Trẻ em khi đủ tuổi, bố mẹ thường sẽ gửi trẻ đến các trường học để thầy cô giáo dục kiến thức và kỹ năng cho trẻ, đồng thời bố mẹ cũng sẽ có thời gian để lao động kiếm sống.
Bên cạnh việc trẻ được nuôi dạy ở gia đình, trường học cũng được xem là “ngôi nhà” thứ 2 của trẻ. Nơi sẽ đào tạo những đứa trẻ trở thành những đứa trẻ ngoan ngoãn, thông minh và khỏe mạnh. Không ai có thể phụ nhận được vai trò và tầm quan trọng từ giáo dục nhà trường đến trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra rằng không phải “ngôi nhà thứ 2” nào cũng phù hợp với trẻ, vì vậy bố mẹ nên dành thời gian để quan sát và quan tâm đến trẻ nhiều hơn ở giai đoạn mẫu giáo.
Để đánh giá trường học có thực sự tốt cho con hay không? Sau mỗi giờ đến lớp, bố mẹ hãy chú ý đến trẻ nhiều hơn để có cách xử lý phù hợp, nếu như trẻ có các biểu hiện sau.
Thèm ăn đột ngột
Từ 3 đến 6 tuổi là giai đoạn trẻ cần được “siết chặt” hơn trong vấn đề chăm sóc sức khỏe, bởi vì đây là giai đoạn quan trọng để trẻ phát triển cơ thể.
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ chính là điểm mấu chốt, quyết định đến tốc độ “hoàn thiện” về cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ.
Nếu trẻ có biểu hiện thèm ăn dữ dội, sức ăn mạnh hơn bình thường thì bố mẹ cần phải cân nhắc. Bởi vì có thể khi ở trường học, trẻ đã không được quan tâm kỹ càng đến nhu cầu ăn uống.
Lúc này, cơ thể trẻ không nạp đủ năng lượng và các chất cần thiết để duy trì cho các hoạt động vui chơi, giải trí ở trường. Thế nên khi về đến nhà, trẻ sẽ cảm thấy đói và có mong muốn dữ dội là được lấp đầy chiếc bụng.
Ngoài ra, nguyên nhân khác có thể đến từ thói quen ăn uống của trẻ. Khi thức ăn ở trường không phù hợp với khẩu vị của bản thân thì trẻ sẽ ăn ít, thậm chí là nhịn ăn.
Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng sẽ dạn dĩ bộc lộ cảm xúc không hài lòng của mình về thức ăn để cô giáo kịp thời điều chỉnh. Vì vậy, trong trường hợp này thì sự can thiệp đúng lúc của bố mẹ là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, trước khi vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Trẻ có dấu hiệu thèm ăn sau khi ở trường về, chứng tỏ chế độ ăn uống của trẻ đang gặp vấn đề bất ổn.
Thái độ chống đối mạnh mẽ việc đi nhà trẻ
Bố mẹ đừng vội mừng nếu thấy trẻ vui vẻ đến trường vào những ngày đầu. Ngược lại, sự quan sát cẩn trọng từ bố mẹ sẽ không bao giờ là dư thừa trong việc chăm sóc con cái.
Bởi vì, khi trẻ đột ngột có biểu hiện chống đối, tìm cách nghỉ học hoặc đến trường trong tâm trạng buồn bã thì chắc chắn trẻ đang gặp vấn đề tiêu cực ở trường.
Những rắc rối tại đây có thể đã đe dọa đến sức khỏe tâm thần của trẻ, khiến cho trẻ thiếu cảm giác an toàn khi đến trường. Thậm chí lúc này, trường học có thể sẽ trở thành một nơi ám ảnh trong tâm lý của trẻ.
Để có thể nắm bắt được tình hình và đưa ra cách giải quyết kịp thời, bố mẹ bắt buộc phải dựa vào sự quan sát thực tế những hành vi hằng ngày của trẻ.
Nếu trẻ có biểu hiện thu mình lại, từ chối đề cập đến các sự việc ở trường thì lúc này bố mẹ nên kiên nhẫn tâm sự cùng trẻ và giúp đỡ chúng khi cần.
Nếu trẻ đang gặp rắc rối ở trường, trẻ sẽ có biểu hiện chống đối mỗi khi bố mẹ đề cập đến vấn đề đi học.
Thường xuyên mất ngủ hoặc gặp ác mộng vào ban đêm
Biểu hiện mất ngủ, tỉnh giấc giữa đêm hoặc gặp ác mộng thường xuyên chính là tín hiệu của ngôn ngữ cơ thể không ổn ở trẻ, bố mẹ tuyệt đối đừng hời hợt bỏ qua. Điều này cho thấy, trẻ đang gặp phải một vài vấn đề tại trường học.
Khi những hành vi xấu tác động mạnh đến tâm lý của trẻ, trẻ sẽ thường lưu giữ ký ức đen tối đó vào trong trí nhớ của mình. Điều này vô tình gây nên tình trạng ám ảnh tâm lý ở trẻ.
Vì vậy, trẻ sẽ ôm khư khư trong lòng sự sợ hãi, lo lắng vào trong cả giấc ngủ. Đó là nguyên nhân vì sao trẻ thường ngủ không yên, hay giật mình tỉnh giấc và thậm chí là bật khóc khi tỉnh dậy.
Theo lời khuyên của nhiều chuyên gia, giấc ngủ là rất quan trọng đối với quá trình phát triển của trẻ. Vì vậy nếu chất lượng giấc ngủ không được đảm bảo, trẻ sẽ có sự thay đổi lớn trong tính cách như mất tập trung, dễ cáu gắt,... Để tránh điều này, bố mẹ cần kịp thời an ủi và loại bỏ những “độc hại” ở trường để trẻ có thể tự tin phát triển lành mạnh nhất.
Trẻ mang tâm lý sợ hãi, lo lắng thường sẽ mất ngủ hoặc gặp ác mộng vào ban đêm.
Bám mẹ
Trên thực tế, hầu hết những đứa trẻ đến độ tuổi đi học đều đã có sự phát triển trong nhận thức xã hội. Lúc này, hành vi bám mẹ ở trẻ sẽ giảm dần và thay vào đó là việc trẻ càng có mong muốn được kết giao bạn bè để mở rộng mối quan hệ của mình.
Tuy nhiên, nếu tình trạng bám mẹ ở trẻ bất ngờ xảy ra mạnh mẽ từ khi trẻ được gửi đến trường thì điều này hoàn toàn là có nguyên nhân. Bởi vì, hành vi bám mẹ của trẻ xuất phát từ việc trẻ cảm thấy thiếu an toàn.
Thế nên, nếu trẻ bám mẹ với tần suất dày hơn bình thường, thì chắc chắn là trẻ đang sợ hãi hay lo lắng một vấn đề gì đó không được lành mạnh ở trường. Điều này, đã khiến cho trẻ có mong muốn mạnh mẽ được nhận tình yêu thương và hơi ấm từ mẹ.
Khi trẻ thiếu cảm giác an toàn, trẻ sẽ thường bám mẹ không buông.