Ảnh: Wordpress |
Chia sẻ trong buổi nói chuyện với các phụ huynh của Hội quán các bà mẹ, bác sĩ Nguyễn Ban Mai (Phó khoa sản E, Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM) cho biết, trước đây phần lớn trẻ được đẻ thường, khoảng 90%. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người muốn sinh mổ vì sợ đau và một phần do muốn chọn ngày đẹp. Mổ đẻ tức là phẫu thuật vùng bụng bằng gây mê hoàn toàn hoặc gây tê vùng cột sống. Các bác sĩ sẽ mở ổ bụng và phần dưới của dạ con, lấy em bé ra, cắt rốn, sau đó bỏ nhau thai đi và khâu kín bụng theo trình tự ngược lại.
Tất nhiên, cũng có những lý do về mặt y học khiến việc mổ đẻ là cần thiết như bé nằm không đúng ngôi trong bụng mẹ (quay chân hoặc mông xuống dưới), nhau thai nằm chắn đường ra của bé (nhau tiền đạo), tỷ lệ giữa em bé và vùng xương chậu của mẹ không cân xứng (em bé to, vùng xương chậu của mẹ hẹp)... Những bác sĩ có kinh nghiệm có thể dự đoán được sinh mổ hay sinh thường ở ngay tuần thứ 36-38 của thai kỳ.
Cũng có trường hợp được tiên liệu đẻ thường nhưng trong quá trình lâm bồn phát sinh một số vấn đề như cổ tử cung không mở đủ rộng hoặc tim em bé có dấu hiệu xấu đi… thì lúc đó bác sĩ sẽ chỉ định mổ. Thời gian từ lúc gây tê đến khi lấy thai chỉ kéo dài 3 phút nên sản phụ không nên lo lắng là việc mổ chậm trễ có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Bác sĩ Mai nhận xét, tuyệt vời nhất là trẻ được sinh thường, bởi cái gì thuận với tự nhiên cũng tốt hơn. Khi ra đời bằng phương pháp sinh thường, bé sẽ biết lựa chiều phù hợp với khung xương của mẹ, biết chồng các xương của mình lại để có thể ra một cách dễ dàng nhất, ví dụ hai vai bé so lại, chân chụm lại, bé buộc phải ép ngực và lúc đó nước trong phổi sẽ ra hết. Khi bé khóc, phổi sẽ nở ra. Vì thế hệ hô hấp của những bé sinh thường bao giờ cũng tốt hơn sinh mổ.
Ngoài ra khi sinh thường, trẻ được tiếp xúc với dịch trong âm đạo của mẹ, được tiếp nhận vi sinh vật có lợi ở đây (âm đạo của một phụ nữ bình thường là nơi chung sống hòa bình của khoảng 22 loại vi khuẩn có lợi). Vì thế, tự cơ thể của bé có thể sản xuất hệ miễn dịch. Đây là bước quan trọng đầu tiên để phát triển hệ miễn dịch của trẻ.
Ở trẻ sinh mổ, bé không tiếp nhận được vi sinh vật có lợi từ âm đạo của mẹ, dẫn đến vi sinh vật có lợi chậm khu trú trong đường ruột, dẫn đến sự phát triển của hệ miễn dịch bị chậm trễ.
Môi trường bên ngoài đầu tiên mà bé ra đời bằng phương pháp sinh mổ tiếp xúc chính là không khí phòng mổ với rất nhiều mùi thuốc gây tê hay gây mê. Tuy đây là một môi trường được khử trùng nhưng không hoàn toàn vô trùng, vẫn có nhiều vi khuẩn gây hại có thể ẩn nấp ở đâu đó, và hệ miễn dịch của trẻ sinh mổ tự tạo ra khác hẳn với hệ miễn dịch của trẻ sinh thường.
Hệ miễn dịch phát triển chậm trễ khiến trẻ sinh mổ dễ mắc bệnh hơn trẻ sinh thường, đặc biệt là hen suyễn, bệnh về hô hấp, bệnh về đường tiêu hóa và dị ứng. Bạn có thể biết nguy cơ dị ứng của bé dựa vào tiền sử dị ứng của gia đình. Nếu cả hai vợ chồng đều từng bị dị ứng, nguy cơ dị ứng của bé sẽ là 60-80%; vợ hoặc chồng từng bị dị ứng, tỷ lệ dị ứng của trẻ là 20-40%; thậm chí dù cả bố và mẹ đều chưa từng bị dị ứng, vẫn có 15% trẻ sinh mổ có nguy cơ dị ứng.
Để giúp bé có hệ miễn dịch tốt hơn, bác sĩ Ban Mai khuyên các sản phụ hãy cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng đầu tiên sau khi sinh. Đặc biệt, sữa mẹ trong 5 ngày đầu sau khi sinh chứa rất nhiều kháng thể quý giá. Những giọt sữa vàng đặc sánh, khác hẳn với những giọt sữa trắng trong sau này. Trong trường hợp không thể cho bé bú sữa mẹ, chế độ dinh dưỡng hàng ngày cần bổ sung vi sinh vật có lợi và giúp hỗ trợ hệ miễn dịch cho trẻ.
Bác sĩ cũng nhận xét, mặc dù có cảm tưởng mổ đẻ không có biến chứng nhưng các số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ bị biến chứng ở các ca mổ đẻ cao gấp 3 lần so với ca đẻ bình thường. Ngoài ra, tỷ lệ biến chứng ở các ca mổ đẻ bắt buộc đối với mẹ và bé cũng cao hơn nhiều (do tác động của thuốc gây mê). Ngay cả vết sẹo mổ đẻ cũng có thể gây ra những vấn đề cho các lần mang thai và sinh đẻ sau này như bục vết mổ, nhau thai ăn vào vết mổ.
Kim Kim