Vừa qua mạng xã hội Trung Quốc xôn xao về câu chuyện một năm sinh đạt 523 điểm trong kỳ thi tuyển sinh cấp 3 (đây là số điểm khá cao) nhưng lại không vào được trường trọng điểm.
Vì vậy, người mẹ liền tức giận xé hết giấy khen của con treo trên tường, người bố cũng cho biết rất thất vọng khi biết điểm số của con không đạt như mong đợi, cho rằng con trai học hành không tốt sau này sẽ khó thành công như bạn bè.
Câu chuyện khiến nhiều người bức xức cho rằng phụ huynh trong câu chuyện trên quá coi trọng thành tích mà bỏ qua cả quá trình cố gắng của con. Mặc dù, cậu bé không thể vào học ngôi trường trọng điểm nhưng nếu chăm chỉ, có mục tiêu học tập, con cũng sẽ đạt được cuộc sống mong muốn trong tương lai.
Người mẹ xé bằng khen của con vì thất vọng với kết quả thi. (Ảnh: Sohu)
Thực tế, không ít phụ huynh đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái, trẻ phải đạt thành tích cao để bố mẹ tự hào. Tuy nhiên, thái độ của bố mẹ có thể ảnh hưởng đến tương lai của trẻ. Nếu trẻ đạt thành tích học tập tốt bố mẹ mừng rỡ và khoe khắp nơi. Ngược lại, nếu kết quả không đạt yêu cầu, trẻ thường phải chịu sự la mắng, so sánh với bạn bè thậm chí là trách phạt nghiêm khắc.
Áp lực tâm lý quá lớn khiến trẻ càng sợ thất bại và lo bố mẹ thất vọng, từ đó đẩy mình đến bờ vực, dễ dẫn đến các bệnh về tâm lý như căng thẳng kéo dài, trầm cảm....
Mỗi đứa trẻ sẽ có tài năng và thế mạnh khác nhau, có trẻ giỏi vẽ tranh, hát hay, múa đẹp nhưng một số trẻ khác lại nổi bật về các môn thể thao... Thực tế, trẻ không thể làm vừa lòng bố mẹ về mọi thứ, hay hoàn thiện bản thân theo tiêu chuẩn của người lớn.
Để giúp bố mẹ có cái nhìn tổng quan cũng như phương pháp dạy con học tốt, giúp trẻ tăng sự tự tin trong quá trình học tập, tiến sĩ tâm lý Kiều Thị Thanh Trà đã có những chia sẻ hữu ích.
Tiến sĩ tâm lý Kiều Thị Thanh Trà, Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM.
Thưa chuyên gia, vì sao nhiều phụ huynh đặt kỳ vọng lớn vào con trong việc học tập?
Trên thực tế, có rất nhiều lý do để phụ huynh đặt nhiều kỳ vọng vào con cái trong việc học tập lẫn đời sống, có thể kể đến một vài nguyên nhân như:
- Bố mẹ mong muốn con cái đạt được những thành công nhất định
- Một số bậc phụ huynh xem con cái thành niềm hãnh diện, tự hào của mình nên luôn thúc ép, bắt buộc con phải học tập để đạt được những thành tích đáng ngưỡng mộ.
- Một số bố mẹ vì muốn con tiếp nối sự nghiệp, truyền thống của gia đình nên đặt ra rất nhiều kỳ vọng và tạo áp lực cho con cái.
- Sự kỳ vọng quá lớn của bố mẹ vào con cái cũng có thể do họ không hài lòng về bản thân hoặc có những ước mơ chưa thực hiện được, vì vậy, họ muốn con cái hoàn thành những ước mơ dang dở của mình hoặc không muốn con phải rơi vào hoàn cảnh tương tự của mình.
- Ở nước ta và một số quốc gia phương Đông, nhiều người vẫn đánh giá người khác dựa trên thành tựu, chính điều này ảnh hưởng đến quan niệm của phụ huynh làm họ đặt ra rất nhiều kỳ vọng vào con cái.
- Sự kỳ vọng quá mức của bố mẹ dành cho con cái đôi khi là do chính gia đình đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống, vì vậy, bố mẹ mong muốn con cái học hành tốt để sau này phụ giúp gia đình.
Thái độ của bố mẹ đối với việc thắng và thua trong học tập của con ảnh hưởng thế nào đến tương lai của trẻ?
Việc cạnh tranh (thắng – thua) trong học tập khá phổ biến trong đời sống học đường. Một sự cạnh tranh lành mạnh có thể giúp trẻ học được các kỹ năng cần thiết, tạo động lực phấn đấu giúp trẻ ngày càng học tốt hơn.
Tuy nhiên, nếu bố mẹ quá xem trọng việc thắng - thua, dẫn đến tạo áp lực cho trẻ sẽ dẫn đến căng thẳng không cần thiết, áp lực thành tích và có thể dẫn đến những nguy cơ khác nhau ở trẻ, chẳng hạn như chán học, sợ học, tự ti, mặc cảm thua kém,…
Trường hợp trẻ thi học kỳ điểm kém thì bố mẹ nên nói như thế nào để đứa trẻ lần sau biết nỗ lực hơn, không sợ học, cũng không tủi thân hay mất tự tin vào bản thân, nghĩ mình dốt?
Dù bố mẹ cảm thấy thất vọng khi con không đạt kết quả học tập như mong muốn, bố mẹ cần:
+ Giữ bình tĩnh để suy xét, đánh giá vấn đề, tránh những lời nói hoặc hành vi tiêu cực gây ảnh hưởng đến trẻ.
+ Chọn thời điểm, không gian phù hợp để trò chuyện, trao đổi với trẻ về vấn đề học tập, chú ý lắng nghe, tập trung vào cảm xúc của trẻ và khuyến khích trẻ chia sẻ.
Bố mẹ có thể bắt đầu câu chuyện với trẻ bằng cách gợi mở: “Có vẻ điểm thi học kỳ của con lần này không như mong đợi. Bố/mẹ biết là con đang buồn… Bố/mẹ ở đây để nghe con nói và giúp đỡ con.”
Chuyên gia có thể gợi ý thêm một số cách dạy con học tốt, giúp trẻ tự tin trong học tập và tương lai về sau?
Để trẻ có thể học tốt và tự tin trong học tập, bố mẹ cần đồng hành với trẻ trong quá trình học tập, đặc biệt, hướng dẫn cho trẻ kỹ năng tự học, rèn luyện tính tự giác, chủ động, tích cực trong việc học.
Đồng thời, bố mẹ cần đặt ra yêu cầu học tập phù hợp với năng lực và đặc điểm tâm lý của con, giảm áp lực học tập và hỗ trợ quá trình học tập của con một cách phù hợp.