Con tôi mới được vài tháng tuổi nhưng khi ngủ cháu có hiện tượng ngáy như người lớn, khi nằm nghiêng người thì không sao nhưng nằm ngửa lại ngáy. Liệu có phải cháu đang mắc bệnh và cách khắc phục như thế nào?
Mai Hoà (Bắc Giang)
Ngáy được gây ra bởi sự tắc nghẽn hoặc chật hẹp trong quá trình lưu thông không khí khi bé ngủ. Những vấn đề thuộc thể chất có mối liên quan đến hiện tượng ngủ ngáy gồm:
Ngủ ngáy do cảm lạnh: Bạn phát hiện ra tiếng ngáy ngủ lần đầu khi bé bị cảm lạnh, kèm theo dấu hiệu chảy nước mũi. Nó cũng phản ánh sự bất ổn trong cơ thể con người ở nhiều độ tuổi khác nhau (đặc biệt là những người chưa bao giờ ngủ ngáy).
Ngủ ngáy do viêm amidan: Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến bé bị thiếu ôxy, ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ (do não thiếu ôxy). Do phải há miệng để thở nên bé có dấu hiệu như da xanh, môi trề ra bên ngoài, chóp mũi nhỏ…
Ngủ ngáy có liên quan đến sự ngưng thở: Nếu bạn thấy bé đột nhiên ngừng thở trong vài giây thì có thể bé mắc phải chứng ngưng thở trong lúc ngủ. Tuy nhiên, không phải bé nào bị ngủ ngáy cũng mắc phải chứng ngưng thở.
Bé thừa cân dễ bị ngáy khi ngủ hơn nhóm bé có trọng lượng trung bình. (Ảnh minh họa)
Các nguyên nhân khác khiến bé bị ngủ ngáy là do bé bị ngạt mũi, bé bị dị ứng, bé ngủ với tư thế gây chèn ép lên vùng cổ họng. Bé thừa cân dễ bị ngáy khi ngủ hơn nhóm bé có trọng lượng trung bình. Ngủ ngáy nhiều có thể làm rối loạn hành vi của bé, bé khó tập trung vui chơi hoặc bé sẽ chuyển sang ngủ ngày nhiều hơn.
Cách xử trí:
Nếu bạn nghi ngờ chứng ngủ ngáy ở bé có liên quan đến những rắc rối sức khỏe, bạn nên đưa bé đi khám. Những bé xuất hiện trục trặc về giấc ngủ nên được sự thăm khám của bác sĩ chuyên khoa (thường là khoa tai, mũi, họng).
Nếu bé đang trong tình trạng thừa cân, bạn nên áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý và duy trì việc tập luyện thể dục, thể thao cho bé (bao gồm cả việc hạn chế bé xem tivi).
Nếu bé thỉnh thoảng mới ngủ ngáy thì không có vấn đề gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu bé ngáy ngày một to và thường xuyên hơn thì bạn nên đưa bé đi khám sớm.