Giáo dục con cái là trách nhiệm của các bậc cha mẹ. Cách giáo dục của cha mẹ cũng sẽ ảnh hưởng đến đứa trẻ cho tới suốt cả cuộc đời. Vậy nhưng cha mẹ cũng không cần quá nóng vội hoặc lo lắng thái quá. Vấn đề quan trọng là hàng ngày cha mẹ cần chú ý đến mọi lời nói, cử chỉ và trạng thái cảm xúc của con. Từ đó kịp thời phát hiện vấn đề để tiến hành giáo dục sao cho hiệu quả nhất.
Một trong những khía cạnh cha mẹ cần phải hết sức lưu tâm, đó là không được để trẻ hình thành tâm lý tự ti. Bởi nếu điều đó kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính cách khi trưởng thành của con. Những đứa trẻ có tâm lý tự ti sẽ hiểu hiện ra bên ngoài thế nào?
Cha mẹ có thể căn cứ vào việc trẻ có thường nói 3 câu sau đây không để nhận định:
1. “Con không làm được”
Cha mẹ chớ nên có tâm lý xem thường năng lực làm việc của trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa)
Một người cha đang ngồi đọc sách thì thấy đứa con bê một cốc nước đến bên bể cá. Ông lập tức nghĩ tới việc đứa trẻ sẽ làm ướt áo hoặc bị ngã, làm vỡ cốc nên vội vàng chạy lại, giành lấy cốc nước và mắng con. Đứa trẻ đã bị cha làm cho bối rối, ý muốn đổ thêm nước và bể cá bị dập tắt.
Nhìn thấy người cha hết sức cẩn thận đem cốc nước quay lại phòng bếp, cậu bé nghi ngờ rằng mình sẽ làm không tốt nên cha mới mắng và ngăn chặn mình như vậy.
Thực ra rất nhiều người lớn có suy nghĩ giống như ông bố đó, xem thường năng lực làm việc của trẻ nhỏ. Và trẻ nhỏ thì luôn rất nhạy cảm, khi phải lớn lên trong hoàn cảnh đó, chúng sẽ mang tâm lý tự ti sâu sắc, mất đi dũng khí đối mặt với thế giới bên ngoài. Đối với mỗi việc mới lạ gì đó, chúng thường thốt ra câu nói quen thuộc: “Con không làm được”, thể hiện sự nhút nhát, e dè sâu sắc từ trong nội tâm.
Lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ là hãy hướng dẫn và chỉ lối cho con cách làm đúng để trẻ không mắc sai lầm chứ không phải là tỏ thái độ coi thường và cấm đoán con. Có cha mẹ bên cạnh nhẹ nhàng chỉ bảo, uốn nắn, chắc chắn trẻ sẽ tự tin hơn khi đứng trước mọi vấn đề của cuộc sống.
2. “Con sợ con sẽ trả lời sai”
Thời điểm đi học, rất nhiều đứa trẻ rơi vào tình huống biết rõ đáp án nhưng lại không dám đứng lên trả lời thầy cô giáo. Nếu hỏi đến thì chúng sẽ nói: “Con sợ con sẽ trả lời sai”. Đó là một câu trả lời thể hiện sự tự ti trong lòng con đã không còn có thể coi nhẹ.
Nếu cha mẹ phát hiện con mình có biểu hiện đó, hãy xem lại ngày thường con có phải chịu đựng những cảm xúc tiêu cực nào hay không. Sau đó phải thường xuyên cổ vũ con, khẳng định năng lực và công nhận tài năng của trẻ để trẻ trở nên tự tin hơn.
3. “Con là giỏi nhất”
Bạn phải ngừng ngay việc so sánh đứa trẻ nhà mình với các đứa trẻ của gia đình khác! (Ảnh minh họa)
Khi còn nhỏ, điều khó chịu nhất với 1 đứa trẻ là bị cha mẹ so sánh với những đứa trẻ khác. Vì điều đó có nghĩa rằng, chúng trong mắt cha mẹ mình vẫn còn rất kém cỏi. Hành vi đó của người lớn kéo dài sẽ dẫn đến con cái họ trở nên tự ti khi không được bố mẹ thừa nhận khả năng.
Nhưng nhiều đứa trẻ rơi vào tình cảnh ấy lại thường xuyên lớn giọng khẳng định: “Con là giỏi nhất” chứ không phải là ủ rũ, thu mình vào 1 góc. Chính vì biểu hiện đó mà nhiều bậc cha mẹ coi nhẹ, không hề liên tưởng đến việc ẩn sâu trong lòng đứa trẻ là tâm lý tự ti cực độ. Thực ra đó là một dạng biểu hiện khác của sự tự ti, bởi trong trường hợp trẻ thực sự tự tin như vậy thì chúng sẽ không lớn giọng nói ra miệng theo cách đó.
Nếu phát hiện con mình luôn treo ở miệng câu nói như vậy, cha mẹ phải kịp thời hướng dẫn và giúp trẻ xây dựng lại sự tự tin. Quan trọng nhất, bạn phải ngừng ngay việc so sánh đứa trẻ nhà mình với các đứa trẻ của gia đình khác.