều trẻ, đã khiến trẻ hình thành thói quen ỷ lại, tự phụ. Khi trẻ tỏ thái độ từ chối ăn uống, bố mẹ liền “nóng ruột” mà sẵn sàng đáp ứng mọi đòi hỏi của trẻ, chỉ vì muốn thuyết phục trẻ đồng ý.
Ví dụ như cho trẻ xem điện thoại, tivi trong lúc ăn; để trẻ vừa chơi đồ chơi vừa ăn,... Điều này nếu diễn ra thường xuyên, trẻ không những hình thành thói quen xấu, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Bởi vì trẻ không tập trung ăn, nên quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng bị gián đoạn và không diễn ra một cách hiệu quả.
Trẻ em hiểu và học hỏi rất nhanh. Vì vậy, nếu bố mẹ nghiêm túc đặt ra các quy tắc trong vấn đề ăn uống hằng ngày và giáo dục trẻ tuân thủ thì trẻ sẽ ngoan ngoãn vâng lời. Ngược lại, nếu bố mẹ quá lỏng lẻo, dễ dãi với trẻ thì trẻ sẽ có tính tự cao tự đại. Để trẻ phát triển lành mạnh, sự kết hợp giữa giáo dục gia đình và giáo dục ở trường là rất cần thiết.
Rửa tay trước khi ăn, là một trong những quy tắc mà bố mẹ cần dạy trẻ tuân thủ vào mỗi bữa ăn hằng ngày.
Bố mẹ ấn định giờ giấc và địa điểm bữa ăn cho trẻ
Trẻ khi bước vào môi trường mẫu giáo, ngoài thời gian cho việc học, những hoạt động sinh hoạt hay vui chơi khác đều được sắp xếp trật tự và lên lịch trình địa điểm cụ thể. Tại đây, trẻ sẽ không được phép đòi hỏi được chơi khi đến giờ ăn hoặc được ăn khi đến giờ ngủ. Giờ nào việc nấy chính là quy tắc bắt buộc dành cho trẻ. Nếu trẻ cố tình chống đối, cô giáo sẽ có những biện pháp uốn nắn kịp thời.
Thay vào đó, mỗi giờ ăn của trẻ ở nhà lại thường vô cùng “nhộn nhịp”. Cả căn nhà có thể bị xáo trộn cả lên, chỉ vì bố mẹ muốn thuyết phục trẻ hoàn thành xong bữa ăn.
Việc bố mẹ không ấn định nghiêm túc về một địa điểm mà trẻ được phép ăn uống, đã khiến cho bé tự tiện lựa chọn theo ý muốn của mình, khi thì ở phòng khách, khi thì ngoài sân vườn, thậm chí là trên giường ngủ. Điều này, không những dạy hư trẻ mà đồng thời còn “vắt cạn” sức lực và thời gian của bố mẹ.
Để loại bỏ hoàn toàn tình trạng trên xảy ra, bố mẹ buộc phải khắt khe hơn trong giờ giấc và địa điểm ăn uống cho trẻ. Hạn chế việc để trẻ ăn vặt hay ăn lắt nhắt trước mỗi bữa ăn chính.
Đồng thời tuyệt đối không để trẻ tự do di chuyển địa điểm ăn, mà hãy cố định ghế ăn và bàn ăn cho trẻ. Khi trẻ ý thức được khi nào ăn và ăn ở đâu, trẻ sẽ biết cần phải thực hiện thao tác gì trước mỗi bữa ăn, ví dụ như dọn dẹp đồ chơi, rửa tay sạch sẽ,...
Hình thành nề nếp giờ giấc và địa điểm ăn uống cố định cho trẻ, bố mẹ có thể tiết kiệm được thời gian và công sức.
Bố mẹ hướng dẫn trẻ ăn đúng cách
Hầu hết bố mẹ thường tỏ thái độ bực bội khi trẻ ăn uống không được gọn gàng, sạch sẽ. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh còn la mắng trẻ, thay vì hướng dẫn cho trẻ ăn uống đúng cách. Tuy nhiên, hành vi này của bố mẹ sẽ khiến quá trình nuôi dạy trẻ càng trở nên khó khăn.
Cách hiệu quả hơn là bố mẹ cần bĩnh tĩnh và kiên nhẫn để dạy cho trẻ tính tập trung khi ăn. Một không khí vui vẻ trên bàn ăn, sẽ tạo cho trẻ sự hào hứng và cảm giác ngon miệng. Ngược lại, khi trẻ bị áp lực, quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng sẽ không được diễn ra một cách tối ưu nhất.
Ngoài ra, muốn rèn luyện cho trẻ tính tự lập khi ăn thì bố mẹ đừng “can thiệp” quá mức vào quá trình ăn uống của trẻ, ví dụ như đút cho trẻ ăn.
Trong trường hợp, bàn tay trẻ chưa đạt được sự linh hoạt để dùng muỗng tự xúc ăn, bố mẹ hoàn toàn có thể khuyến khích trẻ dùng tay để bốc. Đối với những đứa trẻ biếng ăn, bố mẹ cũng đừng vì thương con mà đồng ý “thỏa thuận” với trẻ bằng sự dụ dỗ vật chất như, “ăn xong mẹ sẽ mua kẹo cho con”,... Ăn là ăn, và trẻ không được phép đưa ra bất kỳ điều kiện nào với bố mẹ.
Việc trẻ biết cách ăn uống đúng cách sẽ giúp cho quá trình hấp thụ thức ăn được diễn ra một cách suôn sẻ và hiệu quả nhất.