Cha mẹ cần theo sát mỗi khi trẻ tập đi. Ảnh minh họa
Hay bị tổn thương ở vùng hàm, mặt
Tai nạn đã xảy ra với bé Loan khi bà đang trông cháu ở nhà và để bé ngồi trong xe tập đi. Chỉ một phút lơ đễnh của người bà, chiếc xe tập đi mất đà trượt xuống cầu thang khiến vùng mặt của bé đập mạnh vào các bậc cầu thang, gây đau đớn và chảy rất nhiều máu.
Cháu bé được đưa đến Khoa Cấp cứu - Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) trong tình trạng lơ mơ, da nhợt nhạt do mất nhiều máu. Các bác sĩ tiến hành cho thở ôxy, truyền dịch, giảm đau đồng thời truyền máu, sau đó chỉ định chụp cắt lớp vùng hàm mặt. Kết quả cho thấy, cháu bị gãy rời di lệch xương hàm dưới. Sáu tiếng sau khi vào viện, bé Loan đã qua cơn nguy kịch. Bé Loan được phẫu thuật kết hợp cố định xương hàm dưới bằng nẹp vít và sau đó được chuyển sang điều trị tại Khoa Răng Hàm Mặt. Sau 6 ngày điều trị, bé được các bác sĩ cho ra viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Tương tự, con gái 8 tháng tuổi của chị Thu Hoài (ở Hà Nội) cũng bị bươu đầu do bị ngã từ trong nhà ra ngoài sân vì xe tập đi. Theo chị Hoài, vì công việc sửa chữa quần áo tại nhà khá lắt nhắt nên không có thời gian ngồi ôm con. Nghe mọi người mách bảo, chị mua cho cô con gái một chiếc xe tập đi có 6 bánh tròn rồi thả con vào xe cho bé đi quanh quẩn trong nhà lúc chị làm việc. Tuy nhiên, một lần đang phơi quần áo ngoài sân, bỗng chị Hoài giật thót mình khi thấy cô con gái cùng chiếc xe lao vèo từ trong nhà và ngã chổng kềnh ngay sát chân chị. Tiếng khóc của con gái khiến chị càng cuống quýt không biết phải gỡ bé ra như thế nào để thoát ra khỏi đám dây rợ lằng nhằng của xe. Cú ngã này khiến bé bị trầy xước một bên mặt và bả vai. Từ đó, hễ nhìn thấy xe tập đi là bé khóc thét lên, nhất định không chịu để mẹ cho vào xe.
Dễ bị vòng kiềng vì ngồi xe sớm
Theo ThS.BS Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu - Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương), trẻ em bị tai nạn do xe tập đi thường gặp và tổn thương chủ yếu là vùng hàm mặt. Lý do là xe tập đi trên thị trường hiện nay rất dễ di chuyển nên chỉ cần đẩy nhẹ chân là có thể chạy từ đầu nhà đến cuối nhà khiến trẻ không kiểm soát được tốc độ. Nhà chật, nhiều bậc thềm lên xuống cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị ngã. Đa số trẻ bị tai nạn do xe tập đi được cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Trung ương đều bị ngã do xe lao nhanh từ trong nhà xuống bậc thềm ra ngoài sân.
Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, xe tập đi còn khiến trẻ chậm biết đi hơn. Thông thường khoảng 9, 10 tháng thì trẻ bắt đầu biết đứng và lẫm chẫm men giường, khoảng 12- 17 tháng là trẻ biết đi. Tuy nhiên, nếu để trẻ vào xe tập đi sớm, trẻ sẽ lười tập đi hơn vì xe tập đi rất trơn, lăn nhanh nên trẻ chỉ cần đẩy nhẹ chân cũng có thể khiến xe chạy. Vì vậy, trẻ thường không đặt cả bàn chân xuống đất mà chỉ đi bằng năm đầu ngón chân. Thói quen này sẽ theo trẻ ngay cả khi bỏ xe ra. Chính vì đi men bằng năm đầu ngón chân nên trẻ sẽ không tự giữ được thăng bằng như những trẻ tập đi bình thường và tất nhiên sẽ chậm biết đi hơn trẻ không dùng xe. Việc di chuyển nhanh chóng mà không cần cố gắng cũng là nguyên nhân khiến trẻ phụ thuộc vào xe và lười tập đi hơn.
Hiện trên thị trường có xe tập đi bằng gỗ được sản xuất tại Việt Nam có thể hỗ trợ trẻ biết đi nhanh hơn nhưng lại thường bị các bà mẹ trẻ bỏ qua. Dụng cụ này có nhược điểm là luôn phải có người lớn đi kèm nhưng sẽ hạn chế được tối đa việc trẻ bị bươu đầu mẻ trán vì ngồi xe tập đi.
ThS.BS Ngô Anh Vinh cũng khuyến cáo, khi để trẻ với xe tập đi, các bậc cha mẹ phải theo sát bởi trẻ có thể tự cho xe đi khắp nhà, dễ va đập vào các đồ vật. Vì thế nên để trẻ trong phòng rộng, tránh vật dụng cứng sắc, những chỗ đễ trơn trượt, đặc biệt không cho trẻ chơi ở các khu vực gần cầu thang. Để trẻ một mình với xe tập đi, dù chỉ trong giây lát cũng có thể dẫn tới những tai nạn nghiêm trọng, gây hậu quả khó lường.