Tại phòng khám dinh dưỡng, chị Hoàng (Phú Nhuận, TP HCM) cho biết 2 tháng trước bé Mít bắt đầu bước vào tuổi ăn dặm nhưng mỗi bữa chỉ nhấm nháp được vài muỗng là không chịu ăn nữa. Chị phải kiên trì chia thành nhiều bữa trong ngày để "ép" con tập ăn.
Hiện tình trạng biếng ăn của bé vẫn không cải thiện, đã gần 8 tháng nhưng cân nặng không tăng nhiều, chỉ đạt chưa tới 7kg như lúc 6 tháng. Quá nhiều lời khuyên về chế độ ăn của con được đưa ra khiến bà mẹ một con hoang mang và tìm đến bác sĩ nhờ tư vấn.
Khi mới bắt đầu tập ăn, nên cho trẻ dùng bột ăn liền trong một khoảng thời gian ngắn trước. Ảnh: the-parenting |
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Ngọc Hương, Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM cho biết, thời điểm cho trẻ tập ăn, số lượng bữa ăn, ăn lúc mấy giờ sẽ hợp lý luôn là nỗi băn khoăn của không ít bà mẹ.
Theo bác sĩ Hương, trên thực tế trẻ ở tuổi ăn dặm vẫn còn bú mẹ. Vì vậy, việc chọn thời gian ăn dặm cho trẻ không cần quá cứng nhắc, chỉ cần đảm bảo cho trẻ ăn 2 bữa cách xa nhau trong một ngày, tùy thuộc vào sự sắp xếp thời gian của mẹ, khi mẹ rảnh rỗi, thuận tiện cho trẻ ăn để trẻ vui vẻ, thoải mái.
Về dung tích bữa ăn, nhiều bé ăn khỏe có thể hết cả chén đầy nhưng cũng có bé chỉ vài bữa là ngừng. Với bé biếng ăn, ở giai đoạn tập ăn dặm phụ huynh cũng không nên chia làm quá nhiều bữa. Nếu mỗi bữa trẻ ăn quá ít thì sau cữ bột tập ăn cần kết hợp cho trẻ bú thêm để thành một bữa no, giúp hệ men tiêu hóa quen với việc hoạt động một lần.
Khi mới bắt đầu ăn, khuyến khích trẻ dùng bột ăn liền trong một khoảng thời gian ngắn trước. Lúc này thận của trẻ còn yếu, nếu nấu phải cân đo kỹ lưỡng để khẩu phần ăn không quá nhiều đạm tăng gánh nặng cho thận. Tập từ ít đến nhiều, chỉ nên pha bằng 1/2 công thức mà nhà sản xuất đề nghị.
"Nhiều người muốn cho bé cứng cáp nên hầm xương hoặc củ dền để lấy nước pha sữa, pha bột cho trẻ. Trên thực tế điều này phá vỡ quy trình tính toán chất dinh dưỡng của nhà sản xuất sữa, khiến trẻ kém hấp thu, dễ rối loạn tiêu hóa", bác sĩ Hương lưu ý.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, trẻ thường được bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi, sau đó cho ăn dặm bằng bột, tập ăn dặm nên cho theo nguyên tắc từ từ, từ lỏng đến đặc, từ ít tới nhiều, từ đơn giản đến phức tạp. Thường bắt đầu bằng bột ngọt với đạm sữa, sau đó thêm những bữa bột mặn với đạm động vật bên cạnh chế độ sữa.
Theo bác sĩ Hậu, khi em bé mọc răng, có nhu cầu nhai và ăn được nhiều (mỗi cữ khoảng trên nửa chén đến 1 chén bột), có thể xen kẽ thêm cháo. Một chén cháo có đậm độ năng lượng thấp hơn một chén bột, nhưng có độ lợn cợn, đa dạng các chất và mùi vị giúp bé thích nhai, thích ăn, tiêu hóa và hấp thu tốt.
Lê Phương