1. Nhiệt miệng là gì?
Nhiệt miệng còn có tên gọi khác là loét áp-tơ. Đây là những vết loét nhỏ, nông thường xuất hiện ở bên trong má, môi, trên lưỡi hoặc lợi khiến trẻ vô cùng đau đớn, khó chịu. Các vết loét có thể kéo dài 7-10 ngày rồi tự khỏi mà không để lại sẹo.
2. Nguyên nhân khiến trẻ bị nhiệt miệng
Theo Đông y, trẻ bị nhiệt miệng là do nóng trong còn quan điểm của Tây y thì nhiệt miệng là do:
- Trẻ có bệnh răng miệng như sâu răng, viêm tủy, viêm chân răng
- Hệ miễn dịch của trẻ suy giảm bất thường, là điều kiện lý tưởng để các bệnh viêm nhiễm tấn công
- Chức năng gan của bé bị suy giảm khiến gan không lọc bỏ các độc tố có hại như asen, chì ra ngoài cơ thể. Những độc tố này sẽ tích tụ ở niêm mạc lâu ngày khiến bé bị viêm loét miệng họng.
- Cơ thể trẻ bị thiếu hụt sắt, vitamin B12, axit folic, kẽm.
- Trẻ bị bệnh tay chân miệng
- Trẻ bị nhiễm khuẩn HSV, HHV và nhiễm vi-rút VZV (bệnh thủy đậu), CMV đều thuộc nhóm Herpes
- Trẻ vô tình bị rách niêm mạc miệng do vật cứng nhọn gây ra
- Trẻ dùng thuốc kháng sinh lâu dài, cơ thể mệt mỏi, tinh thần căng thẳng
- Trẻ bị dị ứng với một số loại thực phẩm như cà phê, các loại hạt, phô mai, dứa, mía
3. Dấu hiệu trẻ bị nhiệt miệng
Các vết loét có thể xuất hiện ở trong miệng, lưỡi hoặc nướu răng của trẻ ban đầu là đốm trắng kích cỡ nhỏ 1-2 mm, sau lớn dần 8-10mm. 1 số dấu hiệu của trẻ bị nhiệt miệng thường gặp là:
Hình ảnh nhiệt miệng ở trẻ với vết loét thành đốm trắng (Ảnh minh họa)
Hình ảnh trẻ sơ sinh bị nhiệt miệng ở lưỡi (Ảnh minh họa)
- Trẻ đau đớn, khó chịu nên quấy khóc và chán ăn
- Chảy nhiều nước dãi
- Trẻ bị nhiệt miệng và sốt nếu tình trạng viêm loét nặng
- Trẻ bị nhiệt miệng sưng lợi, lợi có thể chảy máu
- Bé bị nhiệt miệng sốt cao đột ngột, nổi hạch
4. Cách chữa khi trẻ bị nhiệt miệng
- Tây y:
Mặc dù bệnh nhiệt miệng không quá nghiêm trọng hoặc gây nguy hiểm, tuy nhiên với trẻ nhỏ viêm loét nhiệt miệng vẫn khiến trẻ vô cùng đau đớn, khó chịu.
"Trẻ bị nhiệt miệng bao lâu thì khỏi”: Thông thường, các vết loét mất 7-10 ngày sẽ tự lành.
"Trẻ bị nhiệt miệng uống thuốc gì?”: Để xác định trẻ bị nhiệt miệng uống thuốc gì, cha mẹ cần cho con đi khám để thầy thuốc đánh giá tình trạng vết loét của trẻ và kê đơn phù hợp. Nếu vết loét nhẹ bé chỉ cần vệ sinh răng miệng hàng ngày, kết hợp sử dụng thuốc kháng sinh, chống viêm, chống dị ứng. Một số tuýp thuốc điều trị nhiệt miệng cho trẻ ở dạng gel lạnh cũng rất hiệu quả và an toàn. Ngoài ra, các bé còn được bổ sung vitamin A, C liều cao để nhanh chóng tái tạo niêm mạc miệng.
Nếu trẻ nhiệt miệng sốt cao kéo dài, lâu ngày chưa khỏi có thể đã bị áp xe vùng miệng, viêm tấy lan tỏa khiến tình trạng nhiễm khuẩn nặng sẽ phải dùng kháng sinh liều cao hoặc kiểm tra nhiễm khuẩn huyết.
- Đông y:
+ Chữa nhiệt miệng bằng mật ong
Nhiều người dùng mật ong bôi vào vết loét miệng cho biết rất hiệu quả
Đây là mẹo chữa cho trẻ bị nhiệt miệng được nhiều áp dụng. Mật ong có tính sát khuẩn, có thể tiêu diệt nấm và các loại vi khuẩn rất tốt. Chỉ cần lấy tăm bông chấm mật ong vài vài sưng loét trẻ sẽ dễ chịu hơn rất nhiều.
+ Lục nhất tán
Dùng 6 phần hoạt thạch, 1 phần cam thảo, trộn cùng 1 thìa mật ong sao cho được hỗn hợp sền sệt. Lấy tăm bông chấm thuốc vào chỗ sưng đau, nhiệt miệng. Bôi liên tục ngày 2-3 lần. Đây là bài thuốc Đông y thường dùng dễ chữa các bệnh thử nhiệt do nắng nóng sinh ra ở trẻ nhỏ được nhiều người áp dụng.
+ Đắp ngô thù du
Tán nhuyễn ngô thù du thành dạng bột mịn. Mỗi lần làm thuốc chỉ dùng 2 thìa cà phê. Cho bột vào bát con. Đun sôi dấm ăn. Đổ dấm vào bát bột sao cho được hỗn hợp thuốc sền sệt. Bôi thuốc vào 2 gan bàn chân cho trẻ, sau đó đi tất hoặc dùng băng gạc băng lại. Để 2-3 giờ thì tháo ra. Nên làm trước giờ trẻ ngủ là tốt nhất.
Theo Đông y, bài thuốc ngô thù du có tác dụng “dẫn hỏa hạ hành”. Tức là hỏa là khí nóng gây ra nhiệt miệng được dẫn xuống sẽ giúp miệng lưỡi hết sưng đau. Đây là cách trị nhiệt miệng cho trẻ an toàn lại hiệu quả cao.
+ Cỏ mực
Cỏ mực có tác dụng thanh nhiệt, chữa các bệnh viêm nhiệt, sưng lở loét rất hiệu quả. Lấy một nắm cỏ mực, chỉ dùng phần lá, rửa sạch đem giã nát, ép lấy nước cốt hòa cùng 1 thìa mật ong. Dùng tăm bông thấm nước cỏ mực bôi vào chỗ nhiệt miệng ngày 2-3 lần.
+ Rau ngót
Theo Đông y, lá và rễ rau ngót đều có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, giải độc cơ thể rất tốt. Lá rau ngót giã nát, bỏ bã, lấy nước cốt bôi vào vết loét nhiệt miệng.
+ Nấu cháo cát căn
Lấy 50 gram bột cát căn, 100 gram gạo tẻ nấu cháo ăn hàng ngày, ăn liên tục trong 3-5 ngày để thanh nhiệt, giảm táo. Món cháo theo cách nấu Đông y này rất phù hợp cho trẻ nhỏ bị nhiệt miệng, táo bón, sưng nướu răng chảy máu.
+ Ngậm chất chát trong miệng
Mẹo làm này phù hợp với các trẻ lớn khi bị nhiệt miệng, vì các bé ít thấy khó chịu và biết nhổ ra. Các chất chát có thể cho trẻ ngậm như nước chè xanh, nước diếp cá, nước ép lá húng chanh, nước ép quả sung... Các loại nước chát có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn diệt virus, khử mùi hôi miệng.
5. Chăm sóc trẻ bị nhiệt miệng tại nhà
* Trẻ bị nhiệt miệng nên ăn gì?
- Ăn thức ăn dạng lỏng: Mẹ nên chế biến các món ăn ở dạng lỏng, mềm để bé dễ nhai, nuốt như cháo, súp, chè...
- Uống nhiều nước lọc: Uống nhiều nước các loại sẽ giúp vùng miệng họng đau sưng loét dễ chịu hơn.
- Uống nhiều nước trái cây: Nước ép trái cây tươi rất nhiều vitamin C như cam, chanh, bưởi... giúp cơ thể trẻ nhỏ tăng cường đề kháng, hạn chế sự tấn công của virus, vi khuẩn. Trong khi chăm sóc trẻ bị nhiệt miệng, mẹ nên cho con uống ít nhất 1 ly nước cam mỗi ngày nhưng không nên uống khi bé đói.
- Nước củ cải: Củ cải tươi ép lấy nước uống hoặc nấu canh củ cải cho trẻ uống nước canh giải nhiệt sẽ nhanh lành các vết loét nhiệt miệng.
- Uống nước khế chua: Chọn loại khế chua, dùng 2-3 quả, thái mỏng, đem đun sôi lấy nước dùng. Nước khế để nguội, cho trẻ ngậm và nuốt dần.Khế chua có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân dịch nhiều hơn nên trẻ mau khỏi nhiệt miệng.
- Nước cà chua ép:Cà chua ép tươi, lọc bỏ bã, nếu trẻ thích có thể cho thêm 1 thìa mật ong để dễ uống. Nước cà chua sẽ giúp làm lành nhanh các vết loét trong khoang miệng của trẻ.
- Thịt vịt: Trong số các loại thịt động vật, thịt vịt là thực phẩm có tính mát, giúp giải nhiệt nhưng vẫn cung cấp chất đạm và chất dinh dưỡng cần thiết khác cho trẻ nhỏ.
* Trẻ bị nhiệt miệng không nên ăn gì?
- Khi trẻ bị nhiệt miệng không nên cho trẻ ăn các món ăn có gia vị cay, nóng.
- Món ăn nhiều dầu mỡ, chất béo hoặc quá nhiều đường sẽ khiến vết nhiệt miệng khó lành.
6. Khi nào cần đưa trẻ bị nhiệt miệng đi gặp bác sĩ?
Nên đưa trẻ bị nhiệt nhiệt miệng đi khám nếu:
- Nếu trẻ bị nhiệt miệng trên 10 ngày chưa khỏi, vết loét sâu, chảy máu
- Trẻ quấy khóc, đau đớn kéo dài, bỏ ăn, bỏ bú, cơ thể mệt mỏi.
7. Cách phòng tránh trẻ bị nhiệt miệng
- Tập cho trẻ thói quen sinh hoạt điều độ, ăn ngủ vui chơi đúng giờ giấc, tinh thần thoải mái.
- Xây dựng chế độ ăn phong phú, đảm bảo đủ 4 nhóm chất cần thiết. Ăn thức ăn theo mùa, đặc biệt trong ngày hè bổ sung nhiều thực phẩm có tính mát, giải nhiệt.
- Vệ sinh răng miệng hàng ngày cho trẻ. Dạy trẻ súc miệng nước muối loãng để sát trùng, làm sạch khoang miệng, họng. Hướng dẫn trẻ đánh răng đúng cách, tránh làm tổn thương niêm mạc miệng.
- Tránh để trẻ ngậm các vật sắc nhọn, cho tay vào miệng.
- Không ép trẻ ăn khiến trẻ sợ quấy, dễ cắn vào lưỡi.